Xem xét cấp mã số để quản lý lực lượng lao động
(Dân trí) - Để quản lý toàn bộ lực lượng lao động, tờ trình Dự án Luật Việc làm được thảo luận tại Thường vụ Quốc hội chiều 5/10 đề cập đến việc quản lý lực lượng này thông qua đăng ký và cấp mã số của người lao động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa trình Quốc hội Dự án Luật Việc làm
Khi có thay đổi một trong các nội dung như trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng việc làm; địa điểm làm việc người lao động bổ sung nội dung đăng ký lao động tại UBND cấp xã nơi cư trú, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thực hiện đăng ký và cập nhật thông tin của người lao động vào hệ thống thông tin thị trường lao động. Còn khi người lao động chết, bị mất tích theo quy định của pháp luật hoặc ra nước ngoài để định cư thì bị xóa đăng ký lao động.
Về việc đăng ký việc làm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi liệu thủ tục hành chính có quản lý được không khi người dân hiện nay đã đăng ký với chính quyền xã, phường nhiều thủ tục khác như đăng ký chứng minh, hộ khẩu… Hơn nữa, nhiều người cũng chỉ đi làm thời vụ.
Dự án Luật Việc làm lần này cũng đưa ra chính sách bảo hiểm việc làm. Chính sách bảo hiểm việc làm nhằm hỗ trợ duy trì việc làm và chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện tại. Bảo hiểm việc làm bao gồm 2 chế độ, chế độ cho người thất nghiệp như chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay nhằm bù đắp thu nhập; quan trọng hơn là bổ sung chế độ hỗ trợ người thất nghiệp.
Cụ thể là hỗ trợ người sử dụng lao động khi gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng; hỗ trợ lãi suất tiền vay để thanh toán các chế độ cho người lao động; hỗ trợ kinh phí đào tạo phát triển kỹ năng nghề cho người lao động để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động trong quá trình làm việc nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thất nghiệp xảy ra.
Như vậy, bảo hiểm việc làm không chỉ hỗ trợ đối với người lao động đã bị thất nghiệp mà còn mở rộng hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc và các doanh nghiệp để duy trì sự ổn định, phát triển cho doanh nghiệp và duy trì việc làm cho người lao động, đồng thời hạn chế, phòng ngừa thất nghiệp.
Nguyên tắc bảo hiểm việc làm là bảo hiểm bắt buộc, có tính chia sẻ lớn giữa những người tham gia bảo hiểm việc làm. Điểm mới căn bản của vấn đề này so với các quy định hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp là đã bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm bên cạnh chế độ bảo hiểm thất nghiệp, phát triển bảo hiểm thất nghiệp thành bảo hiểm việc làm với phạm vi, đối tượng bao phủ và chế độ rộng hơn cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Theo báo cáo thẩm tra Dự án Luật Việc làm có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề bảo hiểm việc làm. Ý kiến thứ nhất cho rằng, chính sách bảo hiểm việc làm là sự phát triển của bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, do đó, chỉ cần bổ sung thêm chính sách hỗ trợ duy trì việc làm trong Luật Bảo hiểm xã hội.
Ý kiến thứ hai đồng ý với quy định chính sách bảo hiểm việc làm thay cho bảo hiểm thất nghiệp với mục tiêu mở rộng hơn chích sách bảo hiểm thất nghiệp, thể hiện sự tiến bộ, ưu việt hơn so với chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành và quy định trong Luật Việc làm để tạo sự kết nối trong mục tiêu và quy trình hướng đến việc làm bền vững.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, cần hết sức cân nhắc có nên đổi tên bảo hiểm thất nghiệp thành bảo hiểm việc làm vì tính chất của bảo hiểm việc làm vẫn chủ yếu là giải quyết chính sách thất nghiệp. Hiện nay, thế giới có khoảng 80 nước đang thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, rất ít quốc gia đang thực hiện chính sách bảo hiểm việc làm.
Sau khi xem xét các ý kiến, Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa để Dự thảo Luật Việc làm phù hợp hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XIII sắp diễn ra.
Trúc Linh