Bến Tre: “Gồng mình” sống chung với biến đổi khí hậu

Bài 1: Giải bài toán nước mặn bủa vây

(Dân trí) - Mấy năm gần đây, tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Bến Tre trở nên gay gắt. Năm nay, mới đầu mùa khô nước mặn đã xâm nhập sâu vào các nhánh sông làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Nước mặn “tấn công” vào các nhánh sông

Năm nay, chỉ mới bắt đầu vào mùa khô, mặc dù tình hình hạn, mặn không khốc liệt như năm 2016 nhưng dự báo rất phức tạp, khó lường. Gần 1 tháng nay, nước mặn cũng đã xâm nhập sâu vào các nhánh sông gây khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt của người dân tỉnh Bến Tre.

Theo báo cáo của Trạm Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện tại độ mặn tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng nhiều nơi đã lấn sâu vào nội đồng. Độ mặn 4%0 đã xâm nhập vào sông Cửa Đại, Cổ Chiên, Hàm Luông cách cửa sông từ 34 đến 42 km; độ mặn 1%0 cũng đã vào sâu các nhánh sông cách cửa sông khoảng 54 km.


Người dân trữ nước ngọt bằng bao ni lông để sử dụng trong mùa hạn, mặn

Người dân trữ nước ngọt bằng bao ni lông để sử dụng trong mùa hạn, mặn

Nước mặn xâm nhập vào các tuyến sông nên người dân không có nước ngọt sử dụng. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, ngụ xã Thạnh Phước (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Vùng này ở ven biển nên chỉ có 6 tháng mùa mưa mới có nước ngọt xài còn những tháng mùa khô khi nước mặn lấn vào các tuyến sông nên xung quanh chỉ toàn nước mặn. Vì vậy, nhiều năm nay người dân phải lo sắm dụng cụ để trữ nước mưa. Nhà nào không xây được hồ, lu chứa thì đành mua nước ngọt từ các xe công nông với giá từ 50 đến 100 ngàn đồng/m3”.

Bắt đầu mùa khô, người dân huyện Bình Đại (Bến Tre) mua nước ngọt từ những xe công nông
Bắt đầu mùa khô, người dân huyện Bình Đại (Bến Tre) mua nước ngọt từ những xe công nông

Nước mặn cũng làm cho năng suất dừa, cây trồng ở tỉnh Bến Tre giảm đáng kể. Hiện tại, toàn tỉnh có 70.000 ha dừa, với năng suất khoảng 600 triệu quả. Sau đợt hạn, mặn năm 2016 hầu hết vườn dừa đều giảm năng suất từ 20 đến 30%, một số nơi giảm tới 40%. Tại huyện Giồng Trôm có diện tích hơn 20.000 ha dừa, là địa phương có diện tích và sản lượng dừa lớn nhất tỉnh Bến Tre cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Ông Võ Thành Long, ngụ xã Tân Thanh (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Nước mặn làm vườn dừa ở địa phương tiêu điều, năng suất giảm gần phân nửa. Bình thường, 70 gốc dừa của tôi đang cho quả thì mỗi tháng thu hoạch được khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng tiền bán dừa khô còn năm nay thì “treo” mỗi tháng chỉ kiếm vài trăm ngàn đồng”.

Phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt” để ứng phó với xâm nhập mặn

Tỉnh Bến Tre đã phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt” nhằm kêu gọi người dân trữ nước để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Phát động phong trào nhiều gia đình trữ nước ngọt, các doanh nghiệp cũng tích cực hỗ trợ, giúp người dân mua dụng cụ trữ nước.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp 4 (xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) thuộc diện hộ nghèo ở địa phương nên được chính quyền địa phương vận động doanh nghiệp tặng dụng cụ chứa nước bằng bồn nhựa với dung tích 2.000 lít. Mọi năm, gia đình ông Dũng đều thiếu nước ngọt sử dụng trong mùa khô nên năm nay ông tìm mọi cách để trữ nước ngọt.

Ông Dũng cho biết: “Rút kinh nghiệm năm rồi nước mặn xâm nhập sớm nên từ trước Tết Nguyên đán gia đình đã trữ nước bằng bồn chứa 2.000 lít mới được chính quyền địa phương hỗ rợ. Ngoài ra, gia đình còn chứa nước mưa bằng lu xi măng và mua thêm tấm nhựa để làm hồ chứa tạm nhằm tích trữ nước”.

Người dân dùng mọi dụng cụ để trữ nước ngọt sử dụng trong mùa xâm nhập mặn
Người dân dùng mọi dụng cụ để trữ nước ngọt sử dụng trong mùa xâm nhập mặn

Theo ông Dũng, người dân xung quanh ai cũng tranh thủ tích trữ đầy nước mưa nhằm sử dụng trong sinh hoạt và cho gia súc, gia cầm uống trong suốt mấy tháng nắng hạn. Trong đó, những gia đình không có khả năng xây dựng hồ chứa lớn thì có thể sử dụng bao ni lông trải lên mặt đất rồi đắp đất xung quanh để tạo thành bồn chứa tạm có thể sử dụng hết mùa khô mà chi phí lại khá rẻ.

Những gia đình nghèo được hỗ trợ bồn chứa nước ngọt
Những gia đình nghèo được hỗ trợ bồn chứa nước ngọt

Ở các địa phương khác như: Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành... chính quyền địa phương cũng tuyên truyền, vận động người dân trữ nước ngọt trước tình hình nắng hạn gay gắt, nước mặn xâm nhập.

Ông Nguyễn Quốc Duy, Phó chủ tịch UBND xã An Hiệp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Năm rồi nước mặm xâm nhập sâu vào nội đồng làm cho lúa chết, người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Năm nay thực hiện phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt” chính quyền địa phương vận động người dân trữ nước ngọt để sử dụng, cho gia súc uống trong mùa khô. Ngoài ra, địa phương được đầu tư nhà máy nước công suất 1.000 m3/ngày/đêm và đang chuẩn bị đầu tư 3 dự án nhà máy nước sạch để đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân sử dụng. Đồng thời, đắp đặp tạm để ngăn nước mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất của người dân trong những tháng nắng hạn”.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Sau đợt hạn, mặn năm 2016, tỉnh đã phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt” nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân trữ nước ngọt sử dụng. Qua đó, đã vận động được khoảng 500 tỷ đồng từ các mạnh thường quân để tặng dụng cụ trữ nước ngọt giúp người dân. Năm nay, để ứng phó với tình hình hạn, mặn tỉnh đã trang bị hệ thống quan trắc được lắp ở tất cả các cửa sông nhằm đo độ mặn và cung cấp thông tin qua tin nhắn điện thoại tới tận lãnh đạo UBND xã để biết độ mặn, thông tin cho người dân kịp thời. Ngoài ra, địa phương đang triển khai dự án hồ chứa nước ngọt ở huyện Ba Tri, xây dựng hệ thống cống ở các tuyến kênh để chủ động ngăm mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân”.

Minh Giang