Cảnh báo từ những công nghệ đốt rác chưa được kiểm định

(Dân trí) - Năm nay, 1/10 là ngày Định cư Thế giới (World Habitat Day). Chủ đề World Habitat day của năm nay là Quản lý chất thải rắn đô thị với khuyến nghị “Thành phố ứng xử khôn ngoan với rác thải” (Waste-Wise Cities). Chôn lấp hay đốt rác đang là câu hỏi gấp gáp cần giải đáp hiện nay…

Báo cáo “Tổng quan Chất thải rắn Việt Nam” do Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng và cơ quan tư vấn phát triển Nhật Bản (JICA) thực hiện cho thấy, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại Việt Nam là 15, 618 triệu tấn (2015). Trong đó, 77,5% chất thải được chôn lấp, 22,5% còn lại được tái chế và đốt.

Theo một thống kê khác, lượng rác thại tại Việt Nam là hơn 27,8 triệu tấn. Năm 2016, cả nước có 660 bãi chôn lấp có quy mô từ 1 ha trở lên, trong đó có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Trong khi sản lượng rác ngày một lớn thì các bãi chôn lấp khó mở rộng. Hầu hết các bãi rác đang gây ô nhiễm đất, nước và không khí, ảnh hưởng lớn tới người dân địa phương.

Chỉ tính riêng TPHCM và Hà Nội, tổng lượng rác thải đã là 8.000 tấn/ngày trong năm 2017, đến 2018, con số này đã là 15.000 tấn/ngày.

Nhiều địa phương trên cả nước đang “khủng hoảng” nơi chôn lấp, phải tính đến chuyện đốt rác. Thành phố Hà nội đầu tư 700tỷ đồng nhập khẩu nhà máy đốt rác từ Nhật Bản, đặt tại bãi rác Nam Sơn, công suất đốt 75 tấn/ ngày, đêm, phát ra 75 mW điện/giờ. Thành phố cũng dự định xây dựng nhà máy điện rác mới tại đây, nâng công suất đốt lên mức 4.000 tấn rác/ngày đêm, nhà máy Núi Thông, công suất 500 tấn/ngày đêm, mức đầu tư 1.800 tỷ đồng…

TPHCM hiện đang nghiên cứu làm nhà máy đốt rác 1.000-2.000 tấn/ngày. Năm 2017, Cần Thơ khởi công xây dựng nhà máy điện rác công suất 400 tấn /ngày, do đối tác Trung Quốc thực hiện, đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Được biết Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cho doanh nghiệp Trung Quốc vay100 triệu USD để xây dựng các NM điện rác tại các đô thị lớn ở ĐBSCL.

Tỉnh Hải Dương cũng liên danh với đối tác Trung Quốc để lập dự án nhà máy điện rác công suất 500 tấn rác/ngày đêm, trị giá 1.025 tỷ đổng.

Năm 2017, cũng các doanh nghiệp Trung Quốc khởi công nhà máy điện ráccông suất 1.000 tấn/ngày đêmtại Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, trị giá 2.100 tỷ đồng, nhà máy tại Thanh Hoá công suất 1.000 tấn/ngày đêm, phát điện và sản xuất 25.000 m3 gạch không nung, trị giá 2.100 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành 2019).

Ngoài ra, theo Tổng cục môi trường - Bộ TN&MT, đến cuối năm 2016 cả nước có khoảng 200 lò đốt rác, đa số là các lò đốt công suất < 500kg/giờ. Các lò đốt rác công suất nhỏ được bỏ qua yêu cầu kiểm soát khí thải.

Rất nhiều lò đốt rác nhỏ sử dụng tại một số địa phương như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Nam Định, Bắc Giang... là loại NFI-05 công nghệ Nhật Bản, sản xuất tại Thái Lan, công suất 8-10 tấn rác/ngày, kinh phí đầu tư 2-3 tỷ đồng. Các lò đốt này đang hoạt động nhưng chưa được kiểm định đầy đủ.

Cảnh báo từ những công nghệ đốt rác chưa được kiểm định - 1

Lò đốt NFI-05 tại Thổ Tang,Vĩnh Tường Vĩnh Phúc năm 2014 và 2016
Lò đốt NFI-05 tại Thổ Tang,Vĩnh Tường Vĩnh Phúc năm 2014 và 2016

Tại Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua sử dụng lò đốt GFC Sankyo NFi 05 đã được Hội đồng thẩm định công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.

Trên cơ sở đó, năm 2014, Bộ này có văn bản nêu nhận định: “Lò đốt chất thải rắn GFC-Sankyo NFi-05... sử dụng công nghệ đốt chất thải rắn sinh hoạt bằng không khí đối lưu tự nhiên... là một giải pháp phù hợp để xử lý rác thải sinh hoạt có quy mô nhỏ tại khu vực nông thôn, thay thế cho việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện còn phổ biến là chất đống lộ thiên, chôn lấp đơn giản, gây ô nhiễm môi trường và gây mất cảnh quan”.

Tuy vậy văn bản này cũng cho biết, lò đốt không có thiết bị xử lý khí thải độc hại phát sinh trong quá trình đốt và ghi nhận lò đốt chưa hoàn thiện về công nghệ.

Thực tế thì người dân Thổ Tang sau đó vẫn phải tiếp tục mang rác đi chôn vì không thể sử dụng lò NFI-05

Tại Cần Thơ, nhà máy của Trung Quốc có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ TN&MT phê duyệt năm 2017. Căn cứ vào tài liệu này, Cần Thơ đang theo dõi, kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn môi trường của nhà máy nhưng không có thông tin đề cập việc xử lý khí thải độc hại phát sinh trong quá trình đốt rác cũng như ý kiến của Bộ KH-CN về công nghệ áp dụng.

Còn ở Hải Dương, khi quyết định làm nhà máy đốt rác, tỉnh này yêu cầu đối tác Trung Quốc trong vòng 6 tháng phải tự hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường, đất đai, bổ sung Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng, nghĩa là phải tự lo thủ tục từ A đến Z…

Gần đây nhất, ngày 26/8/2018, khi đến thăm nhà máy điện rác Quản Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho các bộ cùng tỉnh Quảng Bình đánh giá về tiêu chuẩn công nghệ, môi trường của nhà máy, để nhân rộng nếu hoạt động thành công.

Mối lo ngại ô nhiễm đất, nước từ các khu chôn lấp rác thải chuyển thành ô nhiễm không khí vì khí thải độc hại do xử lý rác bằng phương pháp đốt là hiện hữu. Người dân vẫn mong chờ sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước.

KTS Trần Huy Ánh