Vĩnh Long: Sẽ hoàn thành chi hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng trong tháng 5
(Dân trí) - Ngày 20/5, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội đã đến Vĩnh Long để kiểm tra việc trao tiền hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Phấn đấu chi xong trong tháng 5
Tại xã Long Phước, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long), đoàn công tác đã dự buổi chi trả tiền hỗ trợ ở các đối tượng nhận tiền trợ cấp từ gói 62.000 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết, hầu hết các đối tượng đều phấn khởi trước những chính sách hỗ trợ trong lúc khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao sự chỉ đạo, quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh cùng các ngành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong nỗ lực chi trả tiền hỗ trợ cho bà con.
“Các địa phương cần nỗ lực hơn nữa, bằng mọi giá địa phương phải chi trả xong ba nhóm đối tượng đầu tiên trong ngày 22/5. Các nhóm còn lại phải được chi xong trong tháng 5/2020”, ông Nguyễn Văn Hồi nói.
Theo Chủ tịch UND xã Long Phước, Nguyễn Thanh Tú, huyện đã rà soát, lập danh sách và đang tiến hành chi trả cho ba nhóm đối tượng đầu tiên, gồm có 732 đối tượng với tổng số tiền hơn 920 triệu đồng. Trong ngày 20/5, xã chi trả cho 272 đối tượng bảo trợ xã hội, 16 hộ nghèo và 32 hộ cận nghèo với số tiền trên 520 triệu đồng.
Ngoài ra, xã cũng đã lập danh sách và công khai niêm yết 358 đối tượng là người lao động không có hợp đồng lao động làm việc trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp.
Vừa làm vừa ...gỡ
Chiều cùng ngày, tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long, đoàn công tác đã làm việc với Sở, ngành trên địa bàn tỉnh để nghe báo cáo, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai chi trả hỗ trợ.
Bà Phan Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long cho biết, việc triển khai theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP của Chính phủ có tính nhân văn nên nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai có không ít khó khăn, vướng mắc như việc một số nơi chỉ lập danh sách người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Trong khi đó, Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định đối tượng gồm thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, thương binh hưởng mất sức lao động hàng tháng. Do vậy, tỉnh phải lập hồ sơ bổ sung danh sách.
Đồng thời, tỉnh phải rà soát đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo để tránh trùng, gây mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ hỗ trợ.
Đối với nhóm đối tượng là người lao động không giao kết hợp đồng lao động, giai đoạn đầu triển khai, địa phương còn lúng túng trong khâu xác định đối tượng nên tiến độ còn chậm. Nguyên nhân là nhóm đối tượng này khá đa dạng.
Một số đối tượng khác không thuộc phạm vi Nghị quyết 42/2020/NQ-CP và Quyết định 15/2020//QĐ-TTg gây thắc mắc, như: Vợ/chồng liệt sĩ lấy chồng/vợ khác đang hưởng trợ cấp hàng tháng; người làm trong lĩnh vực xây dựng và giáo viên mầm non.
Theo bà Hạnh, để khắc phục những khó khăn nêu trên, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho các đối tượng, nhất là hộ kinh doanh, doanh nghiệp biết để đăng ký hồ sơ hỗ trợ theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác chi trả cho đối tượng, đảm bảo đúng đối tượng, không lợi dụng chính sách để trục lợi.
Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Long, ba nhóm người dân đang được chi trả trong tỉnh với 101.782 đối tượng, tổng kinh phí hơn 111 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/5, tỉnh Vĩnh Long đã chi trả cho 10.700 đối tượng với tổng kinh phí hơn 11,8 tỷ đồng.
Quốc An