Vui, buồn nghề “nhân tượng”

Bạn đã từng tham dự một sự kiện nào đó và thấy đám đông xúm lại ngắm nhìn, chụp ảnh cùng những "bức tượng sống" bắt mắt. Những nhân vật đứng bất động nhưng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ đến vậy chính là "nhân tượng" (người đóng giả tượng). Đằng sau những bức tượng người thu hút sự tò mò thích thú ấy, là không ít những câu chuyện vui buồn.

Độc đáo từ tên gọi..."Nhân tượng" là môn nghệ thuật phổ biến trên thế giới, đặc biệt là các nước Tây Âu. Tại Việt Nam, đây là loại hình khá mới mẻ. Các "nhân tượng" thường thấy ở mọi sự kiện, từ buổi tổng kết cuối năm của doanh nghiệp hay buổi ra mắt sản phẩm mới, giới thiệu dịch vụ hay khai trương trung tâm, thậm chí là trong... đám cưới.

Các "nhân tượng" thường hóa trang rất ấn tượng, trên người phủ một lớp sơn màu và tạo những tư thế lạ, độc đáo để thu hút sự chú ý của mọi người. Nếu để quảng cáo cho sản phẩm, "nhân tượng" sẽ cầm bảng có logo sản phẩm hoặc được vẽ logo lên người.

Công đoạn hóa trang cho “nhân tượng” đòi hỏi rất kỹ càng và tỉ mỉ.
Công đoạn hóa trang cho “nhân tượng” đòi hỏi rất kỹ càng và tỉ mỉ.

Độc đáo từ tên gọi...

"Nhân tượng" là môn nghệ thuật phổ biến trên thế giới, đặc biệt là các nước Tây Âu. Tại Việt Nam, đây là loại hình khá mới mẻ. Các "nhân tượng" thường thấy ở mọi sự kiện, từ buổi tổng kết cuối năm của doanh nghiệp hay buổi ra mắt sản phẩm mới, giới thiệu dịch vụ hay khai trương trung tâm, thậm chí là trong... đám cưới.

Các "nhân tượng" thường hóa trang rất ấn tượng, trên người phủ một lớp sơn màu và tạo những tư thế lạ, độc đáo để thu hút sự chú ý của mọi người. Nếu để quảng cáo cho sản phẩm, "nhân tượng" sẽ cầm bảng có logo sản phẩm hoặc được vẽ logo lên người.

Loại hình biểu diễn này khá được ưa chuộng ở các thành phố lớn. Thế nhưng, để hiểu tường tận nghề làm người mẫu "nhân tượng", không đơn giản. Sau mấy lần lên lịch hẹn, chúng tôi mới được Trịnh Hải Đăng (23 tuổi, thành viên nhóm Nhân tượng Việt tại TP Hồ Chí Minh) đưa đi tìm hiểu và trải nghiệm thực tế.

Hải Đăng tâm sự, nghề "nhân tượng" tuy không còn xa lạ với giới trẻ nhưng rất ít người dám nhận việc. Bởi nghề đòi hỏi rất khắt khe, từ việc rèn luyện cơ thể đến lên ý tưởng, tạo hình, hóa thân thành tượng để biểu diễn trước đông đảo công chúng mà giữ được thần thái như tượng để họ không biết mình là… người.

Khi hóa thân thành “tượng sống”, nhiều lúc nắng nóng, phải bôi quết bột hóa trang khắp người, mặc trang phục kín mít và đứng bất động nhiều giờ, cơ thể rã rời, mệt lả. Kiệt sức, hỏng tóc, hỏng da… là những gì người theo nghề "nhân tượng" phải chịu khi đã chấp nhận dấn thân.

Chưa hết, quá trình để biến một người bình thường thành... tượng cũng hết sức công phu và khéo léo. Sau khi nhận được lịch diễn và yêu cầu của khách hàng, cả nhóm sẽ lên kế hoạch, vào vai và hóa trang. Đây là công đoạn tỉ mỉ và gần như quyết định với những mẫu "tượng sống".

Trong đó, phấn hóa trang sẽ biến toàn bộ cơ thể người thành cơ thể tựa như ma nơ canh. Tùy theo yêu cầu của đối tác để sử dụng loại màu phấn thích hợp. Người mẫu được bôi phấn hóa trang toàn bộ cơ thể, thậm chí cả những vùng nhạy cảm như mắt, môi, tóc, tai… để biến hoàn toàn một người bình thường thành tượng.

Dù khá trẻ về tuổi đời nhưng Trịnh Hải Đăng đã có "thâm niên" làm nghề nhân tượng được vài năm. “Ý tưởng làm "nhân tượng" bắt đầu khi mình đi du lịch tại Thái Lan và thấy sức hút từ nghề này khá lớn. Khi về nước, mình nảy ra ý định thành lập nhóm Nhân tượng Việt cùng với các bạn trẻ chung ý tưởng và đam mê”, Trịnh Hải Đăng nhớ lại cái duyên đến với nghề.

Hiện nhóm của Đăng có gần mười người mẫu "nhân tượng", hầu hết đều là người trẻ, có bạn đang là sinh viên. Thù lao cho mỗi người mẫu từ 1 đến 3 triệu đồng/sự kiện, tùy độ khó của hóa trang hay nhân vật hóa thân, ngoài ra còn phụ thuộc vào việc chỉ đứng im hay còn nhảy múa, ca hát, tương tác với khách hàng. Mỗi chương trình, nhóm của Đăng nhận từ 5 tới 15 triệu đồng cho 1 đến 2 giờ trình diễn.

Hoài bão cho hướng đi mới

Kể về những khó khăn trong nghề, người mẫu Hà My (21 tuổi) khẽ cười rồi cho biết, đã làm nghề được hơn một năm nay. "Làm "nhân tượng", đứng bất động trong suốt sự kiện, nhiều khi bị kiến cắn, muỗi chích, côn trùng bay vào mắt cũng không được cử động. Đó là chưa kể tình huống “dở khóc, dở cười” khi nhiều du khách hay các em nhỏ còn thử... cấu, véo, cào vào người mình để kiểm chứng thực, hư. Thú thật lúc đầu mình cảm thấy rất khó chịu nhưng dần cũng quen với công việc lắm gian truân này", Hà My kể.

Tôi luyện với nghề, giờ đã như bản năng, mỗi khi vào vai, lập tức cả người Hà My đứng bất động, dù khách vô tình xô đẩy, chạm vào, cũng không nhúc nhích, không phản ứng. Nhiều lúc nhập vai đến nỗi, Hà My quên mất mình là người, chỉ đến khi có người gọi tên mới sực tỉnh. Nói về nghề, My cho biết, nghề làm mẫu "nhân tượng" có tính đặc thù cao, lại nhiều yêu cầu khắt khe nên nếu không thực sự đam mê sẽ khó lòng theo đuổi.

Ngoài ra, người mẫu cũng cần phải biết hóa trang thành nhiều nhân vật khác nhau, tùy theo yêu cầu của khách hàng, hay tự mình phải lên ý tưởng khi khách hàng yêu cầu. "Có khi bản thân hóa thành tượng công chúa, tượng nữ hoàng, nhưng cũng có lúc hóa trang thành tượng bà già, thành ma nơ canh, thậm chí là cả… xác chết trong lễ hội Halloween. Nói chung, hóa thân thành tượng nào cũng phải diễn cho đạt, đúng với vai mà mình diễn”, Hà My trải lòng.

Cùng với sự phát triển của các loại hình giải trí, nhu cầu sử dụng "nhân tượng" tại TP Hồ Chí Minh đang phát triển. Vì thế, dù khá cực nhọc nhưng công việc của người mẫu và đặc biệt các bạn trẻ trong nhóm Nhân tượng Việt khá thuận lợi, lịch diễn kín đặc, nhất là những ngày cuối tuần hay dịp lễ.

Thậm chí, nhóm Nhân tượng Việt còn nhận được lời mời diễn ở các tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, Bình Dương hay Nha Trang… “Dù còn nhiều khó khăn nhưng nghề mẫu "nhân tượng" là hướng đi khác biệt và chỉ khi thực sự đam mê mới có thể theo đuổi được nghề”, Hải Đăng khẳng định..

Theo Gia Bảo/Báo Hà Nội mới