4 sai lầm khiến ứng viên mất điểm hoàn toàn trong mắt nhà tuyển dụng
(Dân trí) - Những "báo động đỏ" được các nhà tuyển dụng ngầm quy chuẩn, đặt ra để lựa chọn ra những ứng viên phù hợp.
Hiện nay, các tập đoàn, công ty đang tập trung vào việc bổ sung nhân sự vào những vị trí còn trống. Nhưng với tốc độ "nhảy việc" tăng nhanh chóng trong năm vừa qua, các nhà tuyển dụng cần cân nhắc kỹ xem ai là người có tiềm năng, phù hợp với vị trí công việc.
Dưới đây là 4 "red flags" (dấu hiệu cảnh báo nguy cơ) mà ứng viên có thể mắc phải, dẫn tới việc bị loại.
"Mập mờ" trong việc giải thích lý do tại sao nghỉ việc tại công ty cũ
Theo số liệu khảo sát gần đây của Employ tại Mỹ với hơn 1.500 người, 23% cho biết đã "nhảy việc" trong năm 2021 và sẽ tiếp tục trong năm nay. Pete Lamson - Giám đốc điều hành của Employ cho biết việc các ứng viên thay đổi công việc trong một thời gian ngắn sẽ không bị soi xét, đánh giá thấp như trước đây. "Đây là thời đại mà tần suất "nhảy việc" tăng nhanh chóng và các nhà tuyển dụng cần hiểu rõ về điều đó", Pete nói.
Tuy nhiên, ứng viên vẫn nên sẵn sàng giải thích lý do thay đổi công việc.
Kathryn Minshew - CEO của The Muse gợi ý: "Bạn có thể đề cập tới việc phạm vi công việc đã thay đổi như thế nào từ lúc được phỏng vấn cho tới khi bắt đầu, hoặc có thể tập trung vào những thành tựu đạt được trong công việc, ngay cả khi chỉ làm việc trong khoảng thời gian ngắn".
Nói những điều không tốt về sếp cũ
Trong một cuộc khảo sát với 2500 người của Muse, có khoảng 72% ứng viên trẻ cho rằng công việc đòi hỏi quá cao, khiến họ cảm thấy hối hận khi nhận việc. Theo Paul McDonald, Giám đốc điều hành cấp cao của Robert Half thì việc nói xấu sếp cũ với nhà tuyển dụng là một điều cấm kị.
Thay vì cảm thấy những điều công ty cũ làm là sai trái, ứng viên có thể coi đó là những trải nghiệm mang lại nhiều giá trị, bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Lấy ví dụ, nếu cảm thấy mình không phù hợp với tính chất cạnh tranh của công ty trước, Minshew gợi ý nên trả lời theo hướng như sau: "Tôi nhận thấy bản thân phát triển tốt nhất trong một môi trường cộng tác, nơi được cung cấp nhiều thông tin về các lĩnh vực khác nhau của công ty, các đồng nghiệp hỗ trợ lẫn nhau và hạn chế nói chuyện phiếm, soi mói đời tư của nhau".
Thiếu sự chuẩn bị cho buổi phỏng vấn
Ngày nay, bạn có thể sẽ bất ngờ nhận được tin nhắn trên LinkedIn, ngay cả khi bạn đang không có nhu cầu tìm việc. Đây là một cách để HR mở đầu một cuộc phỏng vấn, và thông qua đó có thể biết được ai là người thiếu sự chuẩn bị. Ít nhất, ứng viên nên tìm hiểu một vài thông tin liên quan tới công ty và chuẩn bị một số câu hỏi về vị trí ứng tuyển để thể hiện sự quan tâm.
Paul McDonald chia sẻ một trong những điều khó chịu nhất từng trải qua là việc ứng viên thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp khi phỏng vấn trực tuyến. Sau hai năm làm việc từ xa, mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi thực hiện các cuộc gọi video, vì thế Paul nhận thấy nhiều ứng viên rất qua loa, bất cẩn khi được phỏng vấn online.
Angela Copeland, Trưởng phòng Marketing của Recruiter.com cho biết, ứng viên cũng nên chuẩn bị cho việc đàm phán lương trong buổi phỏng vấn. Angela gợi ý rằng hãy để nhà tuyển dụng đề cập trước, rồi sau đó có thể thảo luận lại. Nếu họ không đưa ra một con số cụ thể, hãy thể hiện rằng mình có sự chuẩn bị trước bằng việc đề xuất một mức lương cạnh tranh dựa trên năng lực, trình độ của bản thân.
Hành động một cách kiêu ngạo
Thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong buổi phỏng vấn là một chuyện, nhưng tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng việc trả lời điện thoại của họ lại là một chuyện khác.
Mặc dù tỉ lệ tuyển dụng ở Mỹ đang đạt mức đỉnh điểm, nhưng các ứng viên không nên tự phóng đại và cho rằng bản thân mình được ứng xử một cách kiêu ngạo, Copeland chia sẻ: "Bạn vẫn nên nỗ lực hết mình và thể hiện với nhà tuyển dụng bằng sự chuyên nghiệp của bản thân."