Xuất khẩu LĐ sang Malaysia: “Lỡ tay” ký sai hợp đồng

Do không trực tiếp sang Malaysia tìm hiểu tình hình, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng lương thấp, gây thiệt thòi cho người lao động.

Trong báo cáo mới đây gửi Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết nước này đang gia tăng tuyển dụng lao động xây dựng từ Việt Nam; đồng thời yêu cầu chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động chấn chỉnh việc ký hợp đồng cung ứng lao động ở lĩnh vực này.

 

Nhu cầu lao động cao

 

Theo báo cáo, thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư, công trình xây dựng tại Malaysia có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động xây dựng của Việt Nam. Đặc biệt, tại 2 bang ở khu vực Đông Malaysia là Sabah và Sarawak, hàng loạt dự án lớn đang triển khai, cần hàng trăm ngàn lao động.

 

Người lao động do Công ty CP Châu Hưng tuyển chọn trước giờ xuất cảnh sang
Người lao động do Công ty CP Châu Hưng tuyển chọn trước giờ xuất cảnh sang Malaysia

 

Sau 8 năm gián đoạn, kể từ khi rút hơn 1.000 người về nước vào năm 2004 do mất việc làm, Việt Nam đang bắt đầu đưa lao động xây dựng trở lại thị trường Malaysia.

 

Công ty CP Thương mại Châu Hưng ký hợp đồng với Công ty Xây dựng Nagano Holdays ở Kuala Lumpur, cung ứng đợt đầu 45 lao động.

 

Công ty CP Phát triển dịch vụ CEO (Hà Nội) tuyển không hạn chế số lượng lao động xây dựng, thu nhập cam kết 12 triệu đồng/tháng.

 

Công ty CP Sông Đà tuyển 20 lao động xây dựng, tổng thu nhập từ 8,5 triệu đồng/tháng trở lên.

 

Công ty CP Nhân lực quốc tế GMas mới đây cũng đã ký hợp đồng với Công Xây dựng Dekon ở bang Selangor, tuyển 100 lao động xây dựng...

 

Ông Vũ Minh Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty Sovilaco, cho biết: “Chúng tôi vừa ký hợp đồng trực tiếp với một công ty xây dựng ở bang Johor, tuyển gần 100 lao động.  Phía đối tác bảo đảm việc làm thường xuyên, thu nhập tối thiểu từ 7 triệu đồng/tháng trở lên”.

 

Vẫn xảy ra sai phạm

 

Thu nhập của lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực xây dựng ở Malaysia cao hơn lĩnh vực nhà máy khoảng 20-30%. Mức lương cơ bản của  lao động xây dựng nước ngoài hiện nay là 40 RM/ngày (1RM khoảng 7.000 đồng). Đây là cơ sở mà Bộ LĐ-TB-XH, Cục Quản lý Lao động ngoài nước khuyến khích các DN đẩy mạnh trở lại việc cung ứng loại hình lao động này sang Malaysia.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Malaysia, đã xảy ra tình trạng một số DN không trực tiếp sang Malaysia để phối hợp thẩm định, tìm hiểu kỹ các điều kiện làm việc, ăn, ở của người lao động dẫn đến không nắm bắt thông tin, “lỡ tay” ký hợp đồng theo mức lương cơ bản chỉ  35 RM/ngày. Mức lương này đã không còn phù hợp.

 

Tuy không nằm trong số những DN bị cho là “lỡ tay” ký hợp đồng nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, mức lương trong hợp đồng cung ứng của nhiều DN cũng rất khác nhau. Tại các hợp đồng của Simco Sông Đà, trong khi thu nhập của thợ lành nghề làm việc ở lĩnh vực xây dựng đạt 40 - 45 RM/ngày trở lên thì lao động phổ thông chỉ khoảng 35 RM/ngày. Tại Công ty CP Phát triển dịch vụ CEO, mức lương cơ bản ký kết chỉ là 28 RM/ngày...

 

Phải kịp thời chấn chỉnh

 

Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã chỉ đạo các DN phải kịp thời chấn chỉnh. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước,  các DN phải trực tiếp sang tìm hiểu đối tác, điều kiện ăn, ở; đàm phán kỹ nội dung hợp đồng, chỉ ký hợp đồng đưa lao động sang làm việc cho các dự án, công trình lớn, bảo đảm việc làm thường xuyên cho người lao động. Cục cũng yêu cầu Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Malaysia chỉ cấp phiếu thẩm định đối với những DN nào bảo đảm lương cơ bản cho lao động xây dựng 40 RM/ngày trở lên.

 

Theo Nguyễn Duy

NLĐ