Đức hỗ trợ Việt Nam quản lý rừng bền vững

(Dân trí) - Phát triển các sản phẩm lâm nghiệp cần đi liền với bảo tồn hiệu quả tiềm năng sinh thái của quốc gia. Nhưng hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu trên 80% gỗ và gỗ xẻ cần cho nhu cầu nội địa do nước ta chủ yếu chế biến các sản phẩm thô.

Được sự tài trợ của Chính phủ Công hòa Liên bang Đức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Chương trình Lâm nghiệp Việt - Đức triển khai Dự án: Hỗ trợ Quản lý và Sử dụng rừng bền vững, Thương mại và Tiếp thị các lâm sản chính ở Việt Nam. Thời gian thực hiện từ năm 2005-2014 và được chia làm 3 giai đoạn. Với nguồn kinh phí hơn 12 triệu USD, dự án được thực hiện tại 5 tỉnh: Yên Bái, Quảng Bình, Kon Tum, Đắc Lắc và Ninh Thuận. Tổ chức GIZ và Bộ NN&PTNT đồng thực hiện.

Sáng nay, 19/8, Bộ NN&PTNT và tổ chức GIZ đồng tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Lâm nghiệp Việt - Đức. Chương trình được thực hiện trong 9 năm từ 9/2005-9/2014 nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả và tính bền vững của công tác quản lý rừng và ngành công nghiệp rừng tại Việt Nam với 3 hợp phần chính: quản lý rừng bền vững rừng tự nhiên; chế biến, thương mại và tiếp thị lâm sản chính; và tư vấn chính sách. Các hợp phần này cũng chính là 3 trong 5 Chương trình của Chiến lược Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020.

Tập huấn hướng dẫn khai thác rừng tác động thấp (Ảnh: H.X)
Tập huấn hướng dẫn khai thác rừng tác động thấp (Ảnh: H.X)

Đến nay, dự án đã hoàn thành cơ bản 4 mục tiêu: đề xuất thể chế chính sách phát triển rừng ở Việt Nam, hỗ trợ quản lý rừng bền vững, giúp nâng cao hiệu quả giá trị gia tăng trong chế biến gỗ, và đề xuất chính sách khai thác gỗ bền vững. Do đó, Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện đánh giá cấp chứng chỉ rừng bền vững và phát triển dịch vụ quản lý rừng.

Trong khuôn khổ hoạt động, Chương trình Lâm nghiệp Việt – Đức đã hỗ trợ thành công Công ty TNHH một thành viên lâm trường Dakto và Lâm trường Trường Sơn thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công Nghiệp Long Đạitại các tỉnh Kon Tum và Quảng Bình đạt được chứng chỉ toàn phần FSC/FM/CoC của Hội đồng Quản trị Rừng quốc tế (FSC). Lễ trao chứng chỉ diễn ra vào ngày 20/6/2014 tại Hà Nội. Đây chính là bài học kinh nghiệm để tiếp tục quản lý rừng bền vững gắn với chế biến gỗ và lâm sản ở Việt Nam.

“Thành công lớn nhất của Chương trình Lâm nghiệp Việt - Đức là đã tư vấn, hỗ trợ 2 công ty Lâm nghiệp xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC quốc tế và giúp họ đạt được chứng chỉ quản lý rừng tự nhiên bền vững FSC FM/CoC toàn phần. Đây cũng là 2 công ty Lâm nghiệp đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ FSC FM/CoC quốc tế trong quản lý rừng tự nhiên. Đó cũng là thành công của toàn ngành Lâm nghiệp Việt Nam” ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Giám đốc Chương trình Lâm nghiệp Việt – Đức cho biết.

Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cũng khuyến nghị rằng các công ty tiếp tục duy trì hoạt động QLRBV và chứng chỉ rừng FSC FM/CoC sau khi Chương trình kết thúc; mở rộng và chuyển giao mô hình QLRBV cho những công ty lâm nghiệp có tiềm năng; và lồng ghép thành quả của Chương trình vào Chương trình mới “Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam” – dự kiến khởi động vào Quý IV năm 2014, của Bộ NN-PTNT và GIZ để tiếp tục phát huy, phổ biến và nhân rộng.

Nguyên An