Hậu Giang:

38 dự án ưu tiên ứng phó biến đổi khí hậu

(Dân trí) - UBND tỉnh Hậu Giang vừa đưa ra danh mục 38 dự án ưu tiên đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, có 30 dự án đã có trong Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh, còn lại 8 dự án các ngành đề xuất mới.

Trong số đó có những dự án có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, như dự án Xây dựng hệ thống cống ngăn mặn nam kênh Xà No; nhằm ngăn chặn tình hình xâm nhập mặn, giữ nước ngọt và phòng chống lũ cho các cánh đồng phía nam kênh Xà No. Kinh phí 298 tỷ đồng.       

Dự án Nâng cấp bờ bao, kết hợp đường giao thông thị trấn Cây Dương đến ngã ba Vĩnh Tường đảm bảo chống lũ cho 10.000 ha đất nông nghiệp của 3 huyện: Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy và bảo vệ chống sạt lở đảm bảo an toàn cho hơn 250 hộ dân gần bờ kênh Lái Hiếu. Kinh phí 549 tỷ đồng.         

Quy hoạch và xây dựng hồ sinh thái nước ngọt tỉnh Hậu Giang. Mục tiêu giải quyết thiếu nước ngọt cung cấp cho thành phố Vị Thanh. Kinh phí 465 tỷ đồng.  

Kè chống sạt lở và ngập lũ Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Mục tiêu chống sạt lở đất và ngăn lũ. Kinh phí 696,4 tỷ đồng.

Kè chống sạt lở và ngập lũ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành. Mục tiêu chống sạt lở đất và ngăn lũ. Kinh phí 300 tỷ đồng.

Xây dựng các khu dân cư đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu ứng phó BĐKH. Mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường cho nhân dân khu vực nông thôn chịu tác động của BĐKH. Kinh phí 100 tỷ đồng.           

Rà soát, nâng cấp, xây dựng công trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cấp địa phương quản lý phù hợp với quy chuẩn thiết kế và đặc điểm thiên tai từng vùng. Mục tiêu đảm bảo ngăn lũ, thoát lũ, ngăn mặn… khắc phục được những tác động gây thiệt hại của thiên tai. Kinh phí 800 tỷ đồng.

Nạo vét hệ thống kênh tạo nguồn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Mục tiêu nâng cao năng lực tiếp nước ngọt của các trục kênh chính nhằm cung cấp đầy đủ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô, tạo điều kiện thoát lũ nhanh và chống ngập vào mùa mưa lũ, bảo vệ an toàn cho người dân và vùng sản xuất nông nghiệp. Kinh phí 875,7 tỷ đồng. 

Kè bờ tả sông Cái Côn (đoạn từ cầu rạch côn đến kênh ba ngàn). Mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân đang sinh sống khu vực sạt lở nguy hiểm; Phát huy tiềm năng thương mại, du lịch của chợ Ba Ngàn, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Kinh phí 250 tỷ đồng.   

Trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Thị Kim Diệu - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang- cho biết, trong các dự án trên, hiện có một số dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp đang triển khai, còn lại các dự án của các ngành khác đưa ra nhưng do vẫn chưa có nguồn vốn nên chưa thể thực hiện. Theo bà Diệu, ngoài nguồn vốn của các ngành, tỉnh vẫn kêu gọi đầu tư để thực hiện các dự án này. 

                                                                                                Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm