Bị sếp chèn ép, người trẻ nghỉ việc chứ không nhẫn nhịn
(Dân trí) - Một số bạn trẻ lựa chọn rời bỏ công việc vì không chịu được sự chèn ép, thậm chí là xúc phạm, miệt thị từ sếp.
Bỗng dưng bị sếp "ghét"
Hà Trần (24 tuổi, quê Kiên Giang) quyết định nộp đơn xin nghỉ việc vì bị quản lý trực tiếp chèn ép suốt một thời gian.
Hà là nhân viên thiết kế tại một công ty chuyên về tổ chức sự kiện. Sau 3 tháng thử việc, cô được nhận vào làm chính thức với mức lương khởi điểm là 10 triệu đồng.
Ban đầu, giữa cô và người quản lý không có bất cứ vấn đề nào gây mâu thuẫn trong công việc. Hà còn cảm thấy may mắn vì có một người dẫn dắt khá chu đáo và sát sao. Nhưng rồi tới một ngày, quản lý tỏ thái độ "ghét ra mặt" với Hà.
Cô thắc mắc: "Trong thời gian thử việc, anh ấy hướng dẫn mình rất tận tình và cũng hay động viên để mình khỏi chán việc. Anh còn thường xuyên "khen" mình trước mặt cấp trên.
Lúc ấy, mình nghĩ, bản thân may mắn khi được làm việc ở môi trường như thế. Thậm chí, ngoài thời gian làm việc, anh cũng hẹn mọi người tụ tập để thêm phần gắn kết.
Mọi chuyện sẽ rất suôn sẻ, cho đến khi em được lãnh đạo quyết định tăng lương, lên 15 triệu mỗi tháng. Quản lý trực tiếp của mình bỗng dưng "quay ngoắt 180 độ", ghét mình ra mặt khiến mình hoang mang không hiểu chuyện gì đang diễn ra".
Quãng thời gian sau tăng lương, Hà cảm thấy mệt mỏi mỗi khi đến công sở. Người quản lý thường xuyên giao việc sát giờ, thúc giục deadline liên tục, đến nỗi Hà ám ảnh vì tiếng chuông điện thoại.
Không dừng lại ở đó, sếp còn thường xuyên nhận xét Hà với những lời nói cộc cằn, mang tính xiên xỏ và miệt thị. Anh ta lấy chuyện mức lương để chèn ép Hà với lý do "nhận lương cao thì phải chịu nhiều áp lực là bình thường".
Mặc dù cô luôn cố gắng để tiếp thu, sửa đổi cũng như dành thời gian cá nhân chủ động học thêm các kiến thức để làm việc một cách tốt hơn. Song, mọi sự cố gắng của cô đều bị phủ nhận một cách phũ phàng.
Đỉnh điểm, sau khi "bắn" một tràng chê bai ấn phẩm, người quản lý này nói gay gắt: "Em làm được thì làm, còn không làm được thì nghỉ đi". Cảm thấy không được tôn trọng, mấy ngày sau, Hà nộp đơn xin nghỉ.
"Sau khi mình nói rằng sẽ nghỉ, ngay lập tức, người quen của anh quản lý vào thay vị trí của mình. Anh ấy còn hối thúc mình bàn giao nhanh chóng để người mới có thể vào guồng công việc. Mình cảm thấy khá buồn nhưng không sao, khi đã nhẫn nhịn quá nhiều thì mình mạnh dạn rời bỏ, tìm một công việc và môi trường mới - nơi công sức và giá trị của mình được tôn trọng".
"Nhân viên không bỏ công ty, nhân viên bỏ sếp"
Thu Hiền (25 tuổi, làm việc tại Bình Dương) bật khóc nức nở vì áp lực từ sếp. Cô gái trẻ cảm thấy những nỗ lực của bản thân không được cấp trên ghi nhận.
Hiền đang đảm nhận vị trí nhân viên sản xuất nội dung. Hầu như ngày nào cũng vậy, cô phải chạy đua với thời gian, ăn trưa vội vàng để kịp tiến độ công việc. 6 giờ chiều cô mới rời công sở, nhưng tiếng thông báo điện thoại thì không bao giờ buông tha dù kể cả khi đêm đã muộn.
"Mỗi khi nghĩ ra một vấn đề nào đó, sếp mình thường nhắn luôn, bất kể đêm hay ngày. Chị ấy đưa ra lý do rằng, nếu mình không nhanh nhạy mà chỉ muốn làm việc 8 tiếng thì sẽ không bao giờ thành công được. Điều đáng nói, mình không ngại việc, mình chỉ thấy e dè khi mọi công sức của mình đều bị sếp xem là "điều hiển nhiên", cô than thở.
Có những ngày công ty tổ chức sự kiện, Hiền vùi đầu vào công việc, không có thời gian chăm sóc bản thân. Nhưng nếu lỡ có vấn đề nào đó, dù là "nhỏ như hạt gạo" thì ngay lập tức cô phải chịu một tràng mắng nhiếc từ sếp.
Nhân sự thưa, khối lượng công việc nhiều nên có lần Hiền "cầu cứu" sếp nhưng thực tế không có gì thay đổi cả. Hiền rơi vào trạng thái chán nản kèm theo bất lực khi sếp phản hồi "công việc như thế là quá bình thường, nếu em không làm được thì cứ nói thẳng với chị, sao phải kêu ca nhiều vậy".
Thu Hiền kể thêm: "Mọi người nhìn vào thì tưởng mình nhàn, vì làm công sở, sáng "quần là áo lượt" rời khỏi nhà, ngồi máy lạnh làm việc mát mẻ suốt cả ngày. Nhưng thực tế, mình phải gồng mình trong căng thẳng mỗi khi làm việc.
Áp lực công việc đã đành, lại còn áp lực từ cấp trên, nếu không muốn nói là bị chèn ép. Ngay cả trong kỳ nghỉ, mình cũng phải mang theo máy tính để giải quyết công việc. Sau 2 năm, mình cảm thấy kiệt sức vì những lời nói nặng nề của sếp. Mình xin nghỉ không hẳn tại công việc ôm đồm mà phần nhiều là bị sếp bắt nạt. Bởi nhìn nhận chung, công ty này có chế độ khá ổn và có mức thu nhập tốt so với bạn bè cùng trang lứa".
Liên quan đến vấn đề nhân viên nghỉ việc vì bị xúc phạm, Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng từng chia sẻ với Dân trí:
"Tại điểm c Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 có quy định, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước nếu: "Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, bị cưỡng bức lao động."
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, trong trường hợp sếp bạn có lời nói, hành vi nhục mạ, xúc phạm bạn làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bạn thì bạn hoàn toàn có thể nghỉ việc luôn mà không cần phải báo trước theo quy định của pháp luật lao động.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý để tránh trường hợp có tranh chấp về việc chấm dứt hợp đồng thì bạn nên thu thập chứng cứ như ghi âm, ghi hình, chẩn đoán hay kết luận của bác sĩ liên quan đến bệnh của bạn... để chứng minh cho việc bạn bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe".