1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Xe miến trộn "hốt" bạc triệu, bán trăm phần/ngày: Sinh viên xếp hàng dài

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Từ 6h, xe miến gà trộn của gia đình bà Bê ở TPHCM đã đông nghịt khách xếp hàng. Bà chủ xe miến gà bán liên tục không ngơi tay. Mỗi ngày, xe miến gà có hàng trăm khách lui tới do giá rẻ, ăn no bụng.

6h, bà Bê (45 tuổi, ngụ tại TPHCM) đẩy xe miến gà trộn đến góc đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu, bắt đầu ngày làm việc. Trong lúc bà Bê tất tật dọn hàng, mất một lúc nữa mới mở bán, khá đông khách đã đến xếp hàng chờ mua.

"Cô cho con một tô như ngày thường, hôm nay cay chút nhé", một thực khách gọi món ngay tại xe hàng, rồi đứng chờ để nhận tô miến.

Xe miến trộn hốt bạc triệu, bán trăm phần/ngày: Sinh viên xếp hàng dài - 1

Sinh viên xếp hàng dài trước hàng miến trộn, bà Bê làm không ngơi tay mới kịp phục vụ (Ảnh: Nguyễn Vy).

Đôi tay thoăn thoắt, bà Bê trụng miến trong nồi nước sôi rồi bỏ thịt, lòng gà, thêm chút hành phi, các loại rau gia vị trước khi rưới thêm phần nước mắm vào tô. Hàng miến trộn phải có 3-4 người phụ, thay phiên nhau thu tiền, thêm gia vị, rửa bát,…

Đối với thực khách, thứ quyết định độ "nổi tiếng" của hàng miến trộn này chính là phần nước mắm bà Bê pha sẵn. Trong đó, các nguyên liệu gồm tỏi, ớt, đường, mắm, gừng, ớt xanh hòa quyện, cân đối… khiến cho tô miến trộn vừa giữ được độ mặn, vừa ngọt thanh và thơm mùi gừng.

Không lâu sau, những chiếc ghế nhựa xếp quanh xe miến trộn đã kín người ngồi. Nhiều thực khách chấp nhận tự bê tô miến sang các quán cà phê xung quanh để ngồi hoặc thậm chí là ngồi luôn dưới gốc cây ven đường.

Được biết, mỗi tô miến có giá 25.000 đồng đã giữ nguyên vậy nhiều năm qua. Bà Bê không tăng giá vì mến thương những thực khách đã ủng hộ mình. Vì vậy, bà chủ quán cho biết, bán hàng chủ yếu "lấy công làm lời". Vậy mà xe miến trộng cũng nuôi được cả gia đình.

Xe miến trộn hốt bạc triệu, bán trăm phần/ngày: Sinh viên xếp hàng dài - 2

Nguyên liệu được bà Bê chọn lọc kỹ, phần quyết định độ ngon của món ăn là nước mắm, nhất thiết bà phải tự tay pha (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Giá 25.000 đồng/tô miến gà thế này ở trung tâm thành phố khó kiếm lắm. Khách của tôi đa phần là sinh viên, người lao động nên bán một tô miến đầy đủ thịt, rau với giá như vậy là hợp túi tiền, ai cũng ăn được", bà Bê nói.

Mỗi ngày, có hàng trăm thực khách đến xếp hàng chờ mua miến gà. Vì vậy, xe miến gà của bà Bê khách ra vào liên tục từ 6h đến 15h, hiếm khi bà chủ có thời gian ngơi tay.

Dần về trưa, quán ăn ngày càng đông khách hơn. Bà Bê phải di chuyển hàng miến trộn sang đường, tìm chỗ vắng để không cản trở giao thông.

Xe miến trộn hốt bạc triệu, bán trăm phần/ngày: Sinh viên xếp hàng dài - 3

Mỗi buổi sáng, khu vực quanh trường đại học Kiến trúc khá đông sinh viên, người lao động đến ăn (Ảnh: Nguyễn Vy).

Công việc này đã diễn ra đều đặn hơn 20 năm qua, nuôi sống cả gia đình bà Bê. Riêng về cuộc sống gia đình, những vất vả mưu sinh, bà Bê bộc bạch, bản thân hiếm khi chia sẻ với người ngoài. Phần vì bà đã quen với sự vất vả ấy, phần vì bà không muốn gây nhiều sự chú ý trên mạng xã hội.

Phương Nhi (21 tuổi, ngụ quận 4) chia sẻ, Nhi chỉ mới đến đây được vài lần nhưng vì mê mẩn món miến gà nên cố gắng dậy thật sớm để đến ăn sáng.

"Em học ở khu vực quận 10, 7h là vào học rồi nên phải tranh thủ 6h đã ra đây ngồi ăn miến gà. Tô miến ở đây giá bình dân, hương vị lại ngon, một tô đầy đủ thịt, rau, no đến trưa", Nhi nói.

Xe miến trộn hốt bạc triệu, bán trăm phần/ngày: Sinh viên xếp hàng dài - 4

Phương Nhi, dù là sinh viên ở khu vực khác nhưng luôn cố gắng dậy sớm để đến đây ăn (Ảnh: Nguyễn Vy).

Anh Nam (35 tuổi), tài xế xe ôm công nghệ cũng là một trong những khách quen của xe miến gà bà Bê. Anh Nam kể, trước đây, khi còn là sinh viên, 4 năm đại học của anh đã gắn liền với hàng miến trộn này.

Giờ đã tốt nghiệp, đi làm nhiều năm, thỉnh thoảng anh vẫn ghé đây ăn vì nhớ hương vị quen thuộc.

"Dạo gần đây, tôi bị mất việc nên thu nhập khó khăn. Vì vậy "tần suất" ghé quán bà Bê nhiều hơn trước. Tô miến ở đây rẻ, bà chủ thấy người lao động luôn tự làm cho nhiều hơn một chút, đủ để no bụng mà đi cày", anh Nam cười.