4 điều bạn trẻ nên làm mỗi ngày để hạnh phúc và kiên cường hơn
(Dân trí) - "Khả năng phục hồi" là cụm từ trở nên phổ biến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Vậy, phải làm thế nào để có thể sống hạnh phúc và kiên cường hơn mỗi ngày?
Tiến sĩ tâm lý học Jessica Jackson của Modern Health - một tổ chức chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Mỹ, nói: "Chúng ta cần phải hiểu rằng sự kiên cường không phải lúc nào cũng có nghĩa là cứng rắn. Sự kiên cường ở đây cũng bao gồm sự nghỉ ngơi, dễ bị tổn thương và nhìn thẳng vào cảm xúc của mình, để có thể dễ vượt qua các tình huống khó khăn trong cuộc sống".
Tiến sĩ Jackson và Tiến sĩ tâm lý học Samantha Boardman đã liệt kê 4 thói quen giúp bạn trẻ xây dựng sức mạnh tinh thần và trở nên kiên cường hơn mỗi ngày.
1. Dành 5 phút mỗi sáng để "check-in"
Chúng ta thường hay hỏi người khác: "Bạn có ổn không?", nhưng lần cuối cùng bạn tự hỏi mình những câu tương tự là khi nào?
Đôi khi, chúng ta bỏ quên những cảm xúc của mình, cho đến khi bạn sắp kiệt sức. Tiến sĩ Jackson nói: "Hãy nghĩ về một chiếc ô tô. Bạn có thể không nhận thấy việc dầu bị rò rỉ vì nó luôn luôn di chuyển, nhưng khi nó đỗ một lúc, rồi bạn di chuyển nó sang chỗ khác, bạn bỗng nhiên nhận ra rằng có một vũng dầu bên dưới. Sức khỏe tinh thần của chúng ta cũng tương tự như vậy".
Bởi thế, bạn hãy dành ra 5 phút mỗi sáng để tâm đến cảm xúc của chính mình với những câu hỏi như: Mình cảm thấy như thế nào? Hôm nay mình cần gì? Mình muốn ngày hôm nay thế nào?
Hãy cứ ngồi yên và suy nghĩ về những câu hỏi này có thể giúp bạn xử lý cảm xúc tiêu cực và điều chỉnh các việc để giảm căng thẳng, chẳng hạn như chạy bộ, đặt món ăn yêu thích hay bất cứ hoạt động nào khiến bạn thấy vui.
2. Tạo ra "khoảnh khắc nhỏ" theo hướng tích cực
Bộ não chúng ta thường tập trung vào những cảm xúc tiêu cực hơn là tích cực. "Thuốc giải" cho những thói quen xấu này chính là "khoảnh khắc tích cực nhỏ", theo Tiến sĩ Boardman, nghĩa là bạn tìm kiếm những người hoặc những điều mang lại niềm vui cho bạn.
"Một kết nối có ý nghĩa hay hoạt động bồi dưỡng tinh thần sẽ nâng cao khả năng phục hồi của chúng ta. Nó có vai trò như vùng đệm giữa chúng ta với sự căng thẳng mà mỗi người chắc chắn sẽ gặp phải trong cuộc sống", bà nói.
Bạn hãy nghĩ cách để đưa những khoảnh khắc tích cực vào thói quen hằng ngày, chẳng hạn như gọi điện cho bạn bè, nghe bản nhạc yêu thích. Boardman cũng gợi ý bạn nên đặt lời nhắc trên điện thoại cho những việc này, tránh những suy nghĩ tiêu cực bủa vây.
3. Đánh giá việc sử dụng công nghệ
Các phương tiện truyền thông xã hội có sự liên quan chặt chẽ đến chứng lo âu, trầm cảm ở cả thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Chúng ta không thể nào hoàn toàn không sử dụng internet được. Bạn nên tránh xa thói quen dùng thiết bị công nghệ của mình để xem có trang web, hội nhóm hay người nào đó trên mạng xã hội ảnh hưởng không tốt đến cảm xúc của bạn.
Chuyên gia tổ chức cuộc sống Marie Kondo nói: "Nếu điều gì đó không khơi dậy niềm vui ở một mức độ nào đó, nếu nó khiến bạn cảm thấy tồi tệ hãy tắt nó đi, hoặc giới hạn thời gian bạn dành cho nó". Bà cũng cho rằng, chúng ta chỉ nên vào mạng dưới 2 tiếng mỗi ngày.
4. Thiết lập các ranh giới nhất định
Đặt ra các ranh giới là kỹ năng quan trọng để trở nên kiên cường hơn, vì nó giúp tự lựa chọn những gì bạn cho phép xuất hiện trong cuộc sống của mình. Jackson nói: "Sự kiên cường thường bị nhầm lẫn với tính độc lập, kiểu như "hãy để tôi co lại nhiều nhất có thể để hỗ trợ người khác. Sự kiên cường, khả năng phục hồi thiên về việc ưu tiên cho những nhu cầu của chính bạn".
Ví dụ, nếu bạn định đi ăn tối với một người bạn nhưng rồi bạn cảm thấy mình cần ở nhà và nghỉ ngơi, bạn không nên cảm thấy quá áy náy khi phải thay đổi kế hoạch. Hoặc nếu bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ vì có quá nhiều việc, đừng ngần ngại chia sẻ với quản lý hay đồng nghiệp.
Việc đặt ra các ranh giới ban đầu có thể khiến bạn lo lắng, không thoải mái; tuy nhiên, dần dần việc chia sẻ cảm xúc của bạn mà không cảm thấy tội lỗi có nghĩa là bạn không hao hụt nguồn năng lượng có hạn của mình vào những điều gây hại cho sức khỏe tinh thần.
"Cuộc sống hiện đại khá căng thẳng đối với hầu hết mọi người. Điều quan trọng là phải biết "ngưỡng" của mình cũng như các giới hạn và tôn trọng những điều đó trước khi bạn kiệt sức".