Cay giòn món dưa hành ngày Tết

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, công việc chuẩn bị đầu tiên cho mâm cỗ ngày Tết của mẹ tôi là muối dưa hành.

Loại hành tím củ vừa, đều tép, da căng cứng được mẹ chọn mua về, ngâm trong nước vo gạo hòa cùng nước tro bếp. Sau một ngày đêm, hành được mẹ tôi đổ ra, để ráo. Công việc của mấy chị em tôi là giúp mẹ cắt rễ, bóc vỏ hành. Lớp vỏ mỏng tang của hành được từ từ bóc ra, hành lộ một lớp thịt trăng trắng, căng mịn trông rất thích mắt. Mẹ dặn chúng tôi rễ hành chỉ cắt mám, chớ cắt sâu khiến hành dễ bị úng nước khi ngâm, hành ăn sẽ không còn giữ được mùi thơm nữa.

Dưa hành - một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình 

Dưa hành - một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của nhiều gia đình 

Hành sau khi đã bóc sạch vỏ, mẹ tôi cho vào chậu nước lạnh rửa qua rồi đem phơi nắng một ngày để hành săn lại. Kế đến, mẹ hòa chút muối vào chậu nước lạnh tiếp tục ngâm hành thêm một ngày nữa, đổ ra để ráo rồi sắp đều từng lớp vào trong âu.

Vị cay cay, thơm nồng 

Vị cay cay, thơm nồng của hành Tết sum vầy càng thêm đậm đà, trọn vẹn!                                  

Dung dịch nước ấm, đường, muối, dấm cũng đã được mẹ chuẩn bị xong, liền cho tất cả vào âu sao cho ngập mặt hành. Sau đó thì gài tấm tre lên giữ cho hành không bị nổi. Cuối cùng mẹ đậy nắp âu lại, đặt vào nơi cao ráo. Hai ngày sau mẹ tôi dã chút gừng, tỏi trộn đều cho vào hành.  

Trên mâm cơm tất niên, món dưa hành chín tới được mẹ tôi dọn ra, màu trắng hồng tự nhiên. Cùng với món thịt đông, bánh chưng xanh, xôi nếp... vị chua dịu, cay cay, thơm nồng của hành Tết sum vầy càng thêm đậm đà, trọn vẹn!                                  

X.Chi – K. Hồng 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm