Việc làm cho người tàn tật: Bao giờ hết khó?

(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ LĐ - TBXH, trong số hơn 1,5 triệu người tàn tật có khả năng lao động, hiện vẫn còn hơn 600 nghìn người chưa có việc làm. Ngoài ra còn có hàng triệu người tàn tật chưa được qua đào tạo nghề.

Ngại sử dụng lao động tàn tật

 

Trong số gần 900 nghìn lao động tàn tật có việc làm chủ yếu là làm những công việc liên quan đến ngành nghề truyền thống, đơn giản, thu nhập thấp. Những người có cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp cũng chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ của tư nhân hoặc tự mình mở công ty riêng (số này không nhiều). Riêng các doanh nghiệp nhà nước, công ty lớn vẫn còn e dè trong việc sử dụng nguồn lao động này…

 

Có thể nói cơ hội việc làm cho người tàn tật hiện còn không ít trở ngại. Một số chính sách ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dành cho người tàn tật (có trên 51% lao động là người tàn tật) chưa thật rõ ràng, nhất quán, đáng chú ý là các chính sách về thuế.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tuyền, Giám đốc Công ty Trường Đạt cho biết: Sau 5 năm thành lập, đến nay, công ty vẫn chưa nhận được sự ưu đãi nào dành cho cơ sở của người tàn tật như: vốn vay, vốn hỗ trợ, thủ tục thuê đất, mà mới chỉ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhà nước cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và đào tạo người tàn tật.

 

Còn ông Lê Thanh Bình, chủ cửa hàng Reaching Out ở Hội An (Quảng Nam), chuyên bán đồ lưu niệm do những người tàn tật làm lại nhấn mạnh: Cần tạo sự hiểu biết và thông tin rộng rãi, đầy đủ hơn giữa chủ doanh nghiệp và người tàn tật. Bản thân ông đang rất muốn tìm kiếm, tuyển dụng người tàn tật nhưng chưa biết tìm ai và tìm ở đâu. Nếu có những tổ chức, hình thức giới thiệu, chẳng hạn như lập ra một trang web thì người tàn tật và các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong gặp gỡ, tìm hiểu và lựa chọn việc làm.

 

Chính sách không được thực thi đầy đủ

 

Không thể phủ nhận, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến vấn đề việc làm cho người tàn tật. Bộ Luật lao động, Pháp lệnh về người tàn tật, các Nghị định 81/CP, 116/CP và gần đây nhất là Chỉ thị số 01 ngày 9/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh việc “dạy nghề, tạo việc làm cho người tàn tật, kể cả việc người tàn tật tự tạo việc làm”.

 

Nghị định số 81/CP quy định: Cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh cho người tàn tật được miễn các loại thuế, được xét cấp hỗ trợ một phần kinh phí và vay vốn lãi suất thấp từ Quỹ hỗ trợ việc làm cho người tàn tật của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; được ưu tiên giao đất hoặc thuê đất ở những địa điểm thuận lợi cho việc tổ chức dạy nghề và sản xuất kinh doanh cho người tàn tật…

 

Chính sách ưu đãi là vậy, tuy nhiên đáng tiếc là những ưu đãi đó của Đảng, Nhà nước chưa thực sự được triển khai đầy đủ và nghiêm túc.

 

Ông Trần Vinh Quang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh việc làm cho người tàn tật Việt Nam đưa ý kiến: Nên tổ chức điều tra về tình hình người tàn tật nói chung và lao động việc làm cho người tàn tật nói riêng, từ đó giúp nhà nước hoạch định chính sách cho người tàn tật.

 

Theo ông Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Đà Nẵng: Phải coi việc tuyển dụng người tàn tật vào làm việc là trách nhiệm pháp lý chứ không phải là hành động tuỳ tâm của các doanh nhân. Ông Long cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên làm gương trong việc tuyển dụng lao động là người tàn tật… 

Nguyễn Hiền - An Hạ