“Báo chí đăng tải quá ít tin bài về bảo vệ động vật hoang dã”

(Dân trí) - Bà Hoàng Bích Thủy, Quản lý chương trình Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã “than vãn” như vậy tại cuộc Hội thảo tham vấn các cơ quan báo chí về đấu tranh nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã, diễn ra tại Hà Nội ngày 10/3.

Quang cảnh buổi Hội thảo tham vấn các cơ quan báo chí về đấu tranh nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã
Quang cảnh buổi Hội thảo tham vấn các cơ quan báo chí về đấu tranh nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã

Tại Hội thảo nói trên, bà Hoàng Bích Thủy đã đưa ra con số thống kê, tính đến tháng 12/2014, toàn quốc có 98 cơ quan báo chí điện tử, 845 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm, 67 đài phát thanh – truyền hình trung ương và địa phương. Nhưng tin tức đăng tải có nội dung liên quan đến các hoạt động bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) quá ít: Năm 2014 là 374 tin, bài; năm 2015 là 325 tin bài.

Cũng trong bài phát biểu của mình, bà Thủy đã chỉ ra rất nhiều tác hại từ việc săn bắt, buôn bán đến việc sử dụng trái phép các loài ĐVHD. Theo bà Thủy, nguyên nhân của tình trạng tội phạm về ĐVHD là do mang lại siêu lợi nhuận với rủi ro hình phạt thấp; nhu cầu khổng lồ của thị trường về dược phẩm, thực phẩm và xa xỉ phẩm, đặc biệt tại châu Á; Xu hướng toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại; Tiến bộ công nghệ cho phép thực hiện tội phạm dễ dàng.

Để kéo giảm và dần đẩy lùi nạn săn bắt, buôn bán trái phép các loài ĐVHD, bà Hoàng Bích Thủy cho rằng cần có sự chung tay từ nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó có các cơ quan thông tấn-báo chí: “Nỗ lực giảm nhu cầu ĐVHD bằng các bằng chứng khoa học, cần báo chí chung tay phổ biến kiến thức và bằng chứng khoa học về tác dụng của ĐVHD và các giải pháp thay thế. Báo chí cần hỗ trợ Chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật trong việc nâng cao nhận thức về tính nghiêm trọng của tội phạm ĐVHD. Nhấn mạnh vào hậu quả nghiêm trọng của tội phạm ĐVHD tới nền kinh tế, xã hội và môi trường. Khuyến khích các thành tựu và nỗ lực của chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật trong phòng chống tội phạm ĐVHD. Thúc đẩy các hoạt động thực thi các cam kết quốc tế. Phân tích vai trò của Bộ luật Hình sự sửa đổi với hình phạt tăng nặng hơn, tính răn đe cao hơn và phổ biến luật cho người dân”.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các cơ quan báo chí cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề bảo tồn, bảo vệ các loài ĐVHD
Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các cơ quan báo chí cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề bảo tồn, bảo vệ các loài ĐVHD

Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Văn Hùng, Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Các cơ quan báo chí cần phải làm gì để khẳng định thành tựu và nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam trong phòng, chống tội phạm ĐVHD tiến tới thúc đẩy các hoạt động thực thi các cam kết quốc tế; tuyên truyền quy định mới trong Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) quy định về Tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD và tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

“Chúng tôi hi vọng sau cuộc hội thảo này, các cơ quan báo chí ở Việt Nam sẽ có thêm cơ sở dữ liệu, sự khích lệ và đề cao trách nhiệm để truyền thông có hiệu quả hơn về chủ đề này. Chúng tôi với tư cách là cơ quan theo dõi và định hướng truyền thông sẽ cố gắng dõi theo để có được cái nhìn tổng thể, đánh giá đúng về sự đóng góp của báo chí nói chung và nhất là cơ quan báo chí tham gia cuộc tọa đàm này trong quá trình tham gia tuyên truyền nội dung này, từ đó, kiến nghị việc ghi nhận và biểu dương kịp thời” – ông Hùng nói.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Lao Động chia sẻ, phóng viên viết mảng điều tra về nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD là rất khó khăn và nguy hiểm.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Lao Động chia sẻ, phóng viên viết mảng điều tra về nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD là rất khó khăn và nguy hiểm.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Lao Động đã chia sẻ tại cuộc tọa đàm: Các phóng viên điều tra về nạn giết hại, buôn bán ĐVHD cũng gặp nhiều khó khăn, ngoài việc phải tác nghiệp tại địa bàn rừng núi hiểm trở, đối phó với sự manh động, quỷ quyệt của các đường dây buôn bán ĐVHD còn là sự vào cuộc chậm trễ, thậm chí ngăn cản, từ chối hợp tác của một số cơ quan chức năng.

Nhà báo Cẩm Thúy – báo Đại đoàn kết thì đưa ra kiến nghị: “Các tổ chức bảo vệ ĐVHD, hay các cơ quan chức năng liên quan cần có những lớp tập huấn cho các phóng viên, nhà báo theo dõi mảng này, trang bị cho họ những kiến thức nhất định, sâu hơn về nội dung này. Họ có hiểu sâu về vấn đề này mới có thể thực hiện công việc viết bài và tuyên truyền được tốt”.

Nguyễn Dương