Việc nên làm ngày cuối năm
Cuối năm là thời gian mà các doanh nghiệp thường bận rộn với nhiều việc, từ các công việc đối nội như xem xét lại các quy trình làm việc, đánh giá thành tích làm việc của nhân viên cho đến các công việc đối ngoại như rà soát lại hệ thống phân phối, tổ chức các sự kiện, hội nghị khách hàng...
Theo Ty Freyvogel - Chủ tịch Công ty Greyvogel communications, chuyên tư vấn về lĩnh vực viễn thông dành cho các doanh nghiệp - các nhà quản trị nên dành thời gian để làm những việc dưới đây vào dịp cuối năm.
1. Rà soát lại các quy trình, hệ thống làm việc từ trên xuống dưới
Việc làm này sẽ giúp doanh nghiệp xác định các vấn đề vướng mắc cần giải quyết và tháo gỡ. Doanh nghiệp có thể tự mình giải quyết các vấn đề hoặc nhờ đến sự hỗ trợ, hướng dẫn từ bên ngoài, chẳng hạn, cần một chuyên gia máy tính tư vấn việc sử dụng phần mềm sao cho hiệu quả hơn.
Đừng nên giả định rằng mọi thứ đều đang diễn ra trôi chảy như lúc đầu và doanh nghiệp không cần phải điều chỉnh gì? Khi rà soát lại các quy trình, hệ thống làm việc của doanh nghiệp mình, nhiều ông chủ doanh nghiệp thường rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng doanh nghiệp của họ lẽ ra đã có thể đạt được nhiều thành công hơn nếu không bị rơi vào một số thói quen, lối mòn cũ.
2. Xem xét lại tất cả các hợp đồng với các nhà phân phối
Doanh nghiệp cần phải xem lại quan hệ với từng nhà phân phối, chính sách giá cả áp dụng cho họ ra sao, hiệu quả hợp tác với họ như thế nào và quan hệ hợp tác có đem lại lợi ích cần thiết cho hai bên hay không. Nếu không, cần phải thay đổi các chính sách phân phối.
3. Xác định lại những khách hàng tốt nhất và gửi lời cảm ơn đến họ
Nên xác định lại các khách hàng tốt nhất theo mức đóng góp lợi nhuận mà mỗi khách hàng đem lại cho doanh nghiệp. Những khách hàng thường xuyên làm ăn với doanh nghiệp chưa chắc tốt nhất nếu xét về khả năng tạo ra lợi ích cho từng khách hàng đem lại doanh nghiệp. Sau khi đã xác định được những khách hàng tốt nhất, cần phải có hành động bày tỏ sự cảm ơn họ, tìm hiểu xem họ mong muốn thêm điều gì để giúp họ cải thiện hay phát triển kinh doanh.
4. Đánh giá thành tích làm việc của các nhân viên và tìm hiểu nguyện vọng của nhân viên
Thảo luận với các nhân viên xem họ có thể làm điều gì để doanh nghiệp vận hành tốt hơn. Nên tranh thủ cơ hội để tìm hiểu điều gì làm cho các nhân viên đam mê, gắn bó với công việc nhiều nhất và họ muốn phát huy năng lực của mình ở những lĩnh vực, công việc nào nhất. Đôi khi các nhân viên có những nguyện vọng rất đơn giản mà chủ doanh nghiệp lại không nghĩ đến.
5. Đối xử với các nhân viên như những đối tác chiến lược
Những người có khả năng xây dựng quan hệ tốt với khách hàng thường là các nhân viên làm việc thường xuyên với khách hàng. Họ có thể có nhiều ý tưởng để tạo ra sự thỏa mãn nhiều hơn cho khách hàng mà nhà quản trị lại chưa phát hiện ra. Hãy tổ chức một cuộc diễn đàn cuối năm để thu thập các ý tưởng này, lắng nghe đề xuất của các nhân viên để làm cho họ có cảm giác rằng chính họ là nhũng đối tác quan trọng của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy họ làm việc tốt hơn.
6. Dọn dẹp văn phòng
Cuối năm là một dịp tốt để dọn dẹp những thứ không còn cần thiết cho công việc. Các nhân viên chắc chắn sẽ làm việc vui vẻ hơn và có hiệu quả hơn trong một môi trường sạch sẽ, ngăn nắp. Một môi trường làm việc sạch đẹp sẽ góp phần kích thích sự sáng tạo của các nhân viên.
7. Xem xét lại chiến dịch tiếp thị
Doanh nghiệp cần rà soát lại xem những hoạt động tiếp thị nào đang có tác dụng tốt và những hoạt động nào không có hiệu quả. Không nên ngần ngại thay đổi chiến dịch tiếp thị nếu nó không còn tác dụng nữa.
8. Bảo trì, cập nhật trang web của doanh nghiệp
Nội dung của trang web cần phải được cập nhật để phản ánh những thay đổi trong năm qua và phương hướng hoạt động của doanh nghiệp trong năm tới.
9. Xem xét nâng cấp công nghệ
Nếu doanh nghiệp cần thay các máy tính mới hay lắp đặt một hệ thống điện thoại mới thì cuối năm là thời điểm tốt để thực hiện. Việc nâng cấp các công nghệ luôn cần thiết vì điều này sẽ giúp các nhân viên tiết kiệm được thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.
10. Xem xét lại các hợp đồng bảo hiểm
Các doanh nghiệp thường có thói quen ký các hợp đồng bảo hiểm xong thì không để ý tới nữa cho đến khi xảy ra sự cố. Hãy dành thời gian để xem xét lại các điều kiện và điều khoản của các hợp đồng bảo hiểm.
Theo Doanh nhân Sài Gòn