Chàng trai nghèo quyết tâm du học tiến sĩ

Lệ Thu Văn Hiền

(Dân trí) - Năm 2012, chàng trai nghèo Đỗ Bá Toại quyết tâm sang Trung Quốc du học với số tiền ít ỏi của gia đình và sự hỗ trợ của một tiến sĩ người Việt, mục tiêu học tiến sĩ của Toại cũng được nhen nhóm từ đây.

Đoàn Bá Toại (sinh năm 1994, quê Hải Dương) hiện là đang nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành quản lý kinh tế, Đại học Nông lâm Phúc Kiến. 

Chàng trai nghèo quyết tâm du học tiến sĩ - 1

Bá Toại Đại diện du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc tham dự Diễn Đàn Trí Thức Trẻ Việt Nam Toàn cầu năm 2021 tại Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Nhớ về hành trình du học của mình, Bá Toại chia sẻ: "Trong một lần tham gia đại hội thể dục thể thao và văn hóa cho du học sinh tại Trung Quốc năm 2013, mình đã có cơ hội gặp rất nhiều anh chị học thạc sĩ, tiến sĩ. Từ mục tiêu học tốt tiếng Trung Quốc, mình đã quyết tâm phải học tiến sĩ tại đây".

Năm 2015, khi học tại chuyên ngành Kinh tế quốc tế và mậu dịch của trường Học viện Vũ Di - Phúc Kiến. Bá Toại đã thành công với hạng mục khởi nghiệp và được đầu tư trực tiếp tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).

Khi đã tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế quốc tế của Học viện Vũ Di, Bá Toại đã xuất sắc giành học bổng toàn phần tiếp tục học thạc sĩ chuyên ngành quản lý kinh tế của Đại học Nông lâm  Phúc Kiến. 

Đến năm 2018, Bá Toại vinh dự khi chính thức thành trợ giảng Khoa Kinh Tế và là trợ lý viện trưởng Viện Quốc Tế đầu tiên của trường năm 2019.  

"Mình mong muốn học được những kiến thức tiên tiến nhất của Trung Quốc và mang về Việt Nam, cống hiến cho đất nước", Toại tâm sự.

Về Việt Nam vào đúng mùng 1 Tết (25/1/2020), Bá Toại không nghĩ mình sẽ phải ở lại Việt Nam để bảo vệ luận văn thạc sĩ trực tuyến. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực cố gắng, Bá Toại đã bảo vệ luận văn thạc sĩ thành công và đạt được điểm ưu. 

Tháng 9/2020, Bá Toại chính thức tốt nghiệp thạc sĩ và nhập học tiến sĩ trực tuyến quyết định trở thành một nghiên cứu sinh từ xa. 

Là một nghiên cứu sinh đang học hệ tiến sĩ từ xa, Bá Toại cũng gặp rất nhiều khó khăn khi phải du học trực tuyến, đó chính là việc tương tác cập nhật thông tin và số liệu nghiên cứu. 

Theo Bá Toại, sự tương tác và cập nhật thông tin sẽ rất nhỏ mà không đáp ứng được nhu cầu. Bởi, nếu như bên Trung Quốc thì hầu như hàng ngày sẽ được chia sẻ và nói về vấn đề liên quan đến chuyên ngành, hay những yếu tố kinh tế chính trị ảnh hưởng tới chuyên ngành.

Còn tại Việt Nam thì chỉ có thể làm nghiên cứu độc lập, không có thông tin, và những thông tin mình tìm được cũng chỉ là một phần rất nhỏ. 

Tiếp đó là những số liệu nghiên cứu tại Việt Nam rất ít trong lĩnh vực mà Toại đang nghiên cứu. Tất cả các số liệu cần đi điều tra thực tế, nhưng trong 2 năm dịch bệnh cũng không đi được đâu, chỉ có thể ở nhà và đọc các tài liệu tham khảo trước khi bắt tay vào viết luận cũng như viết báo để phục vụ cho việc tốt nghiệp.

Chàng trai nghèo quyết tâm du học tiến sĩ - 2

"Việc du học trực tuyến đã khiến kiến thức của sinh viên, nghiên cứu sinh bị hổng rất nhiều. Việc giao lưu giữa các sinh viên với nhau cũng dần ít đi, đặc biệt là nhiều trường không cấp học bổng cho du học sinh ngoài Trung Quốc (Ảnh: NVCC).

Trong khi các du học sinh vẫn phải cố gắng hoàn thành việc học tập của mình. Nhiều du học sinh cũng vì điều này mà vừa học vừa làm dẫn tới tình trạng học sa sút, nhiều bạn đã bỏ học hoặc chuyển hướng sang những nước có thể sang nhập học", Bá Toại chia sẻ thêm. 

Bá Toại cũng cho rằng: "Cũng nhờ du học trực tuyến mà các bạn du học sinh dần thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh mới, có rất nhiều du học sinh đã chuyển hướng không chỉ chú trọng vào học tập mà còn bắt đầu học kinh doanh, thích ứng dần với cuộc sống tại Việt Nam sau nhiều năm ở Trung Quốc. 

Các khóa trại hè trại đông online được các trường tổ chức thường xuyên giúp rất nhiều bạn không có đủ điều kiện du học cũng có thể học và làm quen với tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc.

Và quan trọng một điều nữa cũng chính là rất nhiều học sinh sinh viên cũng đã và chủ động liên hệ với các trường để tìm hiểu về học bổng, giảm đi rất nhiều những trường hợp bị lừa về việc xin học bổng trong năm 2020 và 2021 vừa qua".

Lời khuyên của Bá Toại cho các bạn du học sinh cũng đang du học từ xa giống mình là phải bỏ ra nhiều thời gian cho chuyên ngành mà chúng ta đang học. Cố gắng giữ liên lạc với giáo sư đang hướng dẫn và theo sát quá trình nghiên cứu của thầy, cô và sự định hướng của thầy cô đối với bạn khi hướng dẫn bạn. 

Ngoài ra cũng cần tìm những nghiên cứu sinh đang có hướng nghiên cứu giống bạn để cùng nhau giao lưu và trao đổi về mảng đó. Phải cập nhật thông tin liên quan đến nghiên cứu thường xuyên, tránh bị hổng kiến thức.

Cuối cùng đó chính là phải xác định mục tiêu rõ ràng trong phương hướng nghiên cứu cũng như công việc tương lai sau khi tốt nghiệp để có bước đà tốt, động lực tốt để phấn đấu tốt nghiệp tiến sĩ ngành mà bạn mong muốn.

Hướng dẫn giúp vài trăm người khác giành học bổng

Bá Toại luôn sẵn lòng giúp đỡ sinh viên Việt Nam để giúp các bạn giành được những suất học bổng du học Trung Quốc. 

"Mình mong muốn các bạn ấy có một cuộc sống tốt hơn sau khi tốt nghiệp, và quan trọng hơn nữa là mong các bạn không bị lừa trong việc tìm hiểu học bổng Trung Quốc", Bá Toại bày tỏ. 

Trong những năm qua số lượng sinh viên Bá Toại hướng dẫn để giành các học bổng bên Trung cũng đã đạt đến cả vài trăm người. 

Học bổng lớn nhất là học bổng chính phủ hệ tiến sĩ, với tổng giá trị học bổng khoảng 800 triệu đồng tại Đại học Sư phạm Phúc Kiến, Đại học Công trình kỹ thuật Thượng Hải… và còn rất nhiều hệ khác và trường khác.

Quan điểm của Bá Toại thì dù du học bất kỳ ở nước nào cũng đều có những khó khăn nhất định. Tuy học ở Việt Nam các bạn cũng có thể thành công, nhưng chúng ta sẽ thiếu đi sự trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế mà chỉ có những du học sinh mới có thể trải qua. 

Vậy nên đừng ngại, hãy đi khi có thể, hãy vì ước mơ của chúng ta mà phấn đấu. Khi có một việc khó, nếu chúng ta thực hiện thì chúng ta cũng không rõ kết quả là thành công hay không, nhưng nếu chúng ta không thực hiện thì nó sẽ không bao giờ thành công.