Tranh cãi về chủ đề "Tiền có mua được hạnh phúc không?"
(Dân trí) - "Tiền không thể mua được tất cả mọi thứ nhưng chắc chắn chúng ta đều hạnh phúc khi có tiền".
Trong một chương trình giải trí, các khách mời được tham gia tranh luận về một chủ đề đã từng có rất nhiều ý kiến trái chiều: "Tiền có mua được hạnh phúc hay không?".
Hot TikToker Tun Phạm trả lời rằng: "Tiền không mua được hạnh phúc" là câu mà người giàu nghĩ ra để người nghèo đỡ cảm thấy tủi thân, chứ người giàu vẫn dùng tiền mua hạnh phúc bình thường".
Trao đổi với một số bạn trẻ, Dân trí đã nhận được rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Thúy Huyền (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền) cho rằng: "Đây chỉ là một câu nói mang tính cảm quan cá nhân của Tun Phạm vì người giàu nghĩ thế nào và người nghèo khi nghe câu đó cảm thấy ra sao, liệu họ có thấy đồng cảm hay bớt tủi thân hơn không thì anh bạn này không thể biết và đánh giá được".
Đồng tình với quan điểm của Thúy Huyền, Hà Linh (sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) thấy việc dùng từ "tủi thân" ở đây chưa thực sự chính xác, bởi có thể bản thân những người nghèo họ không hề cảm thấy như vậy.
Hạnh phúc là gì?
Theo Hà Linh (trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), hạnh phúc đều có sẵn trong mỗi con người. Linh cho rằng, mọi người cứ mải chạy theo định nghĩa hạnh phúc của số đông mà vô tình khiến bản thân bị khổ đau che mờ những điều hạnh phúc gần gũi vẫn luôn hiện hữu trước mắt mình.
Hà Linh cho biết: "Hạnh phúc của mình là có được một ngày nghỉ ngơi, có thể dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc bản thân mình hơn, đi chơi, mua sắm và gặp gỡ bạn bè xung quanh nhiều hơn nữa".
Trong khi đó, với Tuấn Dũng (20 tuổi), hạnh phúc cũng không ở đâu xa, mà chỉ đơn giản là một buổi chiều được thong dong dạo phố, ngắm cảnh vật xung quanh, nhìn mọi người trò chuyện với nhau.
"Hạnh phúc xuất hiện ở ngay trong những điều nhỏ bé. Đôi khi mình chỉ cần được thấy cỏ cây, ngắm nhìn ánh nắng hoàng hôn chiếu qua khe cửa sổ, bỗng thấy cuộc sống có rất nhiều thứ đẹp đẽ hơn là những gì mình vẫn đang lo nghĩ", Dũng chia sẻ. "Hay trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì được sống thôi cũng đã là một niềm hạnh phúc rồi".
Tiền có thể mua được hạnh phúc "tạm thời"
Bày tỏ rõ quan điểm của mình, Thúy Huyền (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng hạnh phúc của cá nhân cô gắn liền với tiền bạc.
Chia sẻ những suy nghĩ riêng của mình, Huyền cho biết: "Quan niệm hạnh phúc của mình là được ở cạnh những người mà mình yêu thương, có thời gian để chăm sóc họ và muốn như vậy thì mình phải có tiền để lo cho họ. Không có tiền rất là khổ, vì mình không thể giữ được những người thân bên cạnh mình khi họ chẳng may sa cơ lỡ vận hay ốm đau bệnh tật".
Đặc biệt, sau khi cả gia đình đều mắc Covid-19 ở cùng một thời điểm, Huyền cho hay, gia đình cô đã phải tốn một khoản tiền không hề nhỏ cho việc mua thuốc men điều trị, chưa kể đến những khoản tiền khác cần phải chi tiêu cho những sinh hoạt hằng ngày.
Vậy tiền có mua được hạnh phúc cho tất cả mọi người?
Tuấn Dũng (20 tuổi) chia sẻ hạnh phúc xuất phát ngay từ những điều nhỏ bé xung quanh nhưng mình cũng nên nhớ rằng, để có được những ngày tháng thảnh thơi dạo chơi, ngắm phố phường đó, bố mẹ đã phải lao vào kiếm tiền để có thể chu cấp cho con cái nơi ở, phương tiện đi lại, giúp chúng ta bớt đi phần nào gánh nặng về kinh tế.
"Mình mới 20 tuổi, ở độ tuổi mọi thứ vẫn còn đang bấp bênh, chưa có công việc ổn định nên vẫn phải phụ thuộc nhiều vào bố mẹ như thế này, mình thấy tiền có ảnh hưởng khá lớn đến hạnh phúc của mình. Chính vì vậy, nói tiền mua được hạnh phúc là không sai", Dũng tâm sự.
Bên cạnh đó, Hà Linh (trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) cũng chia sẻ thêm một góc nhìn khác: "Mình đã từng chứng kiến rất nhiều gia đình có điều kiện khá giả, thậm chí là dư thừa về mặt vật chất nhưng con cái của họ lại vô cùng buồn bã và cô đơn khi phải chứng kiến cảnh bố mẹ mình cãi vã, ly hôn. Khi đó, dù có rất nhiều tiền đi chăng nữa thì họ cũng không thể nào mua lại những khoảnh khắc sum vầy của một mái ấm gia đình được".
Có thể thấy, với mỗi người trong từng thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, tiền lại có sức ảnh hưởng riêng đối với hạnh phúc của họ. Không ai dám khẳng định rằng, tiền có thể mua được hạnh phúc nhưng cũng không hề phủ nhận rằng, tiền bạc phần nào đó giúp chúng ta có thể yên tâm hơn về cuộc sống của mình. Tiền không thể mua lại một khoảnh khắc đã trôi qua nhưng có thể khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn trong những giây phút sắp tới, việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn.
Trên đây là quan điểm của một số Gen Z về chủ đề này, còn ý kiến của bạn ra sao? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn bằng cách để lại bình luận phía dưới!