75% nước thải từ các khu công nghiệp không được xử lý
(Dân trí) - Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo tổng quan về nghiên cứu và phát triển bền vững về nước giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức chiều nay 1/12.
Dự án hợp tác Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức về xử lý nước thải công nghiệp (AKIZ) là một dự án nghiên cứu khoa học lớn được tài trợ bởi Bộ Giáo dục - Nghiên cứu Cộng hòa liên bang Đức và Bộ Khoa học-Công nghệ Việt Nam có sự tham gia của 17 trường đại học và viện nghiên cứu Việt Nam và Đức. Ngoài ra, dự án còn nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Văn phòng Hợp tác Hải ngoại Cộng hòa liên bang Đức, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Theo kết quả của dự án, trong quá trình phát triển kinh tế nhanh, Việt Nam đã xây dựng hơn 200 khu công nghiệp nhưng phần lớn các khu công nghiệp này đều chưa có giải pháp xử lý nước thải công nghiệp một cách bền vững.
Hàng ngày, hơn 1 triệu m3 nước thải được xả thải từ các khu công nghiệp và khoảng 75% trong số này không được xử lý, xả thẳng vào môi trường, gây nguy hại cho con người và sinh vật.
Tính đến giữa năm 2011 chỉ có 143/232 khu công nghiệp trên toàn quốc có hệ thống xử lý nước thải, 30 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng các trạm xử lý. Nước thải công nghiệp là nguyên nhân gây “chết” nhiều dòng sông như sông Nhuệ, sông Cầu ở miền Bắc và sông Đồng Nai ở miền Nam.
Tại hội thảo, GS-TS. Karl Ulrich Rudolph - Giám đốc của dự án tổng thể AKIZ cùng với PGS-TS. Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, đã trao những cuốn sách hướng dẫn thực hành tốt nhất về quản lý nước thải công nghiệp bằng 3 thứ tiếng (Tiếng Việt, Anh, Đức) rất có ích cho các trường đại học, viện nghiên cứu về nước và nước thải ở Việt Nam. Đây được coi là một thành tựu từ kết quả nghiên cứu của dự án AKIZ.
Dự kiến năm 2016 hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong nghiên cứu nước và phát triển bền vững sẽ tiếp tục với chủ đề như tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, trong đó chú trọng nâng cao sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo cũng như biến đổi khí hậu.
Thế Kha