Đa số người trồng rừng vẫn nghèo
(Dân trí) - Người nông dân trồng rừng, sống dựa vào rừng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng, nhưng họ không có năng đàm phán giá sản phẩm, bị phụ thuộc vào thương lái nên luôn bị thua thiệt. Thu nhập bình quân rừng trồng mới chỉ đạt 7-8 triệu đồng/ha/năm.
Năm 2014, giá trị sản xuất lâm nghiệp ở Việt Nam đạt 23.900 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7,09 %, tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp trong giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 3,9%. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đã tăng 2 lần, từ 6 triệu m3 năm 2009 lên khoảng 16 triệu m3 năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 6,3 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2013, độ che phủ rừng năm 2014 đạt 41,5%...
“Đạt được kết quả này là do những năm gần đây nước ta biết phát huy được hoạt động của các doanh nghiệp lâm nghiệp, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế xã hội, góp phần vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế,” ông Phạm Văn Hạnh- Đại diện Vụ Quản lý Sản xuất Sâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết tại Hội thảo quốc tế kết nối các đối tác về rừng lần thứ tư do TƯ Hội Nông dân Việt Nam tổ chức khai mạc sáng 15/01 tại Hà Nội.
Theo ông Hạnh, mặc dù những người nông dân trồng rừng, sống dựa vào rừng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng, nhưng họ không có bất cứ khả năng nào trong việc đàm phán giá cả, giá của sản phẩm thường phụ thuộc vào thương lái và họ luôn bị thua thiệt do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, với mức bình quân chỉ khoảng 2,2 ha/hộ.
“Hiện nay, giá trị gia tăng của rừng còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng. Giá trị thu nhập bình quân rừng trồng mới chỉ đạt 7-8 triệu đồng/ha/năm. Đa số người dân làm nghề rừng còn nghèo, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% tổng thu nhập của hộ nông dân miền núi,” ông Hạnh nói.
Điều đáng nói là năng suất lao động trong chế biến lâm sản của Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 50% so với Philippines, 40% so với Trung Quốc và 20% so với các nước EU. Hơn nữa, chất lượng, mẫu mã sản phẩm của nước ta còn kém cạnh tranh; thị trường trong nước chưa được quan tâm đúng mức, chưa hình thành hệ thống phân phối, thiếu gắn kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn ra phổ biến…
“Gần đây, việc sử dụng gỗ từ rừng trồng hiệu quả thấp do mạnh ai người ấy làm, trong khi đó việc tổ chức sản xuất khai thác nguồn lợi từ đất rừng còn hạn chế. Tính trung bình 1 ha rừng trồng khai thác ở tuổi 5-6 năm, sau khi trừ chi phí thu được 30-40 triệu đồng, hiệu quả kinh tế thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác như sắn, mía....nên bà con trồng rừng cũng chưa mặn mà với việc trồng và bảo vệ rừng,” ông nhấn mạnh.
Nhằm hỗ trợ cho nông dân đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng bền vững, bảo đảm sinh kế, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tháng 4/2014 Hội Nông dân đã viết đề xuất ý tưởng gửi tới Chương trình Hỗ trợ Phát triển Rừng và Trang trại (FFF) của Tổ chức Nông lương của Liên Hợp quốc (FAO). Đến nay FAO đa chấp thuận và chọn Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đối tác thực hiện chương trình.
Bà Sophie Grouwels, đại diện của FAO cho biết, Chương trình FFF có nguồn tài trợ đến từ nhiều chính phủ như Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Mỹ và tổ chức Agricord. Chương trình FFF có ngân sách 500,000 USD/ mỗi quốc gia trong 3 năm. Tại Việt Nam, chương trình sẽ tập trung vào một số tỉnh, thành ở miền núi phía Bắc và miền Trung để rà soát và giúp các hộ nông dân và những người trồng rừng nhỏ lẻ phụ nữ, người dân tộc thiểu số, cộng đồng sống dựa vào rừng để cải thiện sinh kế thuộc diện nghèo.
Sự kết hợp giữa rừng và trang trại sẽ giúp làm đa dạng hóa vấn đề sinh kế. FFF muốn tạo ra sự thay đổi giữa các nhà sản xuất nông dân và tổ chức các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành nhóm, tổ, đội sản xuất để đem lại giá trị cộng thêm cho họ, để họ có thể tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và đưa ra quyết định, đồng thời tổ chức cho những người sản xuất trang trại tăng cường tiếng nói, tư vấn cho họ về kinh doanh, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; trao đổi thông tin, tham gia vào phần cung của thị trường...
Nguyên An