Hà Nam:

Hàng loạt các máng phao, máng rót hoạt động trái phép

(Dân trí) - Hiện nay, dọc tuyến sông Đáy thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam, hàng loạt các máng phao, máng rót mọc lên trái phép để vận chuyển đất đá và vật liệu. Hoạt động của các máng phao này gây ô nhiễm môi trường, cản trở dòng chảy sông Đáy, an toàn đê điều khiến những người dân sống xung quanh các khu vực này rất bức xúc.

Nhằm tạo điều kiện để khai thác lợi thế vận tải đường thủy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh vật liệu xây dựng ở dọc tuyến sông Đáy trên địa bàn huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã xây dựng các bến thủy (cầu cảng) hay còn gọi là máng rót, máng phao để tiện cho việc vận chuyển vật liệu ô tô đổ thẳng xuống thuyền, sà lan neo đậu sẵn.

Xe tải đổ đá xuống thuyền thông qua máng phao trái phép trên sông Đáy
Xe tải đổ đá xuống thuyền thông qua máng phao trái phép trên sông Đáy

Việc xây dựng các bến thủy, máng rót, máng phao này mặc dù rất tiện lợi cho việc vận chuyển của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng hầu như tất cả các bến này đều hoạt động trái phép. Việc các bến thủy, máng phao, máng rót này hoạt động gây ô nhiễm môi trường, cản trở dòng chảy sông Đáy, an toàn đê điều khiến những người dân sống xung quanh các khu vực này rất bức xúc.

Điểm tập trung nhiều máng phao, máng rót nhiều nhất phải kể đến đoạn sông Đáy thuộc địa bàn xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Các máng phao, máng rót tự phát được xây dựng chỉ cách nhau khoảng vài chục mét chạy dọc sông Đáy.

Hầu hết các máng phao đều trái phép, lấn chiếm lòng sông, ảnh hưởng dòng chảy và mất an toàn đê điều trên sông Đáy
Hầu hết các máng phao đều trái phép, lấn chiếm lòng sông, ảnh hưởng dòng chảy và mất an toàn đê điều trên sông Đáy

Từ các điểm khai thác đá, các xe tải bắt đầu chở vật liệu chạy thằng đến các máng phao, máng rót rồi đổ vật liệu thẳng xuống thuyền, sà lan đang đợi sẵn để chở đi các địa phương. Việc đổ đá thẳng xuống các thuyền đều phát tán ra một lượng lớn bụi ra môi trường xung quanh do các bến bãi, máng rót này hầu như không có máng chụp cũng như sử dụng giải pháp phun nước để hạn chế bụi.

Cùng với đó, các phương tiện vận chuyển đất đá từ các mỏ ra các bến bãi, cảng rót tự phát lại không có bạt che phủ, không đảm bảo đúng tải trọng nên cũng phát tán lượng bụi lớn. Mỗi một lần xe tải đổ đá từ xe xuống thuyền, sà lan trên các máng phao, máng rót khiến khu vực xung quanh bụi mù mịt.

Bị bụi bẩn, ô nhiễm “tấn công” nhiều hộ dân ở các thôn Nam Công, Tân Lập, xã Thanh Tân, phải dùng cách hạn chế bụi như mành, rèm, bạt, lắp cửa kính… thế nhưng đồ dùng, vật dụng trong nhà luôn được phủ một lớp bụi.

So với máng phao, máng rót gây ô nhiễm hơn
So với máng phao, máng rót gây ô nhiễm hơn

Ông Đinh Văn Tần, ở thôn Tân Lập, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm bức xúc: "Từ khi có cái máng rót, máng phao tự phát hoạt động, đổ đá gây bụi bặm, xe vận chuyển vật liệu xây dựng ra các máng rót ảnh hưởng đến nhà dân. Mỗi khi đổ đá mạt thì bụi bay vào trong nhà dân. Nhà dân nào cũng phải mua rèm, bạt để che các cửa sổ, cửa chính để hạn chế bụi bay vào nhà. Người dân chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng dẹp bỏ các máng rót tự phát này, chứ người dân ở quanh đây đều không thể chịu được.”.

Không những gây ra bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, các máng phao, máng rót này hầu hết đều xây dựng lấn chiếm lòng sông Đáy gây cản trở dòng chảy, mất an toàn đê điều.Ông Đinh Văn Tần, ở thôn Tân Lập

Ông Đinh Văn Tần, ở thôn Tân Lập bức xúc trước việc máng phao, máng rót trái phép mọc lên ở sông Đáy
Ông Đinh Văn Tần, ở thôn Tân Lập bức xúc trước việc máng phao, máng rót trái phép mọc lên ở sông Đáy

Theo số liệu thống kê của UBND xã Thanh Tân, hiện trên địa bàn xã Thanh Tân có 28 máng phao, máng rót của 18 công ty, hộ cá nhân. Trong đó có 2 công ty là công ty khai thác khoáng sản Nam Hà và công ty Ngọc Việt đã được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa do Cảng vụ đường sông cấp, nhưng giấp phép của công ty Ngọc Việt cũng đã hết hạn. Còng lại tất cả các máng phao, máng rót còn lại đều chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Hàng loạt các máng phao, máng rót hoạt động trái phép - 5

Nhà dân trước các máng phao, máng rót phải che bằng bạt tránh bụi bẩn
Nhà dân trước các máng phao, máng rót phải che bằng bạt tránh bụi bẩn

Trao đổi về vấn đề các máng phao, máng rót hoạt động trái phép trên địa bàn, ông Đinh Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: “UBND xã có ký hợp đồng cho các doanh nghiệp, cá nhân này thuê đất bờ sông Đáy để làm bãi chứa vật liệu xây dựng xuống đường sông với thời hạn đến hết năm 2016, và chỉ có 1 hợp đồng có thời hạn đến hết năm 2017 với số tiền thuê đất chỉ chưa đến 100 triệu đồng/năm với tất cả các doanh nghiệp, cá nhân. Những năm gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác, chế biến khoáng sản phát triển, tổ chức khai thác bằng máy móc nên sản lượng, sản phẩm ra nhiều, do vậy hình thành các máng phao máng rót. Trên địa bàn xã Thanh Tân có 26 máng rót tự phát hoạt động. Với sự hoạt động thường xuyên của các máng rót cùng với lượng xe vận tải lớn nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư".

Hiện nay, chỉ riêng trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã có 45 công ty, hộ cá nhân có cầu máng rót và bến bốc xếp dọc tuyến sông Đáy. Thế nhưng, hầu hết các cầu máng rót và bến bốc xếp này đều chưa có thủ tục để để mở bến hoạt động, chỉ hợp đồng thầu khoán thuê đất với UBND các xã, thị trấn.

Dù đã người dân đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam xử lý các máng phao, máng rót này. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi thì người dân vẫn tập phải sống chung với bụi bẩn.

Đức Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm