Xuất khẩu lao động ở Đồng Tháp: Một vốn, bốn lời

“Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không chỉ giải quyết xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, nâng cao chất lượng làm việc cho người LĐ sau khi mãn hợp đồng... mà còn cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương khẳng định tại buổi “Tổng kết công tác đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng LĐ giai đoạn 2014-2016”.

Chưa về đã làm chủ

“Sau 3 năm làm việc tại Nhật, tích lũy được 900 triệu đồng và bằng Nhật ngữ N3. Hiện em dạy tiếng Nhật tại Trung tâm ngoại ngữ TPHCM với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng”, Nguyễn Phú Diệu (SN 1991, Tân Dương, Lai Vung) đã khiến khán phòng suýt xoa cảm phục và trân trọng sự thành đạt và tương lai xán lạn của cô gái vừa tròn 25 tuổi.

Cùng sang Nhật với Diệu, Lê Thanh Đủ (SN 1985, phường 4- Tp Cao Lãnh) cũng tích lũy hơn 800 triệu và bằng Nhật ngữ N3. Về nước, Đủ được Trung tâm DVVL Đồng Tháp mời dạy tiếng Nhật với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Không chỉ riêng thị trường Nhật, LĐ làm việc ở các quốc gia Hàn Quốc, Đài Loan... cũng dễ dàng lên ngôi “chủ” sau khi mãn hợp đồng. Sau khi mãn hợp đồng tại Đài Loan, Trần Quang Lạc (SN 1980, Nhị Mỹ - huyện Cao Lãnh) tích lũy được 1,2 tỷ đồng rồi dùng tiền mở cửa hàng Vật tư BVTV tại nhà. Hiện công việc kinh doanh rất thuận lợi.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc trong công tác XKLĐ gia đoạn 2014-2016.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc trong công tác XKLĐ gia đoạn 2014-2016.

Thậm chí, ngay cả khi còn đang ở nước ngoài làm thuê, chưa về nước, nhưng nhiều LĐ đã bước lên ngôi ông chủ. Nói chuyện tại lễ Tổng kết, bà Đặng Thị Kim Kha (SN 1966- huyện Tam Nông) cho biết: “Sau khi tốt nghiệp ngành điện tử (ĐH Cần Thơ) con trai đầu lòng Lê Nhật Trường (SN 1991) đăng ký sang Nhật Bản làm việc.

Với mức thu nhập 34 - 38 triệu đồng, mỗi tháng Trường gởi về nhà 25 triệu đồng. Sau 2 năm, gia đình dùng tiền tích lũy mua 03 công đất tại Tp Cao Lãnh rồi trồng vườn xoài”. Vậy là Trường làm chủ vườn xoài tại quê hương xoài Cao Lãnh ngay khi còn làm việc trên đất nước Hoa Anh Đào.

Một vốn bốn lời:

“Sau 3 năm, Đồng Tháp đưa gần 1.900 LĐ làm việc tại nước ngoài, tăng 107,81% so chỉ tiêu. Hiện đang có trên 1.000 LĐ đang học ngoại ngữ, giáo dục định...”, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Đồng Tháp chia sẻ. Lý giải cho diễn tiến “năm sau cao hơn năm trước”, ông Bùi Thành Nhơn, GĐ Sở LĐTBXH Đồng Tháp ngắn gọn: “Nhờ chủ trương tái khởi động công tác XKLĐ của tỉnh Đồng Tháp”.

Xuất phát từ nhận thức, XKLĐ vừa là mục tiêu xã hội, vừa là mục tiêu kinh tế, năm 2014 Đồng Tháp mạnh dạn xây dựng chính sách hỗ trợ người tham gia XKLĐ. Cụ thể, hỗ trợ học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, khám sức khỏe và cho vay vốn tín chấp làm chi phí...

Sau 3 năm, tổng số tiền trên 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này sẽ tiếp tục tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn nữa vào những năm tiếp theo. Phát biểu tại lễ tổng kết, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cam kết sẵn sàng tạm dừng các dự án chưa cấp thiết để dồn vốn cho XKLĐ. Lý giải cho sự quyết liệt này, ông Dương ngắn gọn: “Làm ăn có lãi thì phải mạnh tay đầu tư”.

Thực tế cho thấy, hiện mỗi năm LĐ nước ngoài mang về cho Đồng Tháp hơn 100 tỉ đồng. “Nhiều LĐ còn chứng minh, sau khi mãn hợp đồng, họ còn mang về Đồng Tháp nhiều tài sản quý hơn tiền: Sự thay đổi tích cực về tác phong, chất lượng làm việc... nhưng quan trọng hơn là thông qua đó, còn trực tiếp cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh”, ông Dương tâm đắc: “Thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia có LĐ Đồng Tháp làm việc đã đến tìm hiểu, đầu tư”.

Mạnh dạn xây dựng chính sách hỗ trợ XKLĐ, Đồng Tháp không chỉ mang lại lợi ích cho chính mình mà còn gợi mở cho nhiều địa phương khác bài học về tư duy điều hành: Đôi lúc chỉ cần thay đổi nhỏ, vẫn có thể mang lại hiệu quả lớn.

Theo Báo Lao động