Á khôi Imiss Thăng Long và mối duyên với nghiệp dạy múa
(Dân trí) - Sau khi giành được ngôi vị Á khôi Hoa khôi Sinh viên Hà Nội, Lê Quỳnh Trang (SN 1987) chỉ thử sức một cách “chóng vánh” với điện ảnh, rồi chuyên tâm cho múa - niềm đam mê, đồng thời là sự nghiệp lớn của cuộc đời mình.
Gắn bó nghiệp múa từ khi còn bé
Quỳnh Trang sinh ra và học văn hóa đến hết cấp 2 ở Vinh. Từ khi còn nhỏ, Quỳnh Trang đã được bố cho học các bộ môn liên quan đến nghệ thuật (đàn, vẽ, múa), trong đó mỹ thuật là môn mà cô gái sinh năm 1987 này đam mê nhất. Có lẽ vì thế mà khi còn nhỏ, Quỳnh Trang luôn mơ ước được trở thành một nhà thiết kế thời trang.
Với chị, ước mơ ấy đến hiện tại vẫn còn, nhưng vị trí số một đã được thay thể bởi múa. Quỳnh Trang chia sẻ: “Dù rất thích vẽ nhưng trong quan sát của bố và nhận xét của mọi người, mình rất có năng khiếu về múa. Chính vì vậy mà đến khi tốt nghiệp cấp 2, bố đã cho mình ra Hà Nội để theo học trường CĐ Múa.
Đam mê với bộ môn nghệ thuật chắc hẳn được nhen nhóm sau những tháng ngày rèn luyện cực kỳ gian khổ. Có lẽ ngoài trường Xiếc ra, học sinh trường múa là những người phải trải qua quá trình tập luyện cực khổ nhất nếu muốn thành tài.
Môi trường đào tạo nghệ thuật cũng rất khắc nghiệp, đòi hỏi ngoài năng khiếu còn phải có sự kiên trì và lòng đam mê. May mắn cho Trang là bố cũng là một nghệ sỹ (nhạc sĩ) nên luôn theo dõi, thấu hiểu và động viên mình trong quá trình học tập”.
Quỳnh Trang cho biết, cũng nhờ gia đình định hướng mà sau khi tốt nghiệp trường CĐ Múa Việt Nam khóa 2002 – 2006 loại giỏi, chị đã thi vào trường ĐH Sân khấu Điện Ảnh, chuyên ngành Huấn luyện Múa. Song song với đó, chị còn học lấy chứng chỉ Sư phạm với mục tiêu trở thành một nghệ sỹ đa năng, không chỉ có thể biểu diễn mà còn có khả năng đào tạo để có một cuộc sống ổn định hơn.
“Mình rất trân trọng và yêu Múa. Nhận thức ấy giúp mình luôn cố gắng trong học tập để không thua kém chính bản thân, để làm tốt nhất những gì mình có thể”, Quỳnh Trang bộc bạch.
Danh hiệu Á khôi Sinh viên Hà Nội và cuộc thử sức với điện ảnh
Khi đang học tại trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, Quỳnh Trang tham gia cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Hà Nội 2009. Là một sinh viên nghệ thuật nên Quỳnh Trang có lợi thế trong các phần thi năng khiếu. Với sự thể hiện tốt của mình trong các phần thi, Trang giành được ngôi vị Á khôi 1 cuộc thi năm đó.
Quỳnh Trang bày tỏ: “Nhưng việc đoạt giải không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của mình, hoặc nói một cách khác, mình chọn cách né tránh những thay đổi ấy.
Mình là một người sống khá độc lập và không quảng giao, vậy nên cuộc sống ồn ào sau một cuộc thi hoa khôi quả thực không hợp với mình. Thời điểm đó, có những cơ hội được quen biết hoặc hợp tác trong nghệ thuật, Trang rất trân trọng nhưng cũng thận trọng chọn lọc để không làm thay đổi con đường mình đã và đang đi”.
Do học cùng trường với các anh chị, các bạn bên Điện ảnh nên Quỳnh Trang có cơ hội tham gia một số sản phẩm tốt nghiệp như phim ngắn, MV ca nhạc… Với gương mặt khả ái và sự đánh giá khá tốt về diễn xuất, Quỳnh Trang tiếp tục được mời đóng phim: Bảy ngày làm dâu, Thái sư Trần Thủ Độ, và Mùi cỏ cháy.
“Các vai diễn trong phim thường không phức tạp và nhân vật phim có cá tính rất giống với mình ngoài đời. Có lẽ bởi thế mà mình cũng dễ dàng nhận thấy bản thân không giỏi trong diễn xuất và muốn dành trọn vẹn thời gian cho múa”, Trang bộc bạch.
Quỳnh Trang tốt nghiệp đại học Sân khấu - Điện ảnh với tấm bằng loại giỏi.
Mối duyên với nghề giáo và hạnh phúc bên tổ ấm nhỏ
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Quỳnh Trang có cơ duyên trở thành giảng viên chuyên ngành Múa – Khoa Nghệ thuật Đại chúng – trường ĐH Văn hóa Hà Nội.
Và cũng là một niềm hạnh phúc cho Quỳnh Trang, khi ngoài giờ dạy, cô vẫn sinh hoạt trong vũ đoàn Carmen, một trong những vũ đoàn nổi tiếng và lâu đời của Hà Nội hiện nay. Ngoài ra, chị cũng thường xuyên tham gia biên đạo cho các chương trình nghệ thuật.
Quỳnh Trang chia sẻ: “Được đứng trên sân khấu vẫn luôn là lúc mình được sống thật nhất với con người nghệ sỹ của mình. Nhưng được đứng trên bục giảng lại có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống của Trang.
Nó không chỉ giúp mình có một công việc sau khi hết tuổi diễn mà còn giúp Trang tìm thấy ý nghĩa thực sự của những tháng năm khổ luyện. Đó là truyền đam mê, kiến thức của mình cho học trò của mình.
Lý do mình chọn trường ĐH Văn Hóa chứ không ở lại trường đào tạo chuyên nghiệp về Múa mặc dù cũng có lời mời – là bởi mình rất mong muốn đưa nghệ thuật múa đến sâu hơn với những người quản lý văn hóa. Đó cũng là cách giúp Trang thấy được mình đang đóng góp cho nghệ thuật múa”.
Để trau dồi thêm nghiệp vụ, Quỳnh Trang tiếp tục học chương trình Thạc sỹ chuyên ngành sân khấu tại trường cũ (ĐH Sân khấu Điện ảnh). Cô cho biết, trong quá trình học cao học, vừa học, vừa làm, vừa lập gia đình và sinh con nên các thầy cô tại trường đã tạo điều kiện rất nhiều.
Hồi tưởng lại chặng đường đã qua, Quỳnh Trang không cảm thấy nuối tiếc điều gì, và điều hài lòng nhất với cô, là có được cho riêng mình một tổ ấm…
Về gia đình nhỏ của mình hiện nay, Quỳnh Trang cảm thấy rất hài lòng, hạnh phúc. Quỳnh Trang lập gia đình năm 2012 sau hơn một năm yêu nhau. Theo lời kể của Trang, chuyện tình yêu với muôn vàn sóng gió cuối cùng cũng êm thấm và thành quả đến giờ là 2 cậu con trai (4 tuổi và 1 tuổi).
Vợ chồng Quỳnh Trang bằng tuổi nhau, chồng cô vốn là sinh viên trường ĐH Ngoại thương. Khi gặp nhau, ông xã đang là nhân viên marketing cho một công ty nổi tiếng của Nhật.
“Mình học về nghệ thuật nên rất hâm mộ những anh chàng trí thức như vậy. Anh ấy cũng rất đam mê nghệ thuật nên hai đứa có nhiều điểm chung để chia sẻ”, cô bày tỏ.
Quỳnh Trang cho biết, cưới nhau được 2 năm, không hiểu duyên số thế nào mà ông xã bỏ hết cả việc để trở thành… ca sĩ. Và đó có lẽ cũng là thời gian khó khăn nhất với cô khi phải thích nghi với cuộc sống mới và cách nhìn mới về chồng mình. Hiện tại chồng Quỳnh Trang đang là một thành viên của nhóm nhạc OPlus.
Trang bộc bạch: “Cũng may mà với những gì có trong tay, chồng mình cũng biết cách làm cho công việc ngày một ổn định hơn và cũng cố gắng gần gũi, giúp vợ bớt lo lắng về môi trường sinh hoạt của mình. Dù sao khi 2 vợ chồng cùng làm nghệ thuật, anh ấy cũng giúp đỡ được mình rất nhiều trong công việc”, cô chia sẻ.
Nói về sự thay đổi sau khi có gia đình, làm mẹ, Trang bộc bạch: “Sống một mình kể từ khi học cấp 3 ngoài Hà Nội nên có lẽ sự thay đổi lớn nhất sau khi làm mẹ của Trang đó là: Chưa bao giờ mình nghĩ bản thân lại trở thành một người kỹ tính và tỉ mỉ như vậy đối với việc chăm sóc con. Đó là đối với bản thân thôi nhé, chứ mình biết các mẹ ai cũng cẩn thận lắm”.
Hồi tưởng lại chặng đường đã qua, Quỳnh Trang không cảm thấy nuối tiếc điều gì, và điều hài lòng nhất với cô, là có được cho riêng mình một tổ ấm…
Hoàng Dung
(Ảnh NVCC)