“Bỗng dưng”…điên điên

Cháu hiện đang học năm 2 đại học. Cháu có cái tâm và đời sống lành mạnh. Ngay từ khi bắt đầu đi học, theo nhận xét của bạn bè, cháu hơi lập dị một tí. Cháu hay có những ý tưởng điên điên đến mức nhiều khi chính cháu cũng không thực hiện được.

Cháu thường yêu người con gái có vẻ chín chắn hơn và yêu quá đỗi cuồng nhiệt (có lần tự sát). Cháu thường xuyên có cảm giác bắt đầu một ngày mới nhẹ bâng và càng về sau mọi thứ thường mộng mị nhiều khi không kiểm soát được.

 

Cháu hiện đang stress vì hình như mình đang mải mê tìm hiểu, nghiên cứu một cách cuồng nhiệt những thứ chệch với ngành học của mình. Cháu có một tí kiến thức về phân tâm học. Hình như cháu không hề trải qua thời kỳ ẩn tàng và không hoàn toàn gặp phải chứng quên trẻ con (amanesie infantile). Cháu đã đọc nhiều nguồn tài liệu để kiểm chứng.

 

Cháu đang mất phương hướng về tâm sinh lý cực kì. Cháu đang trải qua những ngày "drama" quá đỗi. Mong chú giúp cháu. (VTB)

 

Dù tôi có chút hiểu biết về phân tâm học nhưng sẽ không dám mang ra bàn với em, bởi nếu làm thế chẳng khác tôi đáng cổ súy cho tình trạng “thoát ly thực tế” đang có vẻ mất kiểm soát của em. Có vẻ đây là vấn đề quá dài, quá lớn với hạn chế của một câu trả lời và đọc vút vài phút là xong.

 

Chỉ có thể khuyên, thật ra là cảnh báo, em đang sa vào con dốc sẽ kéo em trượt thẳng xuống đáy của tình trạng, từ thoát ly đến cự tuyệt thực tế và như vậy thì không hay chút nào cho sức khỏe lẫn học hành của em.

 

Nếu em ở Sài Gòn, thì có vẻ em nên xin một cái hẹn với bác sĩ chuyên khoa, sau đó, nếu cần, tôi và em sẽ tiếp tục trao đổi.

 
“Bỗng dưng”…điên điên
 

Em là một con nhóc 15 tuổi và hiện đang sống ở nước ngoài. Em phát hiện là trong những năm gần đây em trở nên vô cảm hẳn.

 

Tối em phải nghe nhạc mới ngủ được và hay bị giật mình giữa đêm. Em muốn có người chia sẻ nhưng lại không muốn nói quá 2 câu. Chỉ muốn đeo tai nghe vô, mở nhạc thật lớn rồi ra khỏi nhà đi vòng vòng một mình và không có cảm giác muốn trở về nhà.

 

Em luôn muốn mình được đi đâu đó xa thật xa khỏi mọi người trong nhà. Hình như những triệu chứng trên xảy ra với em sau khi em cãi nhau với bác em và phát hiện một số chuyện của ba sau đợt về lại Việt Nam gần nhất. Bác sĩ giúp em với. (J.Y)

 

Không nắm được nội tình không dám phán xét, nhưng đọc thư em xong không khó nhận ra tình cảnh của em gói gọn vào hai chữ: lạc lõng và thất vọng.

 

Lần nữa nhắc lại vì em không nói rõ nên đành chờ dịp khác giúp em “hiện diện” nhiều hơn trong gia đình mình, chỉ có thể giúp em một phần trong việc hóa giải nỗi thất vọng vì những hành động gì đó của người lớn không hợp lẽ trong mắt em.

 

Không dám bảo mọi việc làm của người lớn đều “chuẩn không cần chỉnh”, nhưng không may là có khá nhiều thứ trong mắt người lớn là hợp lý, nhưng trong mắt trẻ nhỏ lại vô lý đùng đùng.

 

Tôi có một đứa con trai 6 tuổi, bằng nửa tuổi em, khá “già trước tuổi” và nó luôn lý luận, bắt lỗi tôi mỗi khi tôi ngăn nó lượm lại những vật rơi xuống đất, còn nó thì chỉnh lại tôi rằng “làm rớt thì phải lượm lên, sao lại ngăn?”. Tất nhiên đã có múa ba tấc lưỡi giải thích cho nó thế nào là vi trùng gây bệnh, là công tác vệ sinh, nhưng rồi đâu vào đấy.

 

Sau đó tôi mới hiểu, một đứa trẻ 6 tuổi làm sao hiểu được thế nào vi trùng, chúng không hiện diện trong mắt nó, nó không nhìn thấy, không sờ thấy, ngửi thấy thì làm sao buộc nó tin rằng đồ vật vừa rơi đã nhiễm vi trùng.

 

Rốt lại hai cha con tôi bất đồng sâu sắc việc này, không giải thích được thì tôi dùng quyền làm cha cưỡng bách, còn con tôi thì phản ứng bằng cách khóc đùng đùng.

 

Rõ ràng tôi đúng, nhưng trong mắt con tôi, tôi vô lý không chịu được. Chưa nói ai cũng có sai lầm, ông già 70 tuổi vẫn có chuyện sai nhưng tất nhiên ít sai và sai không nghiêm trọng hơn hồi 15 tuổi.

 

Mặt khác khi kỳ vọng, cầu toàn quá nhiều về ai đó, ta thường có xu hướng…phóng đại lỗi lầm hoặc ta sẽ quá cứng rắn trong việc tha thứ cũng như tìm ra những yếu biện hộ cho người đó.

 

Tôi đoán em đang mắc vào mắc mứu kiểu này. Không hề quá sớm, ở tuổi em, để học tha thứ và nghĩ thoáng hơn về lỗi lầm của người lớn, nhất là với đấng sinh thành, em ạ!

 

Em năm nay học lớp 10. Lúc trước em có trí nhớ rất tốt, chỉ cần học kỹ một tí là nhớ rất lâu, nhưng dạo gần đây em phát hiện dường như trí nhớ em đang bị suy giảm, nhầm lẫn.

 

Có đôi lúc em còn nhầm lẫn các cách sử dụng công thức hay từ ngữ (mặc dù những công thức này em đã từng học rất nhuần nhuyễn) làm điểm em càng ngày thấp đi. Em sợ không biết mình có bị sao không nữa, em mong BS chỉ em một số cách nhớ bài lâu mà không bị nhầm lẫn? (Th.Trang)

 

Chẳng bệnh tật gì đâu em, đơn giản em đã phạm hai lỗi vận hành kinh điển kho trí nhớ của mình: đó là nạp thông tin quá cấp tập làm rối tung bộ nhớ và nạp thông tin một cách quá lộn xộn khiến ông “quản thư” trong thư viện của em cũng lung tung theo, nên khi cần truy xuất thì “ông ta” phải xà quần đi tìm, lắm khi tìm không ra.

 

Bệnh phổ biến của những cậu trò chăm học là hay cầu toàn, nghĩa là nghĩ mình phải thuộc lòng đến từng dấu phẩy bài học mới an tâm, và chính vì “xà quần” với những tiểu tiết nên rốt cuộc lại sơ sài với “trọng tâm”.

 

Vấn an em là trí nhớ, tuy có lúc “thần hồn nát thần tính”, nhưng rất giỏi lấy lại phong độ. Quên cái gì đó, có khi là cái tưởng “khắc cốt ghi tâm”, cũng đừng hốt hoảng, cứ thủng thẳng bỏ qua và đợi, sau một thời gian thì bộ nhớ lại tìm được thông tin.

 

Đây là dấu hiệu cho thấy bộ nhớ đang quá tải chứ chẳng bệnh tật gì đâu em.

 

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn tư vấn

 

Theo Mực Tím