1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vụ giám đốc là người bán hàng căng tin: Danh hão nhưng đi tù thật

Xuân Trường

(Dân trí) - Người bán hàng ở căng tin là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại may Tuấn Vinh sẽ đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý nếu doanh nghiệp không trả nợ lương và BHXH cho người lao động.

Ai đứng phía sau công ty Tuấn Vinh?

Ngày 3/4, nhiều công nhân, người lao động tiếp tục kéo đến trước nhà xưởng của Công ty TNHH sản xuất thương mại may Tuấn Vinh (đóng tại số 12 đường HT25 khu phố 2, phường Hiệp Thành, quận 12) để đòi tiền lương, giải quyết nợ BHXH.

Ông Nguyễn Văn Trắng, công nhân may, cho biết, từ trước đến nay dù công ty nhiều lần đổi tên nhưng toàn thể người lao động chỉ biết ông Quản Văn P. làm chủ. Ông P. là người trực tiếp điều hành và quản lý công ty.

Vụ giám đốc là người bán hàng căng tin: Danh hão nhưng đi tù thật - 1

Công ty TNHH sản xuất thương mại may Tuấn Vinh do ông Lê Văn Tuấn, người bán hàng ở căng tin đứng tên giám đốc (Ảnh: Xuân Trường).

"Tôi bị nợ tiền lương và BHXH, khi làm việc với cơ quan chức năng tôi mới tá hỏa khi biết công ty Tuấn Vinh do ông Lê Văn Tuấn (SN 1996, quê ở Đắk Lắk), người bán hàng ở căng tin đứng tên giám đốc.

Từ ngày xảy ra sự việc đến nay, ông P. và ông Tuấn không trực tiếp đứng ra để giải quyết nợ cho công nhân chúng tôi mà ủy quyền quanh cho hết người này đến người khác", ông Trắng bức xúc.

Tương tự, nữ công nhân may tên Nhung cho hay, khi xảy ra sự việc, tất cả mọi người rất bất ngờ khi biết ông Lê Văn Tuấn đứng tên Giám đốc công ty Tuấn Vinh, còn ông Hồ Thế X. (SN 1963, quê Bình Định) làm bảo vệ đứng tên Giám đốc Công ty sản xuất thương mại may DV Fashion.

Ông H. (người từng được công ty Tuấn Vinh ủy quyền) cho hay, nhà máy này do Công ty TNHH may Hà Nam An 3 quản lý. Sau đó, công ty được đổi tên thành Công ty TNHH sản xuất thương mại may DV Fashion (có cùng địa chỉ, cùng mã số thuế với Công ty Hà Nam An 3) do ông Hồ Thế X., là bảo vệ đứng tên giám đốc.

Tháng 11/2023, Công ty may Tuấn Vinh được thành lập mới do ông Lê Văn Tuấn đứng tên giám đốc. Lúc này, toàn bộ người lao động từ Công ty DV Fashion vẫn tiếp tục làm cho Công ty Tuấn Vinh mà không được ký lại hợp đồng lao động, do đó cũng không được đóng BHXH.

Vụ giám đốc là người bán hàng căng tin: Danh hão nhưng đi tù thật - 2

Người lao động tập trung trước cửa công ty Tuấn Vinh để đòi nợ lương, BHXH (Ảnh: NLĐ cung cấp).

Những người lao động bị nợ lương khẳng định, dù công ty này đã nhiều lần đổi tên, thuê hay nhờ người khác đứng tên giám đốc nhưng ông Quản Văn P. vẫn làm chủ và điều hành mọi hoạt động của công ty.

Để thông tin cụ thể về sự việc, phóng viên Dân trí đã nhiều lần liên hệ với ông Lê Văn Tuấn nhưng ông Tuấn không đưa ra phản hồi nào về sự việc. 

Giám đốc "bảo vệ", "bán hàng căng tin" gánh trách nhiệm!

Những công nhân, người lao động đang bị nợ lương có kế hoạch, nếu đến ngày 10/4 như đã cam kết mà công ty không giải quyết nợ lương, nợ BHXH thì họ sẽ thực hiện các thủ tục khởi kiện ra tòa để giải quyết, đòi lại quyền lợi".

Thực tế tại TPHCM thời gian qua cũng có nhiều người bỗng dưng trở thành giám đốc doanh nghiệp. Được làm giám đốc trên giấy tờ nhưng thực chất những nhân viên bảo vệ, người bán hàng căng tin... này không trực tiếp quản lý và hoàn toàn không nắm được hoạt động của công ty.

Vụ giám đốc là người bán hàng căng tin: Danh hão nhưng đi tù thật - 3

Công nhân thay phiên nhau đứng trước cổng công ty, canh giữ, chặn nguy cơ tẩu tán tài sản (Ảnh: NLĐ cung cấp).

Tuy nhiên khi công ty xảy ra tranh chấp, nợ thuế, nợ lương, BHXH… những giám đốc thuê mới tá hỏa. Thực tế đã có những trường hợp người được "nhờ đứng tên giám đốc" như vậy mà phải ngồi tù.

Liên quan đến việc đứng tên doanh nghiệp thay người khác, Luật sư Nguyễn Văn Ân (Đoàn luật sư TPHCM) chỉ rõ, về nguyên tắc, người đại diện pháp luật là người chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của công ty, do đó người được thuê làm giám đốc phải chịu trách nhiệm giải quyết nợ lương, nợ BHXH cho người lao động.

Theo luật sư Ân, quy định của pháp luật hiện hành không cấm việc chủ doanh nghiệp thuê người khác làm giám đốc. Từ đó, nhiều chủ doanh nghiệp đã cố ý mượn danh người khác để luồn lách, né tránh trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Trên thực tế, những người được thuê làm giám đốc chỉ đứng tên trên danh nghĩa mà không thực sự điều hành doanh nghiệp hoặc không có khả năng điều hành dễ nhận về mình những rủi ro khi bị chủ doanh nghiệp thực sự thao túng mà nặng nhất là phải chịu trách nhiệm hình sự khi bị lợi dụng, mượn tay thực hiện những việc vi phạm pháp luật.

Vụ giám đốc là người bán hàng căng tin: Danh hão nhưng đi tù thật - 4

Ông Hồ Thế X. đang bị áp lệnh tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 8/3/2024 (Ảnh: Xuân Trường).

Bên cạnh đó, trong trường hợp doanh nghiệp nợ thuế, nợ BHXH thì người đại diện pháp luật có thể bị cơ quan nhà nước cấm xuất cảnh hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác.

Ngoài ra, người đại diện pháp luật có thể bị cơ quan tòa án liên tục mời làm việc để giải quyết tranh chấp dân sự với đối tác, khách hàng, người lao động…

Mặc dù pháp luật không cấm nhưng việc đứng tên giám đốc thay cho người khác rất dễ gặp những rủi ro. Do đó, người dân cần cảnh giác, tuyệt đối không vì cái lợi trước mắt mà đứng tên giúp người khác.

"Trong trường hợp cụ thể trên, nếu công ty Tuấn Vinh không giải quyết chế độ cho công nhân thì người lao động nên khởi kiện để yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, người lao động có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành phát mãi tài sản của doanh nghiệp (nếu có) để thanh toán cho người lao động", luật sư Ân nêu rõ.