Vui buồn chuyện nghề bác sĩ cún cưng

Con Thọt sau khi được phẫu thuật tháo khớp, chỉ còn lại ba chân, bác sĩ Chung đưa về nuôi ở khoa. Ngày ngày, con Thọt cứ chạy lọt thọt khắp khoa với ba cái chân ngắn củn. Cái tên Thọt cũng vì thế mà ra đời.

Nghề chọn người…

Hẹn gặp bác sĩ Hoàng Chung (34 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào một sáng chủ nhật. Với nhiều người, ngày cuối tuần là thời gian thảnh thơi nhất thì với bác sĩ Chung lại tương đối bận rộn. Điện thoại anh liên tục réo. Anh giải thích: “Khách gọi điện hẹn chữa bệnh cho chó”.

Ngày xưa, bác sĩ Chung chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành bác sĩ thú y, chăm sóc sức khỏe cho chó. Ngày trẻ, anh nuôi giấc mơ trở thành một kỹ sư xây dựng, ngày ngày theo các công trình, xây nên những ngôi nhà mới thật cao, thật đẹp.

Thế nhưng anh thi rớt ngành xây dựng ĐH Đà Nẵng, đành theo học nguyện vọng 2 ngành chăn nuôi thú y ĐH Nông lâm Huế. Anh bảo hồi ấy đặt bút ghi nguyện vọng 2, chỉ “ghi đại cho có” vì đâu có nghĩ mình sẽ rớt ngành xây dựng. Ai ngờ lần đặt bút không chủ tâm ấy đã định trước anh sẽ theo và gắn bó với nghề này. “Nghề chọn mình, trước khi mình có ý định yêu nghề”, Chung dí dỏm.

Ngày nhỏ Chung kể chẳng mấy yêu thích vật nuôi. Chỉ sau ngày thực tập ở vùng quê trở về, tình cảm với chó mèo chuyển biến mạnh mẽ. Anh “cạch” hẳn mấy quán cầy tơ. Với ngành đang theo học cũng chú tâm và yêu thích rõ ràng. Chung bảo, hồi ấy theo thầy cô về nông thôn tiêm phòng, chữa bệnh cho vật nuôi. Cùng thầy cô chăm sóc, chạy chữa cho mấy chú cún bệnh tật, nhìn vào những ánh mắt như biết biểu lộ cảm xúc, anh thật sự xúc động trong lòng. Tình yêu nghề cứ vậy mà từ từ len lỏi vào tim.

Với những chú chó bị bỏ rơi, sau khi chữa lành bệnh, anh sẽ tìm cho chúng những ngôi nhà mới
Với những chú chó bị bỏ rơi, sau khi chữa lành bệnh, anh sẽ tìm cho chúng những ngôi nhà mới

Lần đầu tiên anh một mình đỡ đẻ cho chó là một buổi chiều hè. Anh đang một mình trực trong trạm thú y thì có người bồng một chú chó phốc đang khó sinh đến trạm. Chú chó phốc sinh đôi. Con chó con ra đời trước đã chết. Con còn lại vẫn “kẹt” trong bụng mẹ, mãi không sinh được. Sau khi thăm khám, anh chỉ định mổ ngay. Có điều chủ con chó phân vân lo sợ: “Mổ lỡ chết răng. Mi mặt non choẹt rứa biết mổ xẻ chi”.

Thấy chủ chó cứ cuống cuồng lo sốt vó, người bác sĩ trẻ bảo ông đứng qua một bên để mình tiến hành ca mổ. Người đàn ông núp sau cánh cửa, chốc chốc lại ló đầu vào, hét toáng lên, miệng mếu xệch: “Mi làm ri, chết chó tau răng”. Có lẽ không đủ can đảm để chứng kiến hết ca mổ; hoặc không dám đối mặt với tình huống xấu, chủ chó bỏ đi không trở lại.

Hai mẹ con chú chó được bác sĩ Chung mổ đẻ thành công. Anh dán thông báo trước cổng trạm thú y, nhưng bản thông báo dán suốt một tuần vẫn không thấy người chủ quay lại. Thế là anh mang phốc về nhà nuôi, gắn bó với nhau thoáng chốc đã chục năm trời.

Anh kể, bản thân làm bác sĩ thú y, nhưng chó mình nuôi bị bệnh, anh lại không dám tiêm. Bởi chỉ cần tiêm một mũi, con phốc sẽ làm mặt giận, “lơ” luôn chủ mấy ngày liền. Có khi chuẩn bị sẵn tinh thần, cầm kim tiêm trong tay, nhưng nhìn mắt con phốc rưng rưng, miệng liên tục làm bộ sợ hãi, anh lại không đành lòng. Đành điện học trò tới làm thay. Cũng bởi quá thương yêu chú chó ấy, mà mấy năm trước khi chó khó sinh, anh không dám tự tay mình mổ, chỉ dám đứng bên cạnh phụ tá.

… Người yêu nghề

Sau khi tốt nghiệp ĐH, anh được giữ lại trường, năm 2011 được chọn đi tập huấn ở trường nông công nghệ Tokyo (Nhật Bản). Sau đó lấy được học bổng học thạc sĩ tại Thái Lan, hiện anh làm giảng viên Khoa chăn nuôi thú y thực hành của ĐH Nông Lâm Huế. Hàng chục năm công tác, giờ anh đã là gương mặt quen thuộc với nhiều gia đình nuôi thú cưng tại Huế.

Với bác sĩ Chung, chữa trị cho chó bị bệnh không phải vì anh là một bác sĩ, mà còn bởi vì tình yêu thương. Những cuộc điện thoại gọi đi chữa bệnh trong những ngày nắng cháy, những đêm mưa gió bão bùng… anh đều không nề hà. Chỉ lo chậm một chút, mấy con chó đáng thương kia lại chịu đau thêm một phần. Mưa gió vẫn đi, nên mới có chuyện có lần cả thầy lẫn trò bị gió thổi bay xuống ruộng.

Bác sĩ Chung không nhớ nổi đã chữa trị không biết bao nhiêu chú chó, trong đó có rất nhiều chú chó hoang. Mỗi ca bệnh đáng nhớ đều có một câu chuyện dài phía sau. Nhưng có lẽ, con chó “Thọt” vẫn là con chó anh từng yêu thương nhất.

Truyền tình yêu nghề cho các thế hệ sinh viên
Truyền tình yêu nghề cho các thế hệ sinh viên

Gọi là “Thọt” vì chú chó chỉ có ba chân. Khi “Thọt” được một bác xe ôm đem đến trạm, con chó bị xe tông nát một chân. Bác xe ôm ôm con chó trong lòng: “Nhờ chú cứu giúp. Con chó này tui nhặt được trên đường, không phải chó nhà tui”.

Con Thọt bị thương nặng, cái chân bị nạn gân cơ bay hết, xương cũng bị bào sạch. Bác sĩ Chung quyết định mổ tháo khớp. Trước khi gây mê tiến hành ca mổ, bác xe ôm còn ra ngoài mua sữa. Con Thọt lúc ấy tuy vô cùng đau đớn, nhưng vẫn từ tốn thè lưỡi liếm từng giọt sữa, đôi mắt long lanh ướt át như chứa đầy nước cứ chăm chăm nhìn bác sĩ Chung và bác xe ôm.

Con Thọt sau khi được phẫu thuật tháo khớp, chỉ còn lại ba chân, bác sĩ Chung đưa về nuôi ở khoa. Ngày ngày con Thọt cứ chạy lọt thọt khắp khoa với ba cái chân ngắn củn. Cái tên Thọt cũng vì thế mà ra đời.

Thọt gắn bó ở khoa suốt 6 tháng ròng, trước khi anh tìm ra vị chủ mới cho Thọt. “Đã nuôi, rồi chăm sóc là thương lắm. Đi công tác hai ba ngày không gặp là nhớ ngay. Buổi sáng đến trường, bước chân vào khoa đã thấy nó chạy đến quấn lấy chân, thương không chịu được”.

Có lẽ “biết thân biết phận”, nên Thọt rất dễ nuôi. Ai cho gì cũng ăn. Sinh viên trong khoa rất thương, thường mang thức ăn đến cho Thọt. Bác sĩ Chung lại càng quan tâm hơn. Sáng đi ăn sáng cũng nhớ mang một phần về. Trưa lại đưa cơm đến. Con Thọt mê nhất món cháo lòng, chiều nào cũng ưu tiên được một tô.

“Sai lầm” ngày xưa “chọn đại” nghề, nay đã thành niềm hạnh phúc
“Sai lầm” ngày xưa “chọn đại” nghề, nay đã thành niềm hạnh phúc

Anh Chung chia tay Thọt, khi có một bác xích lô ngày ngày chở một chú chó đến phòng khám của trường chữa bệnh. Con chó này là của một người chủ kinh doanh khách sạn. Do không có thời gian đưa chó đi chữa bệnh, người chủ thuê một bác xích lô chở đi. Bác này rất thương con Thọt. Lần nào đi mua thức ăn cho chó của mình, cũng mua thêm một phần cho Thọt. Thấy bác xích lô có vẻ thương con Thọt, mà con Thọt cũng đã lành bệnh, không thể nuôi mãi trong khoa, anh hỏi bác xích lô muốn nuôi con Thọt không. Bác xích lô mừng rỡ gật đầu. Vậy là Thọt về nhà mới.

Chia tay một tuần, nhớ quá, bác sĩ Chung chạy xe đi tìm nhà bác xích lô. Ngặt nỗi bác này không xài điện thoại, nhà lại không biết ở đâu, anh chỉ biết bác chạy xe ở khu vực bến xe phía Bắc. Mấy ngày lui tới bến xe thăm hỏi anh vẫn không thể tìm được. Đây chính là nguyên nhân mà sau này khi tìm nhà mới cho mấy con chó, anh luôn tìm hiểu thật kỹ càng.

Anh bảo càng làm, càng thấy yêu nghề hơn. “Sai lầm” ngày xưa “chọn đại” nghề này, nay đã thành niềm hạnh phúc, khi được tiếp xúc chữa trị cho những con vật rất tình cảm trung thành với người nuôi, và truyền tình yêu nghề cho thế hệ sinh viên.

Bác sĩ Chung đã nhặt về, chữa trị rất nhiều chú chó “vô gia cư”, hoặc những chú chó bệnh nặng bị chủ vất bỏ. “Có khi mình được mời đến chữa bệnh, nhưng nghe chi phí, người ta từ chối. Thương con chó bị bệnh phải chịu đau đớn, mình xin được chữa miễn phí. Vậy mà có khi vì sĩ diện, người ta lại dứt khoát chối từ. Những lúc như thế, mình đành nói tránh nhà không có chó, muốn được mua con chó kia về chữa trị rồi nuôi”.

Những chú chó này sau khi được đưa về chữa trị lành, anh sẽ tìm cho chúng những ngôi nhà mới. Căn nhà nhỏ của anh trong thành nội lúc nào cũng ồn ào. Những lúc quá tải, anh gửi nhờ sang phòng trọ của mấy người học trò. Mỗi lần tìm một người chủ mới cho chó, bao giờ anh cũng miễn phí một năm tiền thuốc men chữa trị cho chó. Bởi anh lo sợ, khi chó bị bệnh, chủ mới lại vứt bỏ chúng.

Theo Báo Pháp Luật VN