ĐBSCL:

“Biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên liên ngành”

(Dân trí) - Nếu nước biển dâng lên 1m thì cả Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ ngập 37,8%. Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Thục (Viện Khí tượng, Thủy văn và Môi trường) trong “Diễn đàn Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL”.

“Biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên liên ngành” - 1
Vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên liên ngành.
 
Diễn đàn do Quỹ Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức tại tỉnh Kiên Giang ngày 23/6.

Theo PGS.TS Trần Thục, những năm qua BĐKH ở Việt Nam diễn ra khá phức tạp, làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Dự báo, nếu nước biển dâng 1m (năm 2100) thì ĐBSCL ngập 37,8%. Trong đó Vĩnh Long ngập 10,6%; TP.Cần Thơ ngập 16,6%; Hậu Giang ngập 79,4%; Sóc Trăng ngập 47,4%; Bạc Liêu ngập 44,3%; Kiên Giang ngập 64,7%; Cà Mau ngập 52,4%...Chính vì thế, cần phải lồng ghép vấn đề BĐKH vào các kế hoạch phát triển.

Vì vậy, PGS.TS Trần Thục cho rằng: “Cần xác định Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một vấn đề ưu tiên liên ngành và cần có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức xã hội khác để tìm ra những giải pháp hợp lý trong việc thích ứng với BĐKH trong thời gian tới”.

PGS.TS Thục đưa ra một số giải pháp, trong đó xác định và lựa chọn các điểm khởi đầu phù hợp cho việc lồng ghép là điều rất quan trọng. Một số điểm khởi đầu tiềm năng như: quy hoạch sử dụng đất, chiến lược phòng chống thiên tai, thiết kế cơ sở hạ tầng…

“Thay vì cần xây dựng các giải pháp ứng phó mới, BĐKH chỉ đòi hỏi thực thi các giải pháp đã có, các ưu tiên về phát triển và bảo vệ môi trường. Hầu hết các giải pháp này đều đã có trong kế hoạch quốc gia, kế hoạch ngành nhưng chưa được thực hiện”- PGS.TS Thục nói.

Trong vấn đề thích ứng với BĐKH, thì TS. Geoffrey Blate (Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên -WWF) cho rằng, khu vực ĐBSCL là một trong những khu vực có hệ sinh thái lớn nhất thế giới, chính sự đa dạng của các hệ sinh thái này mà chúng ta cần “dựa vào nó” để thích ứng với sự BĐKH. “Cái gì có rồi thì bảo tồn, còn cái gì mất đi thì phải phục hồi lại”- ông nói.

Theo GS.TSKH Lê Huy Bá và Thạc sĩ Thái Vũ Bình (Viện KHCN và Quản lý Môi trường- ĐH Công nghiệp TP.HCM), thì nếu nước biển dâng đồng nghĩa với việc đất ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn, đất trồng lúa bị mất; nhiều vùng đồng bằng nước ngọt hiện nay trở thành vùng nước lợ…sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của vùng.

Đại diện ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng đưa ra một số giải pháp như: xây dựng hệ thống hồ điều hòa giữ nước ngọt, chống mặn mùa khô, giảm ngập mùa lũ ở ĐBSCL. Cùng với nhiệm vụ tích trữ nước, các hồ chứa có thể được sử dụng kết hợp với du lịch sinh thái và phát triển nguồn lợi thủy sản, điều hóa không khí cho vùng.

Bên cạnh đó, cần liên kết chặt chẽ với Ủy hội sông Mê Kông, với các quốc gia Đông Nam Á khác bảo vệ vùng biển và hải đảo. Ngoài ra, việc liên kết chặt chẽ giữa 13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL cũng là yếu tố mang tính sống còn.
 
“Biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên liên ngành” - 2
Nếu nước biển dâng 1m thì DDBSCL sẽ ngập khoảng 37,8%.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, thì các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) lại có vai trò quan trọng trong giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.

PGS.TS Trí cho rằng, các khu DTSQ sẽ giảm bớt sự căng thẳng của các thành phố đang đối diện với những thay đổi kinh tế-xã hội toàn cầu; Góp phần giảm nhẹ thiên tai ở những nơi mà cộng đồng dân cư đang phải gánh chịu hay bị đe dọa; Các hoạt động giáo dục ở khu DTSQ đều gắn với việc cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư nông thôn, điều này sẽ góp phần giảm thiểu nạn thất học, bỏ học, mù chữ và bất bình đẳng…

Khảo sát của TS. Thái Thành Lượm- Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, cho thấy các hệ sinh thái tự nhiên trong vùng biển và ven biển Tây Nam Việt Nam phong phú và đa dạng có vai trò quan trọng bảo vệ môi trường cho vùng này. Tuy nhiên, các hệ sinh thái cũng gặp những mối đe dọa từ BĐKH và nước biển dâng.

Vì thế, theo TS. Lượm cần phải xây kịch bản và kế hoạch hành động đối phó; Đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng mới các trạm, nâng cao nhận thức cho cộng đồng; Khôi phục đai rừng ngập mặn từ 20m lên 500 m đến 1000m; Xây dựng mô hình nhà ở thích nghi; Xây dựng dự án Quốc tế về đầu tư khôi phục lại các khu hệ thực vật và động vật hiện có cũng như bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện môi trường cho các hệ sinh thái đặc thù.

Huỳnh Hải