Lâm Đồng:
Người dân lao đao vì mùi hôi thối từ các cơ sở chăn nuôi
(Dân trí) - “Thối lắm, nhất là mùa mưa xuống, nước phân tràn ra ngoài chảy ra các rãnh nước, mùi hôi nồng nặc bốc lên chịu không nổi ” - đó là phản ánh của hầu hết các hộ dân xóm 7, xã Quảng Đức, thị trấn Đinh Văn (Lâm Đồng) về sự ô nhiễm của 3 hộ chăn nuôi gia súc trong khu phố.
Nhiều năm qua, 24 hộ dân sinh sống tại xóm 7, tổ dân phố Quảng Đức, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) khốn đốn vì mùi nước thải của các cơ sở chăn nuôi. Càng ngày các hộ chăn nuôi trong khu phố lại gia tăng thêm đàn gia súc, gia cầm khiến cho mùi hôi lại thêm “đậm đặc”.
“Hầu như các hộ chăn nuôi họ thải phân trực tiếp xuống đất, có hộ nuôi vịt khi lớp phân dày lên họ hốt đi và lấp đất lên trên rồi nuôi tiếp, có lấp đất lên thì lớp phân cũng đã ngấm xuống tầng dưới rồi. Còn có hộ nuôi heo dù không ảnh hưởng ra ngoài nhưng mùi thối, thì thối quá trời”, bà Phạm Thị Hiền (xóm 7, Quảng Đức) bức xúc cho biết.
Hầu hết các hộ chăn nuôi xả chất thải trực tiếp xuống đất gây ô nhiễm nguồn nước và bốc mùi hôi thối nồng nặc
Cụ Võ Thị Liễu (80 tuổi), mẹ bà Hiền ở Sài Gòn thỉnh thoảng về thăm con cháu cũng không kém phần bức xúc nói: “Đi qua xóm gì mà hôi thối không chịu được, nghe người dân cũng phản ánh nhiều, tôi về cũng thấy thế. Mong chính quyền giúp đỡ bà con con thoát khỏi ô nhiễm, để đảm bảo sức khỏe cho mọi người”.
Tương tự, gia đình ông Võ Văn Sinh (47 tuổi, xóm 7, Quảng Đức) nhà nằm sau cơ sở nuôi heo của một hộ nói: “Tôi sống ở đây hơn 20 năm, từ khi có các trại heo, trại vịt nơi đây mới ô nhiễm , xổ nước thải ra mương mùi hôi thối nồng nặc. Trước đây hồ nước trong nuôi cá được, giờ nước đen ngòm. Mỗi lần dẫn con ra ngoài chơi hay đưa con đi ăn mà ngang qua đây thì chịu không nổi”.
Ao nhà ông Sinh nước chuyển sang màu đen ngòm và bèo bám xanh mặt nước, không thể sử dụng được
Được biết, đa số các hộ dân trong xóm đều dùng nước giếng để sinh hoạt, hiện mới có số ít dùng nước máy. Với tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng trên nhiều hộ dân đã phải xây bể để hứng nước mưa dùng dần.
Ô nhiễm không khí, nguồn nước không những đang ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, nhất là trẻ nhỏ. Hiện tại trong xóm nhiều hộ dân còn đang thí điểm trồng rau sạch nhưng với tình trạng trên đe dọa đến nông sản sạch của bà con.
Tiêu biểu ông Bùi Văn Đằng (59 tuổi, khu phố Quảng Đức)- chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà): khi có đợt kiểm tra oan toàn thực phẩm, ông e ngại nguồn nước ô nhiễm trên sẽ ảnh hưởng đến những đám rau sạch trong vườn nhà mình.
“Đi qua đây là thấy nhà nào cũng đóng kin cửa, bởi hôi thối quá ai mà chịu được, mưa xuống mùi còn kinh khủng hơn. Nước giếng bây giờ thì hoàn toàn không sử dụng được”, ông Đằng chia sẻ thêm.
Tất cả người dân khu phố Quảng Đức (TT Đinh Văn) đều có mong muốn rằng, “các hộ dừng phát triển thêm và có cách xử lý nước thải ra môi trường tránh bị ô nhiễm, trả lại bầu không khí trong lành cho nhân dân”.
Hầu hết các ao hồ trong xóm nguồn nước đều bị ô nhiễm
Cuối tháng 9 năm 2014 các hộ dân tại khu phố Quảng Đức đã làm đơn kiến nghị tới UBND thị trấn Đinh Văn, phòng Tài nguyên môi trường huyện Lâm Hà về 3 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn, trong đó có một hộ là Tổ trưởng tổ dân phố, một trong những Đại biểu hội đồng nhân dân thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà).
Nhận được đơn kiến nghị, ngày 04/12/2014 , UBND TT Đinh Văn cùng phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Lâm Hà, đã xuống xác minh sự việc trên. Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng cũng xác nhận cơ sở chăn nuôi của 3 hộ trong quá trình chăn nuôi có mùi hôi, thối gây ô nhiễm môi trường cho nhân dân trong khu phố.
Đơn kiến nghị của 24 hộ dân xóm 7, Quảng Đức, thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà)
Ngay sau đó, cán bộ UBND thị trấn nhắc nhở và hướng cho các hộ chăn nuôi thực hiện một số giải pháp để xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời yêu cầu làm bản cam kết bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2014.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Trọng Thiềm - Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) - cho biết, đã cử cán bộ xuống đại phương kiểm tra và xác nhận có tình trạng như phản ánh trên. Hiện chưa có chế tài nào để xử lý vì các hộ chỉ căn nuôi nhỏ lẻ, không phải trang trại.
Trước mắt, UBND sẽ khuyên nhủ vận động các chủ cơ sở không phát triển gia tăng đàn gia súc, gia cầm. Thứ hai là yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện đúng bản cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường chung, xử lý chất thải chăn nuôi bằng các phương pháp sinh học.
Ông Nguyễn Thiên Tâm, cán bộ thị trấn Đinh Văn- người trực tiếp cùng đoàn đi kiểm tra xác minh phản ánh khẳng định: hiện 3 hộ chăn nuôi trong khu phố đã hoàn thành đúng bản cam kết, hạn chế gây ô nhiễm ra môi trường. Tuy nhiên khi phóng viên hỏi: tại sao 24 hộ dân vẫn phản ánh tình trạng ô nhiễm không thuyên giảm mà mùi hôi thối ngày càng nồng nặc hơn. Ông này không giải thích được lý do xác thực mà chỉ giải thích qua loa rằng “chăn nuôi mà, kiểu gì chả có mùi”.
Ngọc Hà