1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trung tâm thương mại Chợ Mơ: Không nhận bàn giao, khách hàng “tố” chủ đầu tư

(Dân trí) - Ngày 9/12, Công ty TNHH Đầu tư Tư nhân Vina (VPCapital) tổ chức họp báo công bố việc việc ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng mặt bằng khu Trung tâm thương mại (TTTM) Chợ Mơ do Công ty cổ phần Phát triển thương mại Vinaconex (VCTD) làm chủ đầu tư.

Theo thông tin phía VPCapital, ngày 16/7/2010, đơn vị này đã ký hợp đồng chuyển nhượng diện tích mặt sàn khu TTTM Chợ Mơ từ tầng 1 đến tầng 5 và tầng 5A theo hợp đồng số 33. Tổng diện tích nhận chuyển nhượng tạm tính là 21.122m2. Thời hạn bàn giao dự kiến là 1/10/2012.
 
Đến thời điểm 30/11/2013, VPCapital đã chuyển cho phía VCTD tổng số tiền gần 420 tỷ đồng – tương đương 70% giá trị hợp đồng được hai bên ký kết nhưng công trình vẫn chưa được bàn giao.  
Dự án Chợ Mơ cũng là hệ lụy trong một thời gian phát triển nóng thị trường bất động sản

Dự án Chợ Mơ cũng là hệ lụy trong một thời gian phát triển nóng thị trường bất động sản

Tại cuộc họp báo, phía VPCapital cho rằng phía VCTD bàn giao TTTM muộn so với tiến độ và có một số điều khoản chưa đúng theo hợp đồng nên họ chưa thể nhận bàn giao. Cụ thể là về chất lượng công trình không đảm bảo đúng như cam kết, VPCapital đã tố chủ đầu tư xây dựng công trình bị dột nước từ tầng 5 xuống tầng 1, kính nứt vỡ, trần ẩm mốc, thang máy chỉ được lắp đặt đến tầng 1 thay vì xuống tận tầng hầm... ảnh hưởng tới việc kinh doanh của người dân tại TTTM này.

Ông Thái Quốc Minh, tổng giám đốc VP Capital cho hay, việc dự án chậm bàn giao và chất lượng không đảm bảo gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, tăng nhiều chi phí phát sinh. 
 
Trong cuộc họp báo lần này không có sự tham gia của chủ đầu tư VCTD. Tuy nhiên, khi làm việc với báo chí chiều cùng ngày, lãnh đạo VCTD đã chia sẻ thiết kế dự án cùng một số văn bản pháp lý liên quan. Lãnh đạo VCTD cũng cho rằng tiến độ bàn giao công trình 1/10/2012 chỉ là dự kiến và từ tháng 6/2013, công trình đã được bàn giao cho VPCapital. 

Hiện quan điểm của cả hai bên vẫn là tiếp tục đàm phán để có thể nhanh chóng đưa đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, cả hai công ty đều đã thuê các luật sư đại diện đơn vị mình để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến nội dung được ký kết tại hợp đồng giữa hai bên.

Đáng chú ý, khách hàng của VPCapital là Công ty TNHH Đầu tư trung tâm thương mại Vina – nhà đầu tư thứ phát của dự án này đã có công văn viện dẫn hàng loạt lý do và đề nghị VinaCapital giảm số tiền 4 triệu USD và hỗ trợ lãi suất khoản tiền mà đơn vị này chậm thanh toán cho VinaCapital đối với khoảng thời gian giao chậm TTTM.

Như vậy, bản chất của vấn đề là sau khi nhận chuyển nhượng của chủ đầu tư VCTD, VinaCapital cũng đã chuyển nhượng lại dự án cho Công ty TNHH Đầu tư trung tâm thương mại Vina.

Vì vậy, sau khi Công ty TNHH Đầu tư trung tâm thương mại Vina yêu cầu giảm giá 4 triệu USD thì cũng chuyển tiếp đề xuất này đến với VCTD và khẳng định: Nếu VCTD và Công ty TNHH Đầu tư trung tâm thương mại Vina không thống nhất được với nhau thì tùy thuộc vào quyết định của khách hàng (tức Công ty TNHH Đầu tư trung tâm thương mại Vina) thì phía VinaCapital cũng buộc áp dụng theo quyết định này đối với VCTD.

Trên thực tế, việc chậm bàn giao hay không nhận bàn giao TTTM có liên quan gì đến những yêu cầu giảm giá bán tại dự án này – câu hỏi này vẫn đang được cân nhắc. Với những gì đang diễn ra, rất có thể cả VCTD và VPCapital sẽ phải gặp nhau tại tòa.

Sự việc này cũng 1 lần nữa cho thấy, những vụ tranh cãi, “tố” lẫn nhau giữa chủ đầu tư và khách hàng trong thời kỳ bất động sản khó khăn là khó tránh khỏi do sức ép từ tính thanh khoản, khả năng giao dịch trên thị trường kém. Đây cũng là hệ lụy suốt một thời gian phát triển nóng của thị trường bất động sản giai đoạn trước. 

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm