Bác sĩ 9X điển trai: "Chưa bao giờ thấy thiệt thòi khi khoác áo blouse"
(Dân trí) - Bác sĩ Võ Kế Đạt là cựu sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM, hiện đang công tác tại khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Trưng Vương.
Luôn tin rằng "nghề chọn người"
Theo chia sẻ của bác sĩ 9X, ngành Y là ngành đặc thù, vì làm việc trên tính mạng và sức khỏe con người. Việc phải có chuyên môn tốt gần như là điều bắt buộc và phải học cả đời để luôn cập nhật. Ngoài ra, để làm tốt lĩnh vực này, bên cạnh sự yêu thích với ngành nghề còn rất cần đức tính kiên trì nhẫn nại, sự bao dung, tình yêu thương con người và lòng trắc ẩn, như người ta hay nói là "một cái đầu lạnh và một trái tim nóng".
"Làm nhân viên y tế cũng xác định rằng quỹ thời gian dành cho bản thân và gia đình vô cùng hạn hẹp. Mình dù ra trường 5 năm, nhưng vẫn là bác sĩ trẻ, cần học tập trau dồi thêm rất nhiều. Thú thật là vừa làm việc vừa học sau đại học nên mình khá bận rộn.
Mình thường tranh thủ những ngày nghỉ hoặc tận dụng ngày phép để sắp xếp đi du lịch địa điểm gần hoặc thi thoảng gặp gỡ với bạn bè. Có những lúc mình chỉ muốn ở nhà với gia đình mà không làm gì cả, vì bình thường đã ra ngoài nhiều hơn ở nhà rồi", anh kể về cuộc sống đời thường.
Trước ý kiến "Nếu muốn làm giàu thì đừng theo nghề bác sĩ", bác sĩ Đạt nói: "Cũng tùy theo định nghĩa "làm giàu" của mỗi người và "giàu" bao nhiêu là đủ. Trên thế giới và cả ở Việt Nam đều có những bác sĩ kiêm doanh nhân mà. Nhưng cá nhân mình thấy riêng việc làm chuyên môn và học tập đã chiếm khá nhiều thời gian rồi. Vì vậy, nếu muốn làm giàu nữa thì phải nỗ lực hơn những ngành nghề khác một chút".
Là một bác sĩ trẻ, Võ Kế Đạt luôn ý thức được việc trau dồi kiến thức chuyên môn và cả rèn luyện kỹ năng mềm, hoàn thiện bản thân mỗi ngày. "Học từ sách vở, anh chị đi trước, kể cả học từ bệnh nhân và hiện tại mình cũng đang theo học khóa sau đại học của chuyên ngành tạo hình đang làm. Còn về kinh nghiệm sống, mình nghĩ mỗi người có một hành trình cuộc sống để tích lũy kinh nghiệm riêng".
Bác sĩ Võ Kế Đạt luôn tin rằng "nghề chọn người". Ngày còn là cậu học sinh trường làng, Đạt nỗ lực để thi đại học, nhưng chưa từng nghĩ ra đậu trường Y. Cho đến khi theo học, Đạt bắt đầu có tình yêu mãnh liệt với nghề.
"Bác sĩ không chỉ là nghề mà còn là nghiệp nữa, và luôn luôn đi kèm y đức. Đây là ngành nghề mà bất kì xã hội hay thời đại nào cũng cần cả. Mình chưa bao giờ cảm thấy "thiệt thòi" khi khoác áo blouse.
Nghề nào cũng có những khó khăn riêng. Điều quý giá nhất mà mình nhận được có lẽ là sự hạnh phúc khi có thể chữa bệnh cứu người, chữa lành một vết thương mãn tính hay tạo hình lại những biến dạng do sẹo di chứng bỏng, những khiếm khuyết do chấn thương…
Khó khăn lớn nhất những ngày mới ra trường của Đạt là việc phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm. Theo anh, khi còn là sinh viên thì chỉ có việc học, luôn có người hướng dẫn, còn khi đã ra làm bác sĩ thì khác. Mặc dù vẫn có sự hướng dẫn và kèm cặp của người đi trước, nhưng đã là bác sĩ, còn là phẫu thuật viên, phải tập tự ra quyết định thì mới trưởng thành lên được, việc cho một viên thuốc hay rạch một đường dao phải cân nhắc rất nhiều và hết sức cẩn trọng, vì đó là sức khỏe, tính mạng của người bệnh và bác sĩ phải chịu trách nhiệm.
Những ngày Sài Gòn "ốm"…
Từ giữa tháng 6, khi dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, Bệnh viện Trưng Vương, nơi Võ Kế Đạt công tác, chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Đạt cùng đồng nghiệp tham gia chống dịch tại khoa Hô hấp.
Nhớ lại chặng đường đã qua, bác sĩ trẻ tâm sự: "Ngày trước, có lúc mình than phiền vì tình trạng kẹt xe, có lúc lấy lý do bận để từ chối lời mời cà phê của mấy người bạn… Nhưng qua đại dịch này, mình biết trân trọng từng phút giây của hiện tại, trân trọng từng mối nhân duyên trong cuộc đời, ước được "hít khí trời" tự do và thấy biết ơn những điều bình thường nhất.
Thú thật, mình thèm được "thở", không khí ngột ngạt trong bộ đồ bảo hộ nhiều giờ liên tục làm mình cảm thấy việc trước đây được hít thở khí trời một cách tự do, không vướng lớp khẩu trang nó quý giá nhường nào".
Khi được hỏi, việc tham gia chống dịch có sợ bản thân nhiễm bệnh không, Đạt không ngần ngại nói rằng, nếu nói không sợ là nói dối, nhưng nếu sợ đến mức không dám làm bác sĩ thì anh không làm được. Kế Đạt luôn cố gắng để đảm bảo quy tắc an toàn để giữ bản thân không bị phơi nhiễm.
Sau những ngày dịch bệnh cam go, bác sĩ Đạt cũng ngẫm ra nhiều điều. Trước đây, Đạt từng nghĩ chỉ cần được làm những gì khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc, còn bây giờ Đạt cho rằng, khi làm người khác hạnh phúc thì chính mình cũng rất vui. Những khi bệnh nhân háo hức được về nhà, rồi họ xuất viện, họ vui 1 còn bác sĩ hạnh phúc tới 10 lần.