Nhiều hệ sinh thái vùng bờ đang bị suy giảm mạnh

(Dân trí) - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tập huấn báo chí: Đầu tư cho các hệ sinh thái vùng bờ, tổ chức ngày 27/3, tại Đà Nẵng.

Hội thảo do Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường thuộc Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan: Tổ chức nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế, Ban thư ký Quốc tế của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Tổ chức Hướng tới minh bạch và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế tổ chức.

Nhiều hệ sinh thái vùng bờ đang bị suy giảm mạnh
Quang cảnh hội thảo

Theo hội nghị, trong 50 năm trở lại đây, Việt Nam đã bị mất khoảng 80% rừng ngập mặn, thậm chí có địa phương ven biển, rừng ngập ngặn bị “xóa sổ”. Trong đó, phong trào nuôi tôm và các dự án phát triển khu công nghiệp và đô thị là một trong những nguyên nhân nổi trội dẫn đến phá rừng ngập mặn.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quảng Ninh, Hải phòng là những vùng có diện tích rừng ngập mặn bị mất nhiều nhất. Những nguyên nhân khác dẫn đến việc mất rừng ngập mặn là chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển đất rừng sang đất nông nghiệp và đất xây dựng, chiến tranh tàn phá, khai thác củi đun…

Trong khi đó, gần 200 điểm rạn san hô được khảo sát ở dải ven biển Việt Nam cho thấy hiện trạng độ phủ của san hô trên các rạn không ở trạng thái tốt. Nhìn chung, độ phủ rạn san hô sống ở miền Bắc Việt Nam đã giảm khoảng 25 – 50%. Theo Viện tài nguyên Thế giới (2002) cảnh báo, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao. Nếu không có hành động tích cực và hiệu quả thì chỉ đến hết năm 2030 biển Việt Nam sẽ trở thành “thủy mạc”, không còn rạn san hô và cũng không còn tôm cá nữa.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với hệ sinh thái thảm cỏ biển, một trong những hệ sinh thái nhạy cảm và dễ tổn thương khi môi trường sống thay đổi.

Vậy giải pháp nào để phát triển bền vững vùng bờ, để giảm thiểu các các động bất khả kháng ngoài ý muốn của người dân, để thích ứng với một vùng bờ đang thay đổi nhanh chóng, để sinh kế của người dân địa phương ven biển được cải thiện? Đầu tư cho các hệ sinh thái vùng bờ biển được xem là giải pháp hữu hiệu và lâu dài. Đây cũng chính là đầu tư cho hạ tầng cơ sở và cho tương lai của vùng bờ.

Khánh Hồng