Biến đổi khí hậu đe dọa tăng trưởng kinh tế của quốc gia

(Dân trí) - Theo dự báo, đến năm 2100 Việt Nam sẽ mất khoảng 10% GDP do hậu quả biến đổi khí hậu (BĐKH). Các tác động của BĐKH cũng sẽ ảnh hưởng tới hơn 12% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 25% dân số của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Chương trình về Biến đổi khí hậu, An ninh Nông nghiệp và Lương thực Khu vực Đông Nam Á tổ chức hội thảo “Truyền thông với Biến đổi khí hậu và An ninh lương thực” khai mạc sáng nay, 17/11, tại Hà Nội.

Theo Chương trình về biến đổi khí hậu, An ninh nông nghiệp và lương thực khu vực Đông Nam Á, biến đổi khí hậu (BĐKH) là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực phải chịu ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng ấm lên toàn cầu và nước biển dâng.

Đến năm 2100 Việt Nam sẽ mất khoảng 10% GDP do hậu quả BĐKH (Ảnh minh họa)
Đến năm 2100 Việt Nam sẽ mất khoảng 10% GDP do hậu quả BĐKH (Ảnh minh họa)

Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm của Việt Nam đã tăng từ 0,5 đến 0,7 độ C. Cũng trong giai đoạn này, mực nước biển dâng cao khoảng 20cm. Hàng năm, thiệt hại do thiên tai gây ra tại Việt Nam tương đương 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo dự báo, đến năm 2100 Việt Nam sẽ mất khoảng 10% GDP do hậu quả BĐKH. Các tác động của BĐKH cũng sẽ ảnh hưởng tới hơn 12% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 25% dân số của Việt Nam.

“Để đạt mục tiêu thích ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thì công tác truyền thông để nâng cao nhận thức có vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, các phương tiện thông tin đại chúng là công cụ hữu hiệu để thu hút sự chú ý của các thành phần trong xã hội, qua đó tác động đến hành vi cũng như động viên khích lệ mọi người tích cực hành động theo hướng thích ứng, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu,” Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nói.

  • Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (Ảnh: M.L)
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (Ảnh: M.L)

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng khẳng định rằng Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để ứng phó và giảm thiếu các tác động của BĐKH. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, và ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Việt Nam hiện là thành viên của Liên minh toàn cầu về nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH với mục đích thúc đẩy thay đổi chính sách và tăng cường đầu tư lĩnh vực nông nghiệp.

Nguyên An