6 dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong một mối quan hệ độc hại
(Dân trí) - Khi bạn mới bắt đầu hẹn hò, sự lãng mạn và hào hứng trong "giai đoạn trăng mật" có thể khiến bạn trở nên mù quáng và không nhận ra những dấu hiệu cảnh báo.
Trong một cuộc khảo sát từ năm 2011 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 47,1% phụ nữ và 46,5% nam giới cho biết họ đã trải qua một số hình thức bạo hành về mặt tâm lý khi đang trong một mối quan hệ.
Bài viết này sẽ chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo mà bạn cần lưu ý để thận trọng hơn hoặc nếu cần thiết thì hãy rời bỏ mối quan hệ đang có.
Thường xuyên nói dối
Nửa kia thường xuyên thiếu trung thực là một dấu hiệu không tốt.
Samara Quintero, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình của trang Choosing Therapy chuyên tư vấn trị liệu sức khỏe tâm thần, cho rằng tất cả chúng ta có lúc nói dối, nhưng đó là những lời nói dối vô hại, còn nếu bạn nhận thấy đối phương liên tục lừa dối thì đó chính là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Đó có thể là những lời nói dối nhỏ, như không trung thực về việc đang đi đâu, hoặc những lời nói dối lớn hơn, như không cho bạn biết họ đang nợ bao nhiêu tiền.
Việc bị lừa dối hết lần này đến lần khác có thể khiến việc tạo dựng nền tảng vững chắc trong mối quan hệ trở nên khó khăn hơn, thậm chí là phá hỏng mối quan hệ mà bạn đã cố gắng xây dựng.
Luôn hạ thấp đối phương
Nếu người ấy thường xuyên chỉ trích hoặc hạ thấp bạn, dù là theo cách khó nhận ra, thì đều có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của bạn.
Bà Quintero cho rằng đây là một hình thức bạo hành về mặt tâm lí, có thể dẫn đến cảm giác lo lắng và bất an trong một mối quan hệ.
Họ thường nói một số câu như: "Em/anh phải cảm thấy may mắn khi vẫn có anh/em ở bên, vì em/anh sẽ chẳng bao giờ có thể sống tốt hơn nếu không có an/em", hay "Trông em/anh thật lố bịch khi cố tỏ ra hài hước".
Theo một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy, hệ lụy của bạo hành về mặt tâm lý có thể nguy hiểm không kém gì bạo hành về mặt thể chất. Cả hai hình thức này đều khiến ta trở nên tự ti và buồn phiền. Vì vậy, đây là dấu hiệu chắc chắn bạn cần phải lưu ý.
Theo bà Quintero, vấn đề này nhất định phải được giải quyết và nếu đối phương từ chối chịu trách nhiệm hoặc không sẵn sàng thay đổi thì đã đến lúc bạn cần nhìn nhận lại mối quan hệ.
Không muốn thỏa hiệp
Nếu đối phương không sẵn lòng thỏa hiệp ngay cả những vấn đề nhỏ, thì bạn nên xem xét lại mối quan hệ đó.
Nhà trị về liệu hôn nhân và gia đình Emily Simonian cho biết nếu bạn đang trong mối quan hệ tình cảm với một người nhưng dường như mọi thứ đều chỉ từ một phía thì bạn sẽ phải thỏa hiệp rất nhiều. Kết quả là bạn sẽ cảm thấy bực bội, tổn thương, hiểu lầm và không hài lòng.
Một mối quan hệ lành mạnh là khi bạn cân nhắc nhu cầu và mong muốn của cả hai người chứ không phải là sự thỏa hiệp từ một phía.
Thiên hướng trốn chạy khỏi các cuộc nói chuyện để giải quyết vấn đề
Nếu thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, người ấy sẽ có xu hướng "trốn chạy", và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của bạn.
Ví dụ, người ấy luôn tìm cách né tránh các cuộc tranh luận mà không lắng nghe bạn nói hoặc phớt lờ bạn trong nhiều ngày vào thời điểm mọi thứ đang trở nên khó khăn.
Theo bà Simonian, những người khó có thể hoặc không thể chịu đựng những cảm xúc tiêu cực có xu hướng tấn công hoặc bỏ chạy khi tình hình trở nên khó khăn. Ngay cả mối quan hệ lành mạnh cũng sẽ có lúc gặp trục trặc, vì thế bạn cần chắc chắn rằng người ấy sẽ nói chuyện với bạn để cùng giải quyết vấn đề thay vì trốn tránh.
Kiểm soát hành vi và ghen tuông thái quá
Nếu người ấy của bạn thuộc túyp người hay ghen thì khả năng là họ sẽ kiểm soát hành vi của bạn.
Simonian nói rằng họ có thể ghen khi thấy bạn có những mối quan hệ xã hội khác ngoài mối quan hệ với họ. Một người ấy hay ghen sẽ cố gắng kiểm soát những gì bạn làm và có thể khiến bạn thấy ngột ngạt với quá nhiều cuộc gọi và tin nhắn dồn dập. Những nỗ lực kiểm soát bạn thường khó nhận ra lúc ban đầu nhưng cuối cùng sẽ gia tăng cường độ và thường khiến bạn cảm thấy như thể không có việc gì bạn làm là đủ tốt. Nếu bạn thấy ngột ngạt hay phải liên tục thay đổi để xoa dịu cơn ghen của họ, đó có thể là "hồi chuông" cảnh báo về những vấn đề lớn hơn sắp xảy ra.
Theo một phân tích tổng hợp năm 2010, khi sự ghen tuông trong một mối quan hệ tăng lên, chất lượng mối quan hệ sẽ giảm xuống. Điều này cho thấy sự ghen tuông gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình yêu.
Thiếu giao tiếp cởi mở và lành mạnh
Quintero nói rằng việc nửa kia gây hấn thụ động, đổ lỗi hoặc bộc lộ cảm xúc một cách quá khích là biểu hiện của giao tiếp kém hiệu quả.
Giao tiếp là nền tảng của một mối quan hệ. Nếu cả hai không thể giao tiếp cởi mở và lành mạnh với nhau thì bạn sẽ gặp rắc rối. Một mối quan hệ lành mạnh sẽ giúp cả hai cảm thấy an toàn và cởi mở hơn khi thể hiện cảm xúc mà không sợ bị phán xét hay chỉ trích.
Nghiên cứu năm 2017 cho rằng kĩ năng giao tiếp có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp cả hai cảm thấy hài lòng về mối quan hệ trong tương lai. Và khi bắt đầu một mối quan hệ, chính sự hài lòng trong giao tiếp đó sẽ giúp cho mối quan hệ trở nên thân thiết hơn.
Khi bạn nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo trong mối quan hệ của mình, hãy lưu ý hơn tới chúng. Cho dù bạn đang nghe những lời nói dối, đang chịu đựng sự chiếm hữu hay bị coi thường, bạn nên cân nhắc tình hình một cách nghiêm túc để xem có thể cứu vãn nó không hay đã đến lúc "cho cả hai một lối đi riêng".