Nghệ An:

Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh bị truy thu hơn 1 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường

(Dân trí) - Một tháng kể từ ngày ký biên bản sai phạm xả thải ra môi trường, Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh bị Tổng Cục Môi trường truy thu hơn 1 tỉ đồng phí bảo vệ môi trường và bị xử phạt hành chính hơn 72 triệu đồng.

Vi phạm nối tiếp vi phạm

Trong văn bản làm việc ngày 11/8/2009 của Đoàn kiểm tra - Tổng Cục Môi trường nêu rõ: Năm 2005, do nhu cầu bia tăng cao, Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án đầu tư mở rộng đồng bộ dây chuyền sản xuất bia công suất 50 triệu lít/năm.

Nhưng sau đó báo cáo tác động môi trường (TĐMT) của dự án không được Hội đồng thẩm định của Bộ TN-MT thông qua do cộng đồng dân cư trong khu vực không đồng ý cho dự án mở rộng. Tuy nhiên, nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động với công suất 50 triệu lít/năm, cao điểm lên đến 70 triệu lít/năm.
Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh bị truy thu hơn 1 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường - 1
Biên bản làm việc ngày 11/8/2009 của Đoàn kiểm tra - Tổng Cục Môi trường

Trước đó, năm 2007, Cục Bảo vệ môi trường thuộc Bộ TN-MT đã kiểm tra và phát hiện nhà máy có 5 hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gồm: Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép trên 10 lần; Không thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo TĐMT được phê duyệt; Không có báo cáo TĐMT được phê duyệt đối với dự án nâng công suất lên 50 triệu lít/năm nhưng đã tiến hành lắp đặt và đưa công trình vào hoạt động; Quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định; Không lập hồ sơ đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại với Sở TN-MT Nghệ An.

Ngày 31/7/2009, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An tổ chức kiểm tra thực tế tại nhà máy; tiến hành khảo sát hiện trạng môi trường và tiếp xúc với nhân dân xung quanh khu vực đã có đơn tố cáo nhà máy bia gây ô nhiễm môi trường.
 
Kết quả kiểm tra như sau: Dự án nâng công suất nhà máy lên 50 triệu lít/năm chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo TĐMT; chưa thực hiện Đề án bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện chương trình giám sát môi trường không đúng quy định trong báo cáo TĐMT (25 triệu lít/năm).
 
Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh bị truy thu hơn 1 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường - 2
Nước thải chưa đạt chuẩn thải ra môi trường của nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh làm ô nhiễm môi trường, hàng trăm hộ dân xung quanh nhà máy gánh chịu.

Về nước thải: Tại thời điểm kiểm tra, nước thải của Công ty khoảng 900 m3/ngày được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải đã được cải tạo, sau đó chảy ra mương thoát nước Số 3 của thành phố Vinh. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện ở đáy phía bên ngoài bể kỵ khí UASB, Công ty đã thiết kế 02 hệ thống đường ống (tạm gọi là hệ thống Ngang và hệ thống Dọc bể) bằng kẽm đường kính 40 mm với mục đích thu hồi bùn từ hệ thống bể. Một đường ống được dẫn vào máy ép bùn công suất 1m3/h (rất nhỏ so với lượng bùn phát sinh) và 01 đường ống của hệ thống ống Dọc bể được nối với 01 ống cao su đủ dài có thể dẫn nước thải, bùn thải ra hố ga thu nước thải sau xử lý trước khi thải ra ngoài mương thoát nước Số 3...

Kết quả phân tích mẫu nước thải sau xử lý có các thông số ô nhiễm như sau: hàm lượng sunfua (S2-) = 7,95 mg/l, vượt 16,06 lần quy chuẩn kỹ thuật cho phép theo TCVN 5945: 2005, cột B với Kq=0,9 và Kf = 1,1 (QCVN); COD = 252 mg/l, vượt QCVN 3,18 lần; BOD5 = 88 mg/l, vượt 1,78 lần. Kết quả phân tích mẫu nước lẫn bùn thải có: COD vượt 120,2 lần; BOD5 vượt 86,5 lần,...

Về khí thải: Khí thải (chủ yếu là: Bụi, SOx, NOx....) phát sinh từ lò hơi đốt dầu FO và lò hơi đốt than. Hiện tại, lò hơi đốt dầu đang tạm ngưng hoạt động (chỉ được sử dụng khi lò hơi đốt than có sự cố); lò hơi đốt than mới được Công ty đầu tư từ tháng 8 năm 2008, có xử lý bụi bằng hệ thống lọc bụi Cyclon và xử lý khí thải bằng hệ thống dập bụi ướt với dung dịch hấp thụ là NaOH.

Tuy nhiên, tại khu vực xây dựng hệ thống xử lý nước thải có phát sinh mùi hôi thối, khó chịu và bị người dân xung quanh khiếu kiện kéo dài.

Về quản lý chất thải rắn: Công ty đã đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại với Sở TN-MT Nghệ An, nhưng việc chuyển giao cho các đơn vị không có Giấy phép hành nghề vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại là trái quy định về bảo vệ môi trường, không theo bộ Chứng từ chất thải nguy hại do Bộ TN-MT ban hành.

Các biện pháp khắc phục hậu quả

Cấm Công ty hoạt động xả nước thải, bùn thải không đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) ra môi trường; Buộc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh phải: Tháo gỡ và hàn bịt ngay toàn bộ hệ thống đường ống, van xả nước thải, bùn thải trái quy định, trước sự giám sát của Sở TN-MT tỉnh Nghệ An và các cơ quan có liên quan; Giảm công suất sản xuất (tối đa là 25 triệu lít/năm) để phù hợp với khả năng xử lý của hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt (QCVN); thực hiện quản lý chất thải nguy hại đúng quy định; quan trắc khí thải ống khói và chỉ được phép thải khí thải đạt QCVN ra ngoài môi trường và có biện pháp giảm mùi hôi phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải;
 
Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh bị truy thu hơn 1 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường - 3
Biên bản sai phạm của nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh nói lên rằng sai phạm nối tiếp sai phạm

Thực hiện ngay việc cải tạo, xây dựng bổ sung để nâng công suất và hiệu suất xử lý của hệ thống xử lý nước thải hiện hữu, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt QCVN. Hệ thống xử lý nước thải phải có đồng hồ công tơ đo điện riêng biệt, có nhật ký vận hành và được ghi, đo hàng ngày theo quy định hiện hành; hồ sơ thiết kế hệ thống thu gom và xử lý nước thải gửi về Tổng cục Môi trường để xem xét, đánh giá và chấp thuận trước khi xây dựng, cải tạo. Lập đề án bảo vệ môi trường đối với Dự án mở rộng, nâng công suất không có thủ tục về môi trường theo quy định.

Sau khi hoàn thành xây dựng và vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải, Công ty phải báo cáo Tổng cục Môi trường để kiểm tra và chỉ được phép đưa công trình vào vận hành chính thức khi đã có văn bản chấp thuận của Tổng cục Môi trường; chậm nhất là tháng 12/2009 sẽ đưa vào vận hành chính thức với công suất thiết kế.

Lắp đặt hệ thống đo lưu lượng và quan trắc liên tục, tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải như: pH, COD, cặn lơ lửng, amonia,... bảo đảm nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải. Hệ thống quan trắc này phải được kiểm chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành; trước khi lắp đặt phải báo cáo và gửi hồ sơ, hướng dẫn kỹ thuật của hệ thống về Tổng cục Môi trường và Sở TN - MT Nghệ An để xem xét, đánh giá, kiểm tra, giám sát quá trình lắp đặt, kết quả quan trắc của hệ thống phải phù hợp với kết quả phân tích mẫu nước thải thực tế theo tiêu chuẩn hiện hành. Cửa xả nước thải sau xử lý phải được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát theo quy định.
 
Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm