Đi dọc Việt Nam với những chuyến tàu an toàn

(Dân trí) - Nhiều người trong chúng ta chắc hẳn còn nhớ vụ tai nạn tàu E1 kinh hoàng xảy ra cách đây không lâu. Sản phẩm “Hiển thị và kiểm soát tốc độ đoàn tàu” của nhóm tác giả Trần Thị Thu Hương ra đời mang lại hi vọng những sự cố thương tâm như thế sẽ phần nào được kiểm soát.

Thạc sỹ Trần Thị Thu Hương, giảng viên khoa CNTT trường ĐHGTVT, người chịu trách nhiệm chính về sản phẩm đã bỏ ra 7 tháng ròng rã “đi dọc Việt Nam” để hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho sản phẩm hiển thị chính xác đến từng mét các thông số về tốc độ đoàn tàu.

 

“Đó là những ngày tháng không thể nào quên, cả nhóm đã đi bộ qua đèo Hải Vân để đo đạc, tính toán và nhập dữ liệu cho hệ thống. Chúng tôi phải trải qua những ngày tháng dầm dề dưới cái nắng chang chang và những cơn mưa bất chợt của miền Trung khắc nghiệt. Những chuyến áp tàu lên Tây Bắc cũng vất vả không kém. Bù lại sự vất vả đó, chúng tôi đã hoàn thành được tâm nguyện của mình trong việc hỗ trợ những người lái tàu của đường sắt Việt Nam. Với cá nhân tôi, những người lái tàu thực sự là những anh hùng” - Thạc sỹ Thu Hương xúc động tâm sự trong đêm nhận giải.

 

Bảy tháng thai nghén và xây dựng sản phẩm Hiển thị và kiểm soát tốc độ đoàn tàu là quãng thời gian quá ngắn để hoàn thiện một khối lượng công việc đồ sộ. Thạc sỹ Thu Hương cho biết, mong muốn của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội và nhóm nghiên cứu là hoàn thiện sớm sản phẩm ngày nào hay ngày đó. Đây thực sự là một cuộc chạy đua với thời gian để có những chuyến tàu an toàn. Khi sản phẩm chạy thử ổn định, nhóm nghiên cứu mới thở phào nhẹ nhõm.

 

Hai ngày trước khi hết hạn nộp sản phẩm dự thi Nhân tài đất Việt, họ quyết định gửi sản phẩm đến Ban tổ chức như một món quà dành tặng những người lái tàu. Bảy tháng “cùng ăn cùng ngủ” ròng rã với những chuyến tàu đã thu được kết quả xứng đáng. Tác giả Trần Thị Thu Hương và cộng sự đã vinh dự nhận giải 3 trong đêm chung kết cuộc thi Nhân tài đất Việt.

 

Sản phẩm này cung cấp cho người lái tàu những thông tin cần thiết để điều khiển đoàn tàu đi đúng bản đồ và lịch trình chạy tàu, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Hệ thống sẽ hiển thị các thông số như vận tốc cho phép, vận tốc thực tế của đoàn tàu, vận tốc cho phép của điểm kế tiếp, khoảng cách đến điểm thay đổi vận tốc kế tiếp, thời gian quy định của hành trình… So với hộp đen được trang bị sẵn trên các đoàn tàu, thiết bị này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn. Hệ thống này có độ tự động hóa cao, có khả năng đưa ra những cảnh báo cho lái tàu khì vượt quá vận tốc cho phép. Nếu sau 5 giây lái tàu không giảm tốc độ, hệ thống sẽ tự động cấp tín hiệu ngắt hệ thống truyền lực, nếu vận tốc đoàn tàu vẫn không giảm, hệ thống này sẽ gửi thông tin đến bộ phận hãm và tự động dừng đoàn tàu.

 

Hệ thống này hoạt động dựa trên bản đồ số của đường sắt Việt Nam thông qua kết nối GPS với vệ tinh và một thiết bị gắn với đầu trục của đoàn tàu. Khi tàu đi qua hầm hoặc mất tín hiệu GPS hệ thống đọc trực tiếp trên đầu trục sẽ hoạt động và tiếp tục cung cấp các thông tin cho hệ thống.

 

Một trong những ưu điểm của sản phẩm này là khả năng lập báo cáo chi tiết bản đồ chạy tàu, hệ thống sẽ liệt kê và báo cáo những vi phạm về tốc độ nhanh chóng và chính xác với đầy đủ chi tiết như vận tốc, lý trình, thời gian, tên lái tàu, số hiệu đoàn tàu… Chỉ cần vài ba phút, tại Trung tâm điều khiển của Đường sắt Việt Nam có thể dễ dàng kiểm tra toàn bộ hành trình của một đoàn tàu bất kỳ với đầy đủ các thông tin về vận tốc, lý trình, thời gian chạy tàu…

 

GS. VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng chung khảo, khi đến thăm Xí nghiệp đầu máy Hà Nội đã xúc động nói: “Đến đây tôi mới hiểu hết những việc các bạn đã làm được, trong sản phẩm gửi đến Ban giám khảo các bạn chưa nói hết được những điều này. Hệ thống tuy không mới về mặt công nghệ nhưng các bạn đã nắm bắt và ứng dụng vào thực tế cuộc sống một cách hiệu quả. CNTT không hẳn là những đề tài to tát, cao siêu, nó là một phần của cuộc sống”.

 

Trần Đức - Bảo Trung

Dòng sự kiện: Nhan tai dat Viet