Bạn trẻ "ba năm nhảy việc bốn lần" vì muốn khám phá bản thân

CTV

(Dân trí) - Nhiều người trẻ hiện nay lặp đi lặp lại vòng xoay xin việc - đi làm - nghỉ việc chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vì sao hiện tượng này diễn ra.

Người trẻ bước vào đời với nhiều cơ hội việc làm

Bạn Danh Thái - sinh viên năm thứ 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Hiện tại mình đang là một influencer (người có sức ảnh hưởng - PV). Mình thấy may mắn khi quá trình tìm việc của mình khá thuận lợi, vì mình tham gia vào một câu lạc bộ nghiệp vụ của trường nên được các anh chị giới thiệu khá nhiều công việc".

Trong thời đại công nghệ phát triển, cơ hội việc làm cho các bạn trẻ ngày càng nhiều, nhất là với Gen Z - thế hệ được "phủ sóng" toàn diện về ngoại ngữ và tin học.

Thế giới mà các bạn bước vào là một thế giới phẳng và bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể trở thành cơ hội việc làm nếu biết nắm bắt thời cơ. Qua các phương tiện truyền thông khác, bạn trẻ có thể dễ dàng tìm được nhiều công việc phù hợp với bản thân.

Xu hướng chung của người lao động trẻ hiện nay hướng đến sự tự do, phát huy được cá tính riêng, sự sáng tạo, họ có thể tự kinh doanh online, làm KOL, KOC, sáng tạo nội dung…

Giữa hàng ngàn cơ hội việc làm cho các bạn trẻ, họ sẵng sàng "nhảy" việc để tìm những cơ hội mới, thậm chí là nghỉ việc một thời gian ngắn để xác định lại con đường của mình.

Liệu người trẻ có đang tùy hứng trong công việc?

Bạn trẻ ba năm nhảy việc bốn lần vì muốn khám phá bản thân - 1

Bích Thủy chưa tìm được công việc như ý (Ảnh: NVCC).

"Bị trù dập", "đồng nghiệp nói xấu", "gò bó công việc bàn giấy", "không phù hợp với môi trường công sở"... và vô vàn những lý do để người trẻ nghỉ việc trong khi những điều ấy vẫn luôn tồn tại trong môi trường công việc mà các thế hệ đi trước đều trải qua.

Đỗ Bích Thủy (22 tuổi) hiện đang làm nhân viên kinh doanh chia sẻ: "Trước đây, mình từng nghỉ việc vì công ty không ký hợp đồng và làm bảo hiểm cho mình nên mình không thấy được sự ổn định.

Ngoài ra mình cảm thấy bản thân trong môi trường công sở không phù hợp, mình không phát huy hết được khả năng sáng tạo cũng như cá tính của bản thân nên mình quyết định nghỉ việc".

Ngọc Lan, 24 tuổi, hiện đang làm công việc văn phòng chia sẻ: "Mình không thích "nhảy" việc nhiều, tuy nhiên vì chế độ lương thưởng không phù hợp. Mình thích sự ổn định trong công việc để có thể thăng tiến nhưng vẫn chưa tìm được công việc mình mong muốn.

Trước khi nộp đơn xin nghỉ việc mình đều suy nghĩ kỹ nên mình thấy quyết định đó không phải sự thiếu trách nhiệm với bản thân, mà là muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn".

Vì lý do khách quan mà "nhảy" việc là chuyện không ai muốn nhưng bạn trẻ cần có định hướng nghề nghiệp. Khi chưa đánh giá được khả năng của mình, bạn trẻ đổi việc liên tục như một cách trải nghiệm để tìm phương hướng.

"Người trẻ ưa cái mới, muốn khám phá khả năng của mình và thay đổi bản thân. Đặc biệt trong thời đại 4.0, "nhảy" việc là cách để họ tìm ra được điều họ thực sự mong muốn. Điều đó theo mình nghĩ không phải là sự tùy hứng", Ngọc Lan chia sẻ.

Bạn trẻ ba năm nhảy việc bốn lần vì muốn khám phá bản thân - 2

Ngọc Lan chia sẻ rằng trong 3 năm cô đã làm việc ở 4 công ty (Ảnh: NVCC).

Một bộ phận khác bị vỡ mộng khi muốn "việc nhẹ, lương cao", môi trường làm việc không như kỳ vọng. Ngoài ra, một số môi trường làm việc không phù hợp với thế hệ mới, khiến nhiều bạn trẻ chán nản khi làm việc với sự áp đặt.

Nhìn từ một khía cạnh khác, người trẻ vẫn hay nói bông đùa rằng "cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên". Họ đặt sự thoải mái của bản thân lên hàng đầu và sống hết mình với niềm tin đó.

Vì vậy, họ không ngại nghỉ việc để tìm những công việc phù hợp với kỹ năng, kinh nghiệm, đãi ngộ hấp dẫn. Họ coi mỗi lần nhảy việc là một trải nghiệm mới, mang lại cái nhìn mới về thế giới của người trưởng thành.

Nhảy việc không phải là xấu, nhưng nhảy việc một cách thiếu trách nhiệm thì rất đáng lên án

Trong một số lĩnh vực như kỹ thuật phần mềm, "nhảy" việc là chuyện "cơm bữa", hầu như không bị đánh giá tiêu cực.

Nhiều công ty muốn nhân viên của họ có nhiều bộ kỹ năng sau khi chuyển từ công ty này sang công ty khác. Quá trình làm việc dù ngắn nhưng khiến các nhân viên có được nhận thức đa dạng về phong cách làm việc.

Bạn trẻ ba năm nhảy việc bốn lần vì muốn khám phá bản thân - 3

Danh Thái chia sẻ rằng, "nhảy" việc mang ý nghĩa tích cực khi bản thân xác định được mục tiêu, định hướng (Ảnh: NVCC).

Hoàng Danh Thái, sinh viên năm thứ hai Học viện Báo chí và tuyên truyền cho biết: "Lý do quyết định để mình nghỉ việc tại công ty cũ là định hướng của công ty không phù hợp với định hướng riêng của mình, mình không tìm được tiếng nói chung với công ty.

Tuy vậy, mình nghỉ việc với suy nghĩ rất tích cực, không cãi cọ hay bất đồng. Mình nghĩ đơn giản là khi mình thấy định hướng công ty không phù hợp thì khi đó mình cũng xác định được hướng phát triển của bản thân trong tương lai, từ đó mình cố gắng tích lũy thêm kinh nghiệm để tìm được công việc đúng mong muốn của mình".

Ngọc Lan chia sẻ: "Mình nghĩ thường xuyên "nhả"y việc có phải là điều xấu hay không còn tùy vào suy nghĩ của từng người, từng thế hệ. Người lớn có thể sẽ nghĩ là mình nông nổi nhưng với người trẻ thì họ không nghĩ như thế.

Trong gần 3 năm mình đã làm việc ở 4 công ty nên mình thấy "nhảy" việc không hề khó khăn và cũng cho mình những cơ hội tốt hơn. Nhưng mình rất không đồng ý một số bạn nghỉ với lý do như "lười", "chán công việc", "giờ làm không theo ý muốn"..., hoặc nghỉ mà không báo trước để công ty chuẩn bị nhân sự. Đó là sự thiếu trách nhiệm với bản thân và với nơi mình làm việc".

Tuy nhiên, "nhảy" việc nhiều cũng khiến nhà tuyển dụng hoài nghi về chuyên môn của mình, gây mất thiện cảm với nhà tuyển dụng hoặc có thể "nghiện nhảy việc".

Hãy chắc chắn với quyết định của mình vì "nhảy việc" là một điều mang tính mạo hiểm. Người trẻ nên không bị gắn với những định kiến "thích thì nghỉ", "nông nổi, nuông chiều bản thân".