Việt Nam có trên 50 triệu người trong độ tuổi lao động
(Dân trí) - Thống kê cho thấy, năm 2011, tại Việt Nam lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 51,39 triệu người, tăng 1,97% so với năm 2010. Hàng nghìn tỷ đồng đã được chi để tạo việc làm và dạy nghề cho người lao động trên cả nước.
Việc làm bền vững là cơ hội việc làm có năng suất, có mức thu nhập công bằng, bảo đảm an toàn ở nơi làm việc và bảo trợ xã hội về mặt gia đình. Thúc đẩy việc làm bền vững ở các quốc gia nói chung và ở Việt Nam nói riêng chính là con đường thoát nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia đầu tiên trên thế giới được ILO lựa chọn triển khai áp dụng bộ công cụ lồng ghép việc làm và việc làm bền vững của Liên Hợp Quốc (Tool Kit for mainsteaming Employment and Decent work) nhằm đánh giá mức độ lồng ghép việc làm và việc làm bền vững.
Thống kê cho thấy, năm 2011, tại Việt Nam lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 51,39 triệu người, tăng 1,97% so với năm 2010, trong đó lao động nam chiếm 51,6%; lao động nữ chiếm 48,4%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 46,48 triệu người, tăng 0,12%.
Ở Việt Nam, từ năm 2001 tới nay, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đã được xây dựng và triển khai qua hai giai đoạn 2001- 2005 và đến 2010, Chương trình đã có sự lồng ghép hiệu quả với các chương trình kinh tế xã hội khác đem góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động…
Việt Nam hiện có 51,39 triệu người trong độ tuổi lao động (Ảnh minh họa)
Cụ thể, trong giai đoạn 2001-2010, với nguồn vốn bổ sung hàng năm từ Ngân sách Nhà nước, đến nay Quỹ Quốc gia về việc làm đã tích luỹ được trên 3.761 tỷ đồng và được phân bổ cho 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội. Ngoài ra, có 45 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ việc làm địa phương với số vốn trên 950 tỷ đồng.
Song song với đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hiện lao động Việt Nam đã có mặt trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại. Riêng trong giai đoạn 2006-2010, đã đưa được 409 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, có trên 30 tỉnh, thành phố có trên 1 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài/năm.
P. Thanh