Xuất khẩu lao động: Đường thoát nghèo còn gian nan

(Dân trí) - Phải nộp phí cao hơn so với quy định, mức lương chưa cao, thời gian làm việc kéo dài với cường độ vất vả…là thực tế đã trải qua của không ít người đi xuất khẩu lao động hiện nay.

Theo kết quả Đánh giá thực trạng đi làm việc ở nước ngoài đã trở về VN” do Cục quản lý lao động ngoài nước phối hợp với ILSSA công bố ngày 15/3 cho thấy:  Đối tượng khảo sát là người lao động (NLĐ) đã từng làm việc tại 4 nước: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia trở về nhà (đúng hạn và trước hạn) trong thời gian từ 2004- 2008 và hiện tại đang sống tại các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Thái Bình.

Trước khi đi XKLĐ, 88,3% lao động có việc làm, tập trung vào phân khúc thị trường thấp, với chất lượng thấp và lạc hậu, phần lớn không thuộc diện ký hợp đồng lao động. Chính vì vậy, XKLĐ là con đường giúp họ thoát nghèo. Tuy nhiên, do ít giao tiếp hoặc không được tiếp cận với thông tin không ít  người nghèo đã phải thực hiện mơ ước XKLĐ bằng cách nộp một khoản tiền lớn hơn so với quy định để trả cho “cò” giao dịch, môi giới với đơn vị đăng tuyển lao động.

Xuất khẩu lao động: Đường thoát nghèo còn gian nan - 1
Xuất khẩu lao động chủ yếu vẫn tập chung ở nhóm công việc giản đơn, thu nhập thấp. (Ảnh minh hoạ)
 
Cũng do tay nghề thấp nên khu vực làm việc của các đối tượng này cũng chủ yếu tập chung ở lao động giản đơn trong các nhà máy, xí nghiệp Malaysia (82%), Nhật (100%), Hàn Quốc (89%) hoặc giúp việc gia đình tại Đài Loan (61,4%).

Trên thực tế, khi đi làm NLĐ phải làm việc khá căng thẳng, bình quân 11,4 giờ/ngày. Trong đó, cao nhất là giúp việc gia đình (13,6 giờ/ngày) và chăm sóc người bệnh (11,8 giờ/ngày). Thu nhập thực tế từ việc làm ở nước ngoài của lao động đi xuất khẩu cao hơn nhiều so với thu nhập từ việc làm khi còn ở VN mức 5- 6,2 lần. Tuy nhiên, mức lương lao động VN nhận được vẫn bị coi là thấp hơn so với mức lương của lao động người bản địa hoặc lao động làm thuê đến từ quốc gia khác.

Lao động VN cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập và làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt là việc thích nghi với điều kiện sống và làm việc tại nước ngoài. Trong đó, 67% là yếu kém về ngoại ngữ; 13,3% là khác biệt về lối sống, phong tục tập quán và thói quen sinh hoạt…

Việc thanh lý hợp đồng sau khi về nước cũng chưa thực sự được NLĐ cũng như DN XKLĐ chú trọng. Có tới 54% NLĐ không thanh lý hợp đồng khi về nước. Trở về, phần lớn NLĐ lại quay lại với công việc lao động giản đơn và nông nghiệp với thu nhập tương đối thấp (chỉ gần 2 triệu đồng/tháng). Khoản tiền dành dụm trong thời gian đi lao động nước ngoài đa số chi tiêu hết cho đời sống. Trong đó, 53% là để xây nhà; gần 29% mua sắm đồ đạc và hơn 24% đầu tư cho con cái học hành…Vòng nghèo đói lại luẩn quẩn bám lấy không ít gia đình đã có người đi XKLĐ.

P. Thanh- M. Hà