Bạn đọc viết:

Bạn trẻ ảo tưởng "việc nhẹ lương cao" sau tốt nghiệp

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Rời khỏi ghế giảng đường đại học, nhiều sinh viên ôm mộng "việc nhẹ lương cao". Quan niệm tốt nghiệp đại học loại giỏi là có thể kiếm "nghìn đô" khiến một số bạn trẻ tìm việc với tâm thế "bề trên".

Sáng nay, vừa kết thúc cuộc phỏng vấn với một ứng viên trẻ tuổi, tôi phải biên ngay những dòng này vì những trăn trở khó giải tỏa. Có thể nói, thế hệ trẻ bây giờ có điều kiện phát triển và khá năng động so với thời của tôi. Song, cũng cần đặt dấu hỏi chấm về năng lực, thái độ của họ khi bước chân vào thị trường việc làm.

Bạn trẻ ảo tưởng việc nhẹ lương cao sau tốt nghiệp - 1
Nhiều bạn trẻ ảo tưởng "tốt nghiệp đại học sẽ có mức lương cao chót vót" (Ảnh: Shutterstock).

Quay lại với câu chuyện ứng viên của tôi. H.A. vừa tốt nghiệp một trường đại học khá có tiếng ở TPHCM, đến công ty tôi ứng tuyển với chiếc CV "quá ít kinh nghiệm thực tế". Bạn hãnh diện chấm điểm từ "4-5 sao" các mức năng lực như: ngoại ngữ, photoshop, quay dựng video, lên kế hoạch… Thế nhưng, khi làm bài kiểm tra năng lực, mọi thứ lại khác xa. Điều đáng nói là bạn mong muốn mức lương "nghìn đô".

Khi tôi hỏi "Vì sao em nghĩ mình xứng đáng nhận được mức lương đó?", H.A. hồn nhiên trả lời: "Vì bạn bè em đều nói ngành này lương cao, mức đó chỉ là khởi điểm thôi".

Chuyện đàm phán lương thưởng có thể xem là một vấn đề khá bình thường trong mỗi cuộc phỏng vấn. Bản thân ứng viên mong muốn đạt được mức tài chính tương xứng để đảm bảo cuộc sống. Và phía nhà tuyển dụng cũng có những tiêu chí riêng với mức lương cụ thể cho từng vị trí khác nhau. Tuy nhiên, nếu ứng viên "trẻ người non dạ", kỹ năng chưa dày dặn nhưng lại đòi hỏi mức lương "cao chót vót" thì chắc chắn bị loại.

Bạn trẻ ảo tưởng việc nhẹ lương cao sau tốt nghiệp - 2

Nhiều bạn trẻ ôm mộng lương "nghìn đô" rồi thất vọng tràn trề (Ảnh: Shutterstock).

Tất nhiên, tôi sẽ luôn để các bạn thể hiện năng lực của mình với các kỹ năng nghề nghiệp, từ đó có sự đánh giá sâu sát và đưa ra mức lương tương xứng. Trong nhiều trường hợp, nếu bạn thực sự đáp ứng được các yêu cầu, mức lương cao là điều không khó. Nhưng "năng lực có hạn" mà ảo tưởng về bản thân cũng là lý do khiến bạn đánh mất những cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình.

Tôi thường đánh giá ứng viên dựa cả trên năng lực và thái độ. Năng lực ở đây không phải đơn thuần là xếp hạng bằng cấp mà bao hàm nhiều yếu tố khác nhau. Chẳng hạn, một bạn học lực khá nhưng lại có kỹ năng nghề nghiệp, năng nổ, kiến thức vững… vẫn khiến tôi lưu tâm hơn so với một bạn có tấm bằng đẹp nhưng lại yếu và thiếu nhiều kỹ năng. Với một ứng viên mới tốt nghiệp, công ty sẽ mất thời gian để đào tạo, và tất nhiên mức lương bạn nhận được cũng tương đương với những gì bạn có.

Quan trọng là bạn phải hiểu được giá trị của bản thân và tự định mức phù hợp. Tự tin là chuyện tốt, song tự tin thái quá, trở thành ảo tưởng sức mạnh thì chẳng hay ho một chút nào.

Độc giả Hoài An

Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Báo Dân trí.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm