Những người "sống nhạy cảm" liệu có nắm giữ hạnh phúc không?

Tuệ Nhi

(Dân trí) - Một số người phải vật lộn để đối phó với mùi, âm thanh và hình ảnh hằng ngày. Thay vì là một điểm yếu, đôi khi sự nhạy cảm cao độ này có thể trở thành sức mạnh của họ.

"Tôi cảm thấy mình quá nhạy cảm với thế giới này", Lena - người không thể đối diện với đám đông hay ánh đèn rực rỡ thở dài nói. Còn Melissa lại thường bảo chồng xem phim trước để xem liệu trong đó có bất kỳ hành vi bạo lực, máu me hay đáng sợ hay không.

Những người sống nhạy cảm liệu có nắm giữ hạnh phúc không? - 1

Thật khó giải thích tại sao tiếng ồn và ánh sáng của tivi lại tạo cảm giác như "bị đấm vào mặt" (Minh họa: Nathalie Lees/The Guardian).

Khi những đứa con lớn đưa các cháu về, bà phải lui sang phòng khác vì "tiếng cười nói ồn ào, tiếng nói tục, chửi thề và mùi mẫn của chúng lấn át". Lucia cho biết, cô có thể cảm thấy "từng sợi quần áo của mình" và đôi khi cảm giác rất nhột hoặc khó chịu. Nhiều lúc, cô ấy phải dừng lại trong khi quan hệ tình dục vì nó trở nên "quá nhột". Lena, Melissa và Lucia đều tự nhận xét bản thân là người nhạy cảm cao.

Genevieve Von Lob, một nhà tâm lý học lâm sàng làm việc với nhiều người nhạy cảm, đặc biệt là trẻ em, giải thích: "Khi những người này có thông tin, họ xử lý nó sâu hơn và công phu hơn nhiều. Họ có xu hướng tiếp nhận nhiều một cách kỹ càng hơn so với một người không nhạy cảm. Thế nên họ cảm thấy choáng ngợp".

Khi tờ The Guardian yêu cầu độc giả chia sẻ trải nghiệm về độ nhạy cảm cao của họ, hơn 300 người đã trả lời. Họ viết hơn 40.000 từ chỉ để nói về cảm giác kiệt quệ vì khả năng điều chỉnh cảm xúc hoặc kiệt sức vì làm việc trong văn phòng không gian mở hoặc đi siêu thị.

Thông thường, họ khóc trước những quảng cáo xúc động, nhưng cũng có thể mất tinh thần và bị ảnh hưởng sâu sắc vì một số sự kiện. "Tôi làm việc trong một trường học bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt cắt giảm. Tôi dạy dỗ những đứa trẻ đang phải trải qua những khó khăn, cha mẹ không ổn định tài chính. Nếu tình trạng này tiếp tục, tôi biết mình sẽ mất nhiều thời gian hơn để khóc trong lớp", một người kể lại.

Một số người cho biết, họ đeo tai nghe "để chặn thế giới" và tránh các phương tiện truyền thông xã hội vì sợ một lời nói một phía sẽ làm hỏng ngày hoặc cả tuần của họ. Nhiều người chia sẻ, sự chỉ trích tại nơi làm việc có thể khiến họ thấy ám ảnh trong thời gian dài.

Những người sống nhạy cảm liệu có nắm giữ hạnh phúc không? - 2
Những người "nhạy cảm cao" liệu có nắm giữ chìa khóa của hạnh phúc không? (Ảnh: Shutterstock)

Thật khó để giải thích cho ai đó tại sao nghe tiếng ồn và ánh sáng của tivi vào buổi sáng sẽ khiến bản thân có cảm giác "như bị đấm vào mặt". "Tôi ước mình không phải là một người nhạy cảm - điều đó đã khiến cuộc sống của tôi trở nên khó khăn hơn nhiều". Những người khác nhớ lại mình đã được dạy bảo "phải cứng rắn lên" khi còn nhỏ, hoặc đã sống hàng chục năm với cảm giác có điều gì đó không ổn đang xảy ra.

Kết quả là, nhiều người nhạy cảm cao có lòng tự trọng thấp. Von Lob nói: "Thường thì họ có thể đã bị bắt nạt ở trường. Xã hội có xu hướng coi đó là một điểm yếu và họ có thể bị gán cho những cái mác như "mong manh" hoặc "quá khích". Tôi nghĩ những người nhạy cảm cao thường có thể cảm thấy cô đơn và bị hiểu lầm, hoặc không bình thường. Họ luôn cảm thấy thế giới này quá khắc nghiệt, quá ồn ào đối với họ. Không có gì ngạc nhiên khi họ đấu tranh để chấp nhận bản thân và để đánh giá giá trị những món quà vì những thông điệp mà họ đã nhận được".

Von Lob cho biết thêm: "Chấp nhận bản thân là chìa khóa quan trọng. Nhạy cảm cao là bẩm sinh và không phải là điều cần được chẩn đoán hoặc "điều trị", mặc dù mọi người có thể học các cơ chế đối phó khi cuộc sống trở nên quá tải. Những người rất nhạy cảm cần phải điều chỉnh tốc độ của bản thân. Bởi vì họ tiếp nhận nhiều hơn và họ có nhiều cảm xúc mãnh liệt hơn, họ cần thời gian để xử lý cảm xúc trong cơ thể.

Những người sống nhạy cảm liệu có nắm giữ hạnh phúc không? - 3

Nhiều người cảm thấy "thế giới này thật khắc nghiệt" (Ảnh: Shutterstock).

Vì vậy vận động có thể thực sự hữu ích như đi bộ, kickboxing, khiêu vũ hoặc yoga, bất kỳ loại vận động nào họ thích. Bởi vì họ là những người suy nghĩ sâu sắc, có thế giới nội tâm rất phong phú và điều thực sự quan trọng đối với họ là có được những kết nối sâu sắc và có ý nghĩa đó trong các mối quan hệ".

Cô cho biết thêm, thời gian hòa mình cùng thiên nhiên có thể hữu ích. Khi ấy, bạn có không gian để đơn giản hóa cuộc sống, sắp xếp lại mọi lịch trình của bản thân. Điều quan trọng là bạn không nên so sánh mình với người khác, bởi thật ra, bạn có những điểm mạnh độc đáo riêng.

Bởi vì nhạy cảm cao có thể là một thế mạnh hay "siêu năng lực". Samira nói: "Ưu điểm của nó là khiến tôi trở thành một người biết lắng nghe, giỏi trò chuyện. Tôi có thể dễ dàng tìm ra các ý nghĩa cơ bản và có đời sống nội tâm phong phú với vốn từ vựng giàu cảm xúc".

Louise, một nhà nghiên cứu, đã từng tin rằng thật "sai lầm" khi quá nhạy cảm. Chỉ ở độ tuổi 30, khi không hạnh phúc trong công việc của mình, cô đã quyết định nghỉ ngơi học điêu khắc và kết nối lại với tình yêu nghệ thuật.

"Kỳ nghỉ đó đã hoàn toàn thay đổi tôi. Tôi đã gặp những người nhạy cảm tương tự. Những người tôi gặp ở đó không cho rằng "mềm mỏng" là xấu và họ thoải mái nói về sự nhạy cảm của bản thân, khả năng tìm thấy niềm vui trong những điều đẹp đẽ và cảm nhận sâu sắc về thế giới xung quanh", cô cho biết.

"Gặp gỡ những người chấp nhận bản chất yên tĩnh, vui vẻ của họ đang biến đổi và tôi quay lại đón nhận sự nhạy cảm của chính mình. Tôi bắt đầu đọc, sáng tạo một lần nữa rồi suy nghĩ cẩn thận về sự nghiệp của mình. Tôi đã tự cho phép mình trở thành người nhạy cảm như bản chất thật sự.

Tôi bắt đầu học tiến sĩ, vài năm sau, cuộc đời tôi đã thay đổi. Sự nhạy cảm đó đã trở thành thế mạnh và đó là lý do thành công của nghiên cứu liên quan đến việc làm việc với những người dễ bị tổn thương. Công việc ấy dựa vào tư duy sâu sắc giữa con người với nhau. Tôi ước mình đã nhận ra sớm hơn rằng sự nhạy cảm cao có thể là một thế mạnh, hơn là một điểm yếu", Louis kể.

Có một câu hỏi đặt ra rằng, liệu nhạy cao có phải là dấu hiệu của chứng tự kỷ hay không, nhưng Michael Pluess, giáo sư tâm lý học phát triển tại Đại học Queen Mary (London, Anh) nói rằng: "Mặc dù cả hai đều có hệ thống giác quan nhạy bén hơn, nhưng "nhạy cảm và tự kỷ là có lẽ là hai điều khá riêng biệt".

Tương tự, nhạy cảm không chỉ người hướng nội, mà đôi khi có những người hướng ngoại cũng gặp phải tình trạng này. Mọi người đều nhạy cảm, chúng ta sẽ không thể tồn tại nếu không nhạy cảm với môi trường nhưng một số người nhạy cảm hơn những người khác, độ nhạy cảm cao hơn có lợi ích và cũng có những thách thức".

Những người sống nhạy cảm liệu có nắm giữ hạnh phúc không? - 4

Nhạy cảm không hẳn là điểm yếu, đôi khi nó lại trở thành sức mạnh riêng biệt (Ảnh: Shutterstock).

Von Lob nói rằng, bạn cần phải biết rằng nhạy cảm cao không phải là một điểm yếu. Trên thực tế, đó có thể là chính xác những gì chúng ta cần, giá như xã hội có thể nhận ra và nuôi dưỡng những người có những đặc điểm này.

"Điều đó thực sự tốt trong vai trò lãnh đạo. Họ thường là những người sáng tạo, vì vậy họ có thể là những người nhìn xa trông rộng về thế giới. Họ đưa ra những lối suy nghĩ khác xa so với xu hướng chính và với ý thức về công lý và sự công bằng, họ là những người biết lắng nghe, tận tâm vì họ xem xét chi tiết. Chúng ta thật sự cần những kỹ năng và nhận thức như thế này".

Theo Von Lob, ứng phó liên tục với đại dịch và tình trạng khẩn cấp về khí hậu đều là những lĩnh vực quan trọng có thể được hưởng lợi từ khả năng của những người có độ nhạy cảm cao. "Họ có thể sử dụng niềm đam mê, kiến thức trực quan và sự tự nhận thức của mình để trở thành một phần của giải pháp."

Isadora thường đeo tai nghe khi ra ngoài để làm giảm đi một số tiếng ồn "chói tai", cô cũng không thể chịu được mùi của các sản phẩm tẩy rửa hoặc mùi nấu ăn. Đặc biệt, nghe nhạc lớn trong nhà hàng là điều cô không thể chịu nổi. Tuy nhiên, cô khẳng định: "Bất chấp những thách thức, tôi rất vui vì cảm thấy rằng thế giới có thể được hưởng lợi từ những cá nhân nhạy cảm như tôi".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm