Bản tính nhút nhát từng làm cho cô gái 19 tuổi đánh mất người mình thích

Thu Hoài

(Dân trí) - Trong tình yêu, việc theo đuổi người mình thích là chuyện thường tình nhưng sẽ là là vấn đề lớn đối với những người nhút nhát, thiếu tự tin về bản thân mình.

Hạnh phúc sẽ không đến nếu ta nhút nhát, ngại theo đuổi

Trả lời cho câu hỏi liệu một cô gái có nên chủ động "tấn công" người mình để ý, bạn L.T.V (19 tuổi, đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Tớ là người nhút nhát từ bé, luôn cảm thấy tự ti vì mình thua kém người khác. Nên tớ sẽ không theo đuổi người mình thích. 

Chúng ta luôn có xu hướng thích những người giỏi hơn mình và tớ cũng thế. Tớ là cô gái có học lực khá nên tớ thích những bạn giỏi hơn tớ. Trong suốt 19 năm tớ chỉ mới rung động và "cảm nắng" 2 người. Nhưng ấn tượng nhất với tớ có lẽ là A - chàng trai tớ gặp năm 17 tuổi với vẻ ngoài điềm tĩnh, học giỏi".

A là chàng trai có vẻ ngoài ưa nhìn. Cậu luôn đạt được học bổng và có thành tích xuất sắc trong học tập. Đặc biệt A nhã nhặn, hòa đồng, trách nhiệm và được mọi người xung quanh yêu mến. Ấn tượng đầu tiên về cậu ấy trong mắt cô là vẻ đẹp tri thức với cặp kính có tròng mắt dày ở câu lạc bộ, L.T.V nói.

Bản tính nhút nhát từng làm cho cô gái 19 tuổi đánh mất người mình thích - 1

Bản tính nhút nhát từng làm cho cô gái 19 tuổi đánh mất người mình thích (Ảnh: M.H)

L.T.V cho biết, người đầu tiên cô để ý chỉ đem lại cảm giác rung động nhất thời. Còn A, cậu đã làm cho cô gái 17 tuổi biết được, thích một người là như thế nào. Từ đó V bắt đầu sử dụng tất cả mối quan hệ để tìm hiểu về A, kết bạn Facebook và nhắn tin.

Từ trước đến nay V ít khi tiếp xúc với những người khác giới. Tin nhắn đầu tiên cô gửi cho A là câu hỏi về bài tập tiếng Anh. "Lúc tớ gửi tin nhắn, A đang online nhưng không trả lời. Lúc đấy tớ khá hụt hẫng. Khi đó, tớ buồn lắm". Không ngờ, vào lúc 2 giờ sáng A trả lời V với dòng tin bận học không để ý và chỉ bài cho cô.

L.T.V tiết lộ rằng cô thích A trong khoảng thời gian nửa năm. Nhưng thay vì mở lời hay bật đèn xanh để đối phương để ý thì cô chọn im lặng và thích trong âm thầm. Bởi cô cảm thấy áp lực, tự ti trước A và các bạn nữ quanh cậu ấy.

L.T.V cho hay: "Tớ thua bạn ấy một quãng rất xa, nên đôi lúc tớ có phần tự ti. Đã có lúc tớ suy nghĩ đến việc vừa theo đuổi vừa phấn đấu để bằng cậu ấy. Nhưng không, tớ nhận ra trong lúc tớ chạy theo cậu ấy, A không đứng yên một chỗ chờ tớ tới. Cậu vẫn sẽ tiến bước trên con đường mình theo đuổi và không quan tâm đến việc tớ để ý, theo đuổi".

Sau 5 tháng, A có người yêu. Người yêu của A là cô gái có nhan sắc, học lực bình thường và chủ động theo đuổi A. V có chút tiếc nuối bởi nếu lần đó, cô không rụt rè, tự ti về bản thân thì hiện tại cô và A đã có thể trở thành một nửa của nhau. Tuy vậy, V vẫn thấy vui vì đã gặp được A, bởi tình đơn phương thời niên thiếu đã giúp cô thay đổi thành phiên bản tốt hơn.

L.T.V cho biết hiện cô đang dần thoát khỏi tình trạng nhút nhát mà cô mang trong mình 19 năm nay. Cô bắt đầu tham gia nhiều câu lạc bộ, giao tiếp với mọi người nhiều hơn. V của hiện tại không còn nhút nhát, tự ti trước mọi người. Nếu bây giờ cô gặp được người con trai tài giỏi và có những đức tính tốt như A thì cô sẵn sàng theo đuổi, L.T.V nói.

"Nhút nhát trong giao tiếp hay tình yêu đều không tốt. Thay vì tự ti, chúng ta nên theo đuổi điều mình muốn. Bởi lẽ hạnh phúc sẽ không đến khi ta ngại theo đuổi. Đôi lúc nghĩ lại, nếu lúc đó tớ không là cô gái rụt rè chắc tớ đã có mối tình thanh xuân đẹp đẽ như bao người khác", V chia sẻ.

Nhút nhát là tính cách hay căn bệnh tâm lý?

Bàn về vấn đề nhút nhát từ bé là tính cách hay căn bệnh tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: "Nhút nhát thường được xem là nét tính cách hơn là căn bệnh tâm lý.

Thường thì những nét tính cách này xuất phát từ khi trẻ lên 4 tháng tuổi. Có những đứa trẻ tuổi này rất hứng thú với đồ chơi màu sắc và phát ra tiếng động. Tuy nhiên có những bé lại cảm thấy lo lắng, sợ hãi và choáng ngợp trước âm thanh và màu sắc đó.

Những đứa trẻ nhút nhát khi lớn lên sẽ dễ trở thành những người "lo lắng và cô độc". Mặc dù muốn chơi với những người khác nhưng sự nhút nhát lại cản trở chúng.

Ngay cả khi ở với nhiều người xung quanh, các em chỉ chơi một mình hoặc nhìn người khác chơi. Dần dần, kỹ năng tương tác xã hội bị cùn mòn và đứa trẻ chỉ có thể sống thu mình, tránh đi các tình huống phải tương tác xã hội. Từ đó các em trở nên thu mình và khó tiếp cận".

Bản tính nhút nhát từng làm cho cô gái 19 tuổi đánh mất người mình thích - 2
PGS.TS Trần Thành Nam (Ảnh: NVCC).

Nếu từ nhỏ đã là một người có tính nhút nhát thì khi đứng trước người mình thích, việc nhút nhát là chuyện dự đoán được. Tuy nhiên có người rụt rè theo kiểu nồng nhiệt (có nghĩa là họ sẽ không bắt chuyện, không đùa nhưng sẽ phản ứng nồng nhiệt và gắn bó chặt chẽ khi người khác mở lời tiếp cận họ), PGS.TS Trần Thanh Nam cho biết.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, bên cạnh đó còn có những người nhút nhát kiểu chưa trưởng thành. Đứng trước người mình thích, họ không có kỹ năng, không thực sự hiểu cảm xúc và quản lý được cảm xúc nhút nhát, họ thể hiện như một sự tê liệt, bất lực không biết cách xử lý. Và họ cần sự giúp đỡ, gợi ý từ người đối diện để tự tin hơn.

PGS. TS Trần Thành Nam cho biết: "Sống trong xã hội năng động hiện nay, những người thành công phải là những người hướng ngoại. Một nghiên cứu từ Đại học Havard cho thấy sự thành công của cá nhân chỉ đến kiến thức 15% và 85% còn lại đến từ những kỹ năng mềm.

Những người hướng ngoại thường có kỹ năng mềm, kỹ năng công dân của thế kỷ 21 như giao tiếp, thuyết trình, quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề phức tạp tốt hơn. 

Bởi vậy, những đứa trẻ nhút nhát thường thiệt thòi hơn trong cơ hội công việc và thăng tiến nghề nghiệp. Họ cũng sẽ khó khăn trong việc kết hôn và trì hoãn kết hôn. Họ thường cảm thấy bất an và xa lánh xã hội. Họ có thể trở thành đối tượng của bắt nạt, quấy rối và bạo lực nhiều hơn so với các bạn có tính cách hướng ngoại".

Để đạt được thành công trong cuộc sống cũng như tình yêu, chuyên gia khuyên mỗi người hãy tự tin theo đuổi điều mình thích.