5 điều người trẻ cần từ bỏ để đón một năm mới trọn vẹn

Lê Nga

(Dân trí) - Một năm mới luôn là dịp lý tưởng để các bạn trẻ thay đổi bản thân. Đặc biệt là những điều tiêu cực khiến cuộc sống dần trở nên nhàm chán.

Từ bỏ một công việc nhàm chán

Bạn Ngọc Diệp (20 tuổi, Hà Giang) tâm sự: "Mình làm công việc chăm sóc khách hàng, ngày nào cũng như ngày nào, chỉ nhắn tin gọi điện để chốt đơn, vậy mà mình cũng làm được 6 tháng. Ngày nào đi làm cũng bù đầu kiểm tra tin nhắn thật nhanh vì luôn bị chị chủ giám sát. Mặc dù một ngày mình chỉ làm 4 giờ nhưng hôm nào cũng như "đánh trận".

Mình bị ám ảnh ngay cả khi đã về nhà, còn nằm mơ thấy mình đang đi làm. Mỗi lần nghe thấy tiếng thông báo trên Zalo mình lại thấy sợ. Có lần, đã khuya rồi nhưng chị ấy vẫn gọi điện cho mình để phàn nàn về những nhân viên khác. Những lời nói không hề mang tính đóng góp mà chỉ toàn là công kích nặng lời.

Chị chủ giám sát liên tục, nếu làm chậm là bị gọi điện phàn nàn ngay. Mặc dù công việc khá áp lực, nhưng chế độ khen thưởng lại không có gì. Đi làm lâu như vậy mà không được tăng lương, đến ngày lễ tết cũng không được thưởng".

Ngọc Diệp cho rằng tiền cũng là một phần, quan trọng là công việc phải phù hợp với bản thân, người dẫn dắt mình phải là người mà mình có thể học hỏi được thì mới nên tiếp tục công việc.

5 điều người trẻ cần từ bỏ để đón một năm mới trọn vẹn - 1
Nhân dịp năm mới sắp sang, Ngọc Diệp quyết định từ bỏ một công việc nhàm chán (Ảnh: NVCC).

"Một công việc không đem lại cho mình bất cứ giá trị gì, kể cả niềm vui cũng không. Vừa khiến sức khỏe thể chất và tinh thần suy giảm, lại không có nhiều thời gian học tập. Hồi đó, mình chỉ được 36 kg, nghỉ việc được một thời gian mình đã lên được 39 kg.

Nhân dịp sắp sang năm mới, mình quyết định nghỉ việc. Từ ngày nghỉ việc mình thấy bản thân vui vẻ hơn rất nhiều, không còn cảm giác lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Cũng không gặp phải tình trạng căng thẳng mỗi khi nghĩ đến việc đi làm, có nhiều thời gian cho bản thân và bạn bè hơn.

Mình tìm được mục tiêu cho công việc tiếp theo, biết mình nên và không nên làm gì. Sau sự việc đó, mình cũng nhận ra một người sếp tốt vẫn hơn một công việc tốt", Diệp chia sẻ.

Từ bỏ vùng an toàn của bản thân

Đối với bạn Quỳnh Trang (20 tuổi, Hà Giang), bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân là điều quan trọng nhất: "Điều quan trọng nhất mình nghĩ là bỏ được vùng an toàn của bản thân, những suy nghĩ lo sợ bản thân sẽ không làm được.

Dám bước đến môi trường mới, tiếp xúc với nhiều người mới và học hỏi được từ những người có nguồn năng lượng tích cực.

Trong năm 2022, vì không dám bước ra khỏi vùng an toàn, nên mình đã bỏ lỡ rất nhiều thứ. Có những điều chưa dám làm nên thực sự bản thân vẫn chưa được phát triển toàn diện.

Đôi khi sẽ có cảm giác là mình đang lười biếng và chưa cố gắng. Việc không tìm đến những điều mới mẻ cũng làm mình thấy cuộc sống bị lặp đi lặp lại, rất nhàm chán và dần mất đi động lực, đôi lúc sẽ thấy bản thân là người vô dụng", Quỳnh Trang nói.

5 điều người trẻ cần từ bỏ để đón một năm mới trọn vẹn - 2

Vì không dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, nên Quỳnh Trang đã để lỡ mất rất nhiều thứ (Ảnh: NVCC).

Quỳnh Trang cho biết: "Từ khi đến môi trường mới, mình được gặp gỡ nhiều người, tạo được nhiều mối quan hệ tốt, làm mình cảm thấy có thêm rất nhiều điều mới mẻ và nhiều trải nghiệm. Tuy nhiên, mỗi môi trường sẽ có các đặc điểm khác nhau, sẽ có khoảng thời chưa thể thích nghi với công việc cũng như áp lực mới.

Mình cũng mất một khoảng thời gian đầu để tiếp xúc và hòa nhập với mọi người. Điều này khiến mình hơi căng thẳng và rụt rè. Nhưng nhìn chung, việc bước ra khỏi vỏ bọc khiến mình được nhiều hơn mất".

Thanh lọc những suy nghĩ khiến bản thân mệt mỏi

Bạn Thùy Dương (20 tuổi, Quảng Ninh) cho biết: "Tính cách của mình khá cởi mở, luôn thoải mái với các mối quan hệ xung quanh. Mình cũng được mọi người đánh giá là thảo tính. Mình luôn cố gắng đối xử tốt với mọi người để mọi người cũng cư xử đúng mực với mình".

Thùy Dương nhận ra rằng, đôi khi những người mình chỉ tốt với họ theo kiểu mình nhiệt tình, nhưng người ta đã rất biết ơn. Còn chính một số người gọi là thân thiết, thì họ lại coi sự tốt tính của mình là điều hiển nhiên.

"Họ không những không sợ mất mình, mà còn làm cho mình thất vọng vì sự vô tâm của họ. Luôn muốn mọi người đối xử tốt với mình, nhưng ngay cả những người bạn thân thiết còn không làm được điều đó, thì làm sao mong mỏi mọi người đều tốt với mình được.

Việc hy vọng người khác cũng tốt với mình như mình tốt với họ, làm mình hụt hẫng rất nhiều khi nhận ra người ta không như vậy. Họ không hề biết trân trọng, chỉ biết nhận mà không cho đi.

5 điều người trẻ cần từ bỏ để đón một năm mới trọn vẹn - 3
Việc cứ giữ mãi suy nghĩ mọi người đều tốt với mình như mình tốt với họ khiến Thùy Dương vô cùng mệt mỏi (Ảnh: NVCC).

Việc cứ giữ mãi suy nghĩ mọi người đều đối xử tốt với mình như mình tốt với họ khiến mình vô cùng mệt mỏi, đến cuối cùng thì người buồn phiền luôn là chính bản thân. Từ ngày mình bỏ đi cái suy nghĩ ấy, mình thấy cuộc sống nhẹ nhõm hơn và thấy mình bớt mơ mộng ảo đi nhiều. Vì không hy vọng sẽ không thất vọng", Dương giãi bày.

Tạm biệt những thói quen khiến bản thân thụt lùi

Bạn Tống Kiên (20 tuổi, Hà Giang) cho rằng vì tính cách rụt rè mà đánh mất đi nhiều cơ hội cho bản thân. "Mình là người khá trầm tính, nên đôi khi để lỡ mất nhiều cơ hội cho bản thân.

Trong việc tìm kiếm công việc hay một mối quan hệ xã hội, người có tính cách trầm lắng luôn thiệt thòi hơn người có tính cách sôi nổi.

Bình thường mình không hay cởi mở giao tiếp nên tính cách đó dần trở thành lối mòn trong suy nghĩ, nhiều khi đang định giao tiếp với người khác, nhưng cái suy nghĩ "có nên bắt chuyện không nhỉ? Hay là thôi" lại lóe lên trong đầu", Kiên chia sẻ.

"Để cải thiện tính cách rụt rè ấy, mình đã tham gia vào câu lạc bộ, các hoạt động thiện nguyện và đi làm thêm để tạo ra một thói quen giao tiếp mới.

Mình đang đi làm tại một phòng khám, do ít nói hơn một người bạn làm cùng nên anh chủ rất có thiện cảm với bạn ấy, có việc gì cũng ưu tiên gọi bạn ấy đi làm.

Trong gia đình, mình không phải là người hay gọi điện hỏi thăm các cô dì chú bác. Nên khi mình có ý muốn gọi điện hỏi thăm, mọi người lại tưởng mình có việc cần nhờ.

Mình nhận ra đây là một tính cách không tốt và sẽ khiến bản thân thụt lùi, nên mình quyết định sửa đổi tính cách ấy. Việc từ bỏ một tính cách đã theo mình rất lâu không phải điều dễ dàng, sẽ khó khăn trong thời gian đầu, nhưng mình nghĩ cứ dần dần sẽ sửa đổi được.

Mình cũng nhận thấy được sự tích cực trong quá trình thay đổi tính cách này, mọi người có vẻ cởi mở với mình hơn. Mình cũng thấy vui vì sự cải thiện này, tuy chưa có gì nhiều nhưng ít ra cũng có một chút động lực để bản thân tiếp tục cố gắng", Kiên chia sẻ thêm.

Nói không với những mối quan hệ độc hại

"Một mối quan hệ độc hại luôn khiến bản thân mệt mỏi và không được tôn trọng. Mình có một vài người bạn như thế, họ hùa theo nhau trêu đùa quá trớn, ngay cả khi mình tỏ thái độ không hài lòng mà họ vẫn tiếp tục.

Những đóng góp của mình không bao giờ được trân trọng, dù lúc nào mình cũng có ý tốt với các bạn. Nhưng nhận lại cũng chỉ là những phản bác thái quá, hay đôi khi còn công kích mình vì những góp ý tốt đó.

Mình đã quyết định thoát ra khỏi mối quan hệ đó, sau khi thoát ra mình không còn cảm giác nơm nớp lo sợ mất bạn như lúc trước, bạn nào tốt với mình thì mình chơi lại", đó là những chia sẻ của bạn Việt Hùng (20 tuổi, Hà Nội).

Cùng quan điểm với Việt Hùng, Bạn L.N (20 tuổi, Hà Giang) cũng cho rằng việc thoát ra khỏi những mối quan hệ độc hại chính là món quà quý giá cho một năm mới sắp sang.

"Mình chơi với bạn ấy cũng khá lâu nên khi thấy những dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại thì không dám dứt ra vì nghĩ rằng ai cũng có tính xấu, nên khi chơi với nhau phải chấp nhận cả tính xấu lẫn tính tốt.

Nhưng có lần mình thấy cô bạn đó đang cố tình đọc trộm tin nhắn của mình, dù không biết bạn ấy làm vậy vì lý do gì. Lúc đó mình không phản ứng gì cả, chỉ lẳng lặng rời đi.

Mình nghĩ dù có thân thiết đến đâu, vẫn nên có những ranh giới đặt ra trong một mối quan hệ. Cả hai phải tôn trọng quyền riêng tư của nhau thì mối quan hệ mới lâu bền được", L.N tâm sự.