5 sản phẩm di động tranh giải Nhân tài Đất Việt 2015

Đúng 8 giờ 45 phút sáng 18/11, các tác giả của 5 sản phẩm CNTT Ứng dụng trên thiết bị di động đã bước vào vòng phản biện bảo vệ sản phẩm trước hội động Giám khảo để “phân cao thấp”. Không khí tại hội đồng chấm rất sôi nổi và gay cấn với những […]

Đúng 8 giờ 45 phút sáng 18/11, các tác giả của 5 sản phẩm CNTT Ứng dụng trên thiết bị di động đã bước vào vòng phản biện bảo vệ sản phẩm trước hội động Giám khảo để “phân cao thấp”. Không khí tại hội đồng chấm rất sôi nổi và gay cấn với những màn hỏi đáp giữa giám khảo và thí sinh.

Chủ trì Hội đồng chấm Chung khảo các sản phẩm CNTT ứng dụng trên di động là Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy – Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ đại học Quốc gia Hà Nội, cùng với sự tham gia của ông Lê Hồng Hà – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Long, Tổng thư ký hội tin học Việt Nam; ông Hoàng Quốc Lập – Viện trưởng Viện tin học nhân dân; Tiến sĩ Phùng Văn Ổn – Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam; ông Đặng Mạnh Phổ – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV); ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM.

Mỗi nhóm thí sinh sẽ có 45 phút vừa trình bày và bảo vệ trước hội đồng Ban giám khảo gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin – truyền thông.

“Mở màn” đầu tiên là sản phẩm “Ứng dụng Học tiếng Anh trực tuyến cho thiết bị di động thông minh: Tiếng Anh 123” của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hãy trực tuyến. Đại diện duy nhất – trưởng nhóm Nguyễn Hòa Bình rất tự tin một mình chuẩn bị, giới thiệu, demo và bảo vệ sản phẩm trước Hội đồng Giám khảo.

5 sản phẩm di động tranh giải Nhân tài Đất Việt 2015 - 1

Anh Bình demo sản phẩm trên smartphone.

Theo anh Bình, mục tiêu của công ty khi tạo ra sản phẩm là giúp mang những bài giảng chất lượng cao để người Việt Nam hòa nhập với chuẩn Tiếng Anh ngay từ ban đầu. Sản phẩm đã đón nhận hơn 8000 lượt truy cập và doanh số hơn 1 triệu USD/1 năm. Với sự bùng nổ của thiết bị di động, công ty đã phát triển Tiếng Anh 123 trên thiết bị này. Ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến dành cho các thiết bị di động giúp người học có thể sử dụng được tính năng ghi âm trên các thiết bị di động và vẫn có thể truy cập học tiếng Anh trên web Tienganh123.com.

Với sự trình bày rất tự tin, tạo hứng thú cho người nghe, trưởng nhóm Tiếng Anh 123 đã nêu bật được ưu điểm vượt trội thực sự của sản phẩm này so với các sản phẩm cùng loại khác trong nước cũng như trên thế giới. “Ngay cả thế giới cũng không có phần mềm nào cho phép học sinh có thể ghi âm luyện nói và gửi cho giáo viên chấm trực tuyến”, anh Bình nói.

“Công nghệ ở đây có gì nổi trội?” giám khảo Phùng Văn Ổn hỏi. “Ứng dụng là mở, vừa lấy tính năng ghi âm của smartphone với dữ liệu mở trên server. Luôn luôn có khả năng dự phòng và để cho ứng dụng này phát triển”, anh Bình trả lời. Anh cũng thú thật rằng, “điểm yếu của sản phẩm này là kết nối mạng”.

5 sản phẩm di động tranh giải Nhân tài Đất Việt 2015 - 2

Giảm khảo trao đổi về sản phẩm cũng rất sôi nổi.

Là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử, giám khảo Nguyễn Thanh Hưng lại quan tâm tới đối tượng người dùng mà sản phẩm này nhắm tới. Thí sinh Bình cho biết: “Hiện nay thị trường khách hàng chính của sản phẩm là những người đi làm sau đó đến sinh viên, phụ huynh mua cho học sinh. Tôi tin rằng 3 năm tới sẽ có sự dịch chuyển phụ huynh mua cho con em”.

Giám khảo Nguyễn Thanh Thủy hỏi “có giải pháp học tiếng Anh qua bài hát và kiểm tra chuẩn ngữ âm không? “Sản phẩm mới chỉ kiểm tra về phát âm chưa kiểm tra được ngữ điệu”, anh Bình trả lời. Mặt khác, anh Bình cũng rất thẳng thắn chia sẻ các điểm Tiếng Anh 123 chưa làm được và những gì đã làm được. Các thông tin được nói như nằm lòng trong tay và không vòng vo trả lời hết các những băn khoăn của Ban Giám khảo.

Giám khảo Nguyễn Long cho rằng, tác giả nên đơn giản hóa việc thanh toán và mong muốn làm thế nào nhóm có thể bức phá sản phẩm này trong lĩnh vực App dành cho di động. “Nhìn chung, sản phẩm của nhóm khá hữu ích nhưng cần tập trung hơn vào mô hình kinh doanh, giản tiện phương thức thanh toán và công nghệ”, Giám khảo Thủy kết luận.

Chia sẻ sau buổi bảo vệ, anh Bình cảm thấy khá bất ngờ trước những câu hỏi hóc búa của Ban Giám khảo. Chẳng hạn như câu hỏi làm thế nào để App bùng nổ của tiến sĩ Nguyễn Long hay về phương thức thanh toán… Anh Bình chỉ khiêm tốn hy vọng: “giành được giải Ba là hạnh phúc rồi”.

Sản phẩm tiếp theo là “Mạng giao thông vận tải piiship” của nhóm tác giả Phùng Khắc Huy (Trưởng nhóm) , Huỳnh Văn Ngọc, Hải Trần Minh, Khang Kiều Anh Huy.

Giải pháp của nhóm đưa ra là tạo một mạng giao dịch vận tải kết nối những người cần chuyển hàng với những người cùng di chuyển trên đoạn đường (tài xế) đó để giúp chuyển hàng và tận dụng đoạn đường di chuyển nhằm giảm lưu lượng giao thông, giảm giá thành… Hiện piiship được cung cấp miễn phí cho người sử dụng nhằm mục đích tạo ra cầu nối giữa người có nhu cầu chuyển hàng và người có thể tham gia dịch vụ chuyển hàng. Người sử dụng chỉ trả 1 chi phí cố định (hiện tại là 2.000 VND) khi nhận giao đơn hàng.

5 sản phẩm di động tranh giải Nhân tài Đất Việt 2015 - 3

Các tác giả nhóm Piiship demo sản phẩm

Không may mắn lắm khi đang bảo vệ thì bị gián đoạn kết nối máy chiếu nhưng chỉ mất vài phút xử lý, trưởng nhóm Phùng Khắc Huy lại bắt nhịp lại việc giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, so với nhóm trước, trưởng nhóm hơi run khi trình bày. Điều này cũng dễ hiểu và đây không phải nhóm duy nhất cảm thấy điều này khi đứng trước hội đồng Giám khảo gồm các chuyên gia lão luyện trong ngành.

Câu hỏi đầu tiên Giám khảo Nguyễn Thanh Hưng cho rằng: “ Một trong những trợ ngại lớn nhất cho thương mại điện tử liên quan tới hàng hóa hữu hình chính là chuyển phát, hiện sản phẩm chưa đi vào thương mại hóa nhưng nếu triển khai thì phạm vi địa lý là gì?

2.JPG
Các Giám khảo chăm chú nghe thí sinh trình bày sản phẩm.

“Tháng sau sản phẩm sẽ triển khai dùng thử tại Tp HCM và tiếp theo các tỉnh thành lân cận và Hà Nội, rộng khắp trên cả nước”, đại diện tác giả trả lời.

Trước câu trả lời này, ông Hưng thẳng thắn nói luôn là rất khó thành công khi triển khai liên tỉnh. Đây là mô hình kinh tế theo yêu cầu nên rất khó chuyển hàng giữa các tỉnh, chưa kể tới việc trả lại hàng vô cùng phức tạp mà nhóm chưa tính tới. Công nghệ thì có thể tiếp tục phát triển nhưng giải quyết tranh chấp chưa nói đến” giám khảo Hưng nhận xét. Ông Hưng cũng cho rằng đây là ý tưởng hay nhưng chưa tính tới các yếu tố kinh doanh. Tuy vậy ông Hưng cũng hứa hẹn sẵn sàng hỗ trợ và kết nối với các doanh nghiệp thương mại điện tử để sản phẩm có thể đi vào thực tiễn.

Piiship gợi nhớ tới “hình ảnh Uber” nên được các tác giả đánh giá khá cao vì rất tiện lợi cho người dùng điện thoại di động. Tuy nhiên, nhóm vẫn chưa tính tới độ tin cậy, an toàn của hàng hóa, trách nhiệm khi hư hỏng, vai trò của người vận chuyển rất quan trọng. Cho dù nhóm tác giả khẳng định những người được nhận giao hàng đều được piiship lựa chọn nên đảm bảo và nếu khi xảy ra tranh chấp mà hai bên không giải quyết được piiship sẽ đứng ra giải quyết. Tuy vậy, nhiều câu trả lời vẫn chưa thực sự thỏa đáng.

Chia sẻ sau khi bảo vệ, trưởng nhóm Phùng Khắc Huy cho biết: “Tham gia bảo vệ, nhóm đã nhận được nhiều ý kiến hữu ích của Hội đồng Giám khảo. Mục đích nhóm tham gia NTĐV ngoài giải thưởng còn mong nhận được những đóng góp xác đáng từ các chuyên gia. Dù nhóm rất tự tin về mặt công nghệ của sản phẩm nhưng khi triển khai thực tế còn nhiều vấn đề mà những đóng góp của Ban giám khảo sẽ giúp nhóm hoàn thiện thêm sản phẩm cũng như tiến tới thương mại hóa”.

Nhóm thứ ba là “Giải pháp cảnh báo an ninh TP-Safe” của Công ty cổ phần Techpal.

5 sản phẩm di động tranh giải Nhân tài Đất Việt 2015 - 5

Đại diện nhóm TP-Safe giới thiệu chức năng cảnh báo trên di động tới từng giám khảo.

“Giải pháp của nhóm giúp giao lưu kết bạn chia sẻ thông tin an ninh, an toàn cũng như trợ giúp nhau trong các tình huống khẩn cấp, qua đó triển khai dịch vụ bảo vệ ứng cứu khẩn cấp 24/24 trên cơ sở hợp tác với một số công ty bảo vệ ở các địa bàn khác nhau. Trên điện thoại, người trợ giúp có thể xác định được vị trí người gặp nạn ở đâu để đến xử lý một cách nhanh nhất”, đại diện nhóm tác giả Trần Văn Trường cho biết.

Là giám khảo đã tham gia khảo sát sản phẩm này, ông Phùng Văn Ổn nhận xét: “Ý tưởng sản phẩm rất hữu ích trong bối cảnh xã hội bây giờ, cảnh báo cho người bị nạn, gia đình. Công ty đã có truyền thống nghiên cứu nhiều cảnh báo như báo cháy từng được đưa vào Chung khảo NTĐV. Đây là nhóm chuyên nghiên cứu các giải pháp tương tự như thế này. Đưa lên smartphone rất phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy nhiên về mặt thực tiễn khi khảo sát thì vị trí báo chỉ tương đối chứ chưa chính xác lắm. Nhưng cũng đã có báo được sự cố ở khu vực đó”.

Ông Ổn cũng góp ý nhóm tác giả làm thế nào để giải pháp sao cho thuận tiện hơn. Hiện tác giả cảnh báo bằng rung lắc hoặc nhấn nút power liên tục là những thao tác đơn giản nhưng khi rơi vào các tình huống khẩn cấp, tâm lý mọi người thường hoảng loạn nên nhóm cần nghiên cứu thêm các giải pháp để phát cảnh báo, chẳng hạn khi xảy ra sự cố điện thoại bị văng ra thì có cảnh báo được không. Mô hình kinh doanh App này miễn phí và doanh thu từ quảng cáo. Nhóm vẫn chưa nói rõ được lợi ích kinh doanh nên chưa nêu bật được tiềm năng phát triển thực sự.

Điều quan trọng nhất trong cảnh báo là nhanh và chính xác. Thầy Thủy đánh giá sản phẩm khá tốt vì đáp ứng nhu cầu nhưng cần quan tâm đến đối tượng sử dụng, mô hình kinh doanh, phải tiện lợi cho người sử dụng, có cách nào đó cho phù hợp nhất vì bấm nguồn không phù hợp với người già mà có khi họ thích đập đập vào smartphone. Do đó, nhóm cũng nên đưa ra nhiều giải pháp hơn nữa.

4.JPG
Thỉnh thoảng các giám khảo cũng trao đổi riêng với nhau về sản phẩm bảo vệ.

Tiếp đến, nhóm tác giả Lê Yên Thanh (trưởng nhóm), Phạm Việt Khôi, Nguyễn Hải Đăng,Tô Hữu Quân Phạm, Minh Thái Phạm, Nguyễn Sơn Tùng, Trần Minh Triết, sinh viên năm thứ 4 đến từ trường đại học Khoa học tự nhiên thành phố HCM với sản phẩm “Busmap- xe buýt thành phố”

“Giải pháp của nhóm giúp người dùng tra cứu thông tin về xe buýt nhanh và chính xác nhất trên di động. Cụ thể, người dùng có thể tìm kiếm đường đi thông minh hơn; Xem thời gian chờ xe buýt theo thời gian thực; Tính năng cập nhật dữ liệu trực tuyến, giúp bạn luôn có được dữ liệu xe buýt mới nhất hằng ngày. Trên Android, sản phẩm của nhóm hiện có trên 55.000 lượt tải và chủ yếu là người dân thành phố HCM. Sắp tới, số lượng người dùng chắc chắn sẽ tăng”, trưởng nhóm Lê Yên Thanh chia sẻ.

5 sản phẩm di động tranh giải Nhân tài Đất Việt 2015 - 7

Tác giả Lê Yên Thanh giới thiệu sản phẩm Busmap- xe buýt thành phố.

Sản phẩm này hướng tới cộng đồng và thực sự mang rất hữu ích khi triển khai được. Vì vậy, hội đồng giám khảo muốn tìm hiểu kỹ hơn về những thứ nhóm đã làm được nhưng đại diện tác giá trả lời chưa rõ.

“Rất hoan nghênh sản phẩm cho cộng đồng nhưng mong muốn có chiến lược mô hình kinh doanh. Một sản phẩm không được đầu tư liên tục và tái sản xuất thì sẽ không duy trì được” – Giám khảo Nguyễn Long nhận xét.

Giám khảo Thủy cho rằng: “sản phẩm có tính khả thi nhưng chưa biết cách trình bày để nêu bật được công nghệ và những chất xám đầu tư của nhóm. Muốn đưa vào thực tiễn phải tính tới những cập nhật động, sự cố, tình huống, thông qua các kênh thông tin như VOV. Một điểm nữa rất quan trọng là gây ấn tượng với cộng đồng để tăng giá trị gia tăng. Chẳng hạn dùng những từ gây ấn tượng chứ hệ sinh thái chưa gây ấn tượng lắm”.

Sản phẩm cuối cùng tham gia tranh tại tại Hội đồng Chung khảo chấm sản phẩm CNTT dành cho di động là “Ứng dụng cảnh báo cước điện thoại (whypay)” của nhóm tác giả Trần Long Tiến (trưởng nhóm), Nguyễn Đức Vinh, Trương Lê Thành, Nguyễn Hữu Thịnh Nguyễn Trường Thăng, Nguyễn Hải Đăng.

5 sản phẩm di động tranh giải Nhân tài Đất Việt 2015 - 8

Tác giả sản phẩm “Ứng dụng cảnh báo cước điện thoại (whypay)” bảo vệ sản phẩm.

Giải pháp của nhóm giúp người dùng di động quản lý lưu lượng, tài khoản, nạp tiền online, tối ưu chi phí điện thoại phải trả hàng tháng bằng cách gợi ý gói cước phù hợp nhất với nhu cầu.

Điều thích thú nhất của sản phẩm này là cảnh báo các dịch vụ chạy ngầm để không làm phát sinh cước. Nhưng thầy Thủy cho rằng: “Bản chất của sản phẩm này là về cước và dịch vụ. Bảo vệ khách hàng tránh nhưng khoản cước phát sinh không mong muốn, các em phải nêu rõ được điều đó. Làm sao trình bày ngắn gọn ra vấn đề, hưởnglợi gì từ những đóng góp cho cộng đồng. Phải có sự hợp tác chặt chẽ với nhà mạng để hợp nhất các chính sách nhằm bảo vệ được người tiêu dùng và thông tin đầy đủ với khách hàng. Tức là phải đứng trung lập và đáng tin cậy”.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Long cũng khuyên nhóm tác tả nên lấy một phần lõi của sản phẩm, làm một phiên bản càng nhỏ gọn, càng nhệ càng tốt. Như thế mới có khả năng bùng nổ lớn.

Nhìn chung, các thí sinh trình bày rất tốt và tự tin Hơn nữa, Hội đồng là những chuyên gia hàng đầu nên có điều kiện mổ xẻ, thậm chí có cả những lời bình, góp ý và định hướng cho sản phẩm cả về góc độ kinh doanh cũng như kỹ thuật. Mặt bằng chung của sản phẩm năm nay tốt và hy vọng sẽ chọn được giải Nhất”, thầy Thủy nhận xét sau buổi bảo vệ.

Những câu hỏi của Hội đồng Giám kháo cũng là những gợi ý gợi mở giúp thí sinh phát triển để sản phẩm hoàn thiện hơn và hữu ích hơn khi triển khai vào thực tiễn.

B.H (ảnh Quốc Dũng, Quốc Minh)