1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Việt Nam là nước thứ 2 trong các nước ASEAN thực hiện BHTN

(Dân trí) - “Việt Nam là nước thứ 2 trong ASEAN thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và là nước thứ 79 trên thế giới thực hiện chính sách BHTN. Tham gia chính sách, người lao động sẽ được thụ hưởng 4 chính sách ưu đãi…”.

Việt Nam là nước thứ 2 trong các nước ASEAN thực hiện BHTN - 1

Ông Lê Quang Trung - Cục phó, Phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), chia sẻ tại Buổi Giao lưu giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp 2019. Chương trình do Báo Dân trí và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hôm 28/6 tại Hà Nội.

Cung cấp thêm thông tin với bạn đọc, ông đại diện Cục Việc làm cho biết: “Đây là chính sách nhằm hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong thị trường lao động. Việt Nam bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2009 được quy định trong luật BHXH. Đến ngày 1/1/2015, chính sách BHTN được thực hiện theo Luật Việc làm”.

Theo đó, chính sách được gắn với các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế sa thải lao động, hỗ trợ tích cực đối với người thất nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Các nước áp dụng chính sách BHTN đều giao cho hệ thống TT DVVL thực hiện” - ông Lê Quang Trung cho biết.

Giải thích thêm về chính sách, ông Lê Quang Trung cho biết: “Luật Việc làm đã phù hợp với các thông lệ quốc tế. Hiện nay người lao động thất nghiệp muốn có nhu cầu để hưởng TCTN thì phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tại TT DVVL thuộc Sở LĐ TBXH. Đây là một điều kiện để hưởng TCTN theo quy định tại Khoản 3 điều 49 của Luật Việc làm”.

Nhận định của đại diện Cục Việc làm, sau nhiều lần điều chỉnh và bổ sung, chính sách BHTN về cơ bản đã hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu của việc triển khai và đem lại lợi ích cho NSDLĐ.

“Trước hết, NLĐ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Tiếp theo, chính sách đã giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc nếu NLĐ và NSDLĐ tham gia BHTN thÌ không phải chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn” - ông Lê Quang Trung cho biết.

Ngoài ra, NLĐ được hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm, cung ứng lao động mà quan trọng hơn là cung cấp thông tin về thị trường lao động trên cơ sở chính sách BHTN.

Chính sách còn tạo điều kiện để NLĐ và người SDLĐ gắn kết cùng chia sẻ và khẳng định việc thực hiện tốt các chế độ đối với NLĐ. Qua đó củng cố, tạo niềm tin và để NLĐ yên tâm làm việc cùng với người sử dụng lao động.

Chế độ hỗ trợ đào tạo nghề để qua đó duy trì việc làm cho người lao động?

Theo ông Lê Quang Trung, đây là chính sách mới được quy định trong Luật Việc làm. Thực hiện NQ 28 ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành TƯ khóa 7 về cải cách chính sách BHXH và NQ số 125 ngày 8/10/2018 của CP, Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương nghiên cứu đề xuất các chính sách, quy định để phát huy đầy đủ và có hiệu quả các chức năng của BHTN, đảm bảo hỗ trợ thiết thực cho cả NLĐ và NSDLĐ.

“Đồng thời, BHTN phải thực sự trở thành công cụ để quản lý thị trường lao động để hướng tới sửa Luật việc làm vào năm 2021-2022” - ông Lê Quang Trung cho biết.

Đức Trường