Vì sao Nhật “khát” nhân lực nước ngoài?

Tại Nhật, mỗi tháng có hàng chục ngàn thông tin đăng tuyển nhân sự mà không có ai ngó đến...

 

Một nhóm giáo viên tiếng Anh người nước ngoài biểu tình đòi được đối xử công bằng tại Tokyo cách đây 10 năm. Tuy vậy, 10 năm sau, thái độ của người Nhật với người nước ngoài vẫn chưa thay đổi nhiều - Ảnh: Japan Times.
Một nhóm giáo viên tiếng Anh người nước ngoài biểu tình đòi được đối xử công bằng tại Tokyo cách đây 10 năm. Tuy vậy, 10 năm sau, thái độ của người Nhật với người nước ngoài vẫn chưa thay đổi nhiều - Ảnh: Japan Times.

Năm nay 20 tuổi, nữ sinh Trung Quốc Liu Tong đến Tokyo vào năm 2013, để theo học một chương trình bằng tiếng Anh tại Đại học Rikkyo.

Bởi phải tự chi trả sinh hoạt phí, nên ban đầu cô gái trẻ rất lo ngại sẽ không kiếm được việc làm thêm, khi vốn tiếng Nhật còn hạn chế.

Thế nhưng rồi sau một thời gian, Liu Tong nhận ra mình đã lo lắng thái quá, bởi cô thậm chí còn kiếm được hai công việc chạy bàn ở hai nhà hàng khác nhau mà không quá vất vả.

Liu Tong nói: “Ban đầu tôi nghĩ tôi sẽ không thể xin được việc, bởi tiếng Nhật của tôi rất kém. Thế nhưng khi bắt đầu làm việc một thời gian, tôi mới nhận ra rằng chủ nhà hàng còn nhận những người kém tiếng Nhật hơn cả tôi. Họ quá cần người làm”.

Cần người nước ngoài

Những người nước ngoài như Liu Tong đang đóng vai trò ngày một quan trọng trong kinh tế Nhật.

Trong bối cảnh tỷ lệ sinh ngày càng giảm, số lượng sinh viên ra trường mỗi năm một thấp, nhiều công ty Nhật trước đây vốn không bao giờ muốn tuyển dụng người nước ngoài, nay đã buộc phải thay đổi.

Khi thất nghiệp là vấn đề đáng sợ ở nhiều nền kinh tế châu Âu, châu Á, thì ở Nhật mỗi tháng có hàng chục nghìn việc làm được đăng tuyển mà không có ai nộp hồ sơ. Từ các cửa hàng bán mì cho đến nhà máy sản xuất ôtô phải tìm kiếm đến mọi kênh tuyển dụng, chấp nhận bỏ thêm chi phí đào tạo tiếng Nhật, để tuyển được người làm.

Theo quy định của Chính phủ Nhật, sinh viên nước ngoài khi đến Nhật học được phép làm thêm không quá 28 tiếng mỗi tuần. Nguồn nhân lực nước ngoài này đã giúp bù đắp nhiều cho những vị trí cần lao động chân tay mà người bản xứ không muốn làm.

Nhiều công ty Nhật còn tìm cách tận dụng nguồn lao động giá rẻ thông qua các chương trình thực tập sinh, với mục tiêu được tuyên bố là trang bị cho người lao động kỹ năng cần thiết để họ quay về “xây dựng đất nước”.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội ở Mỹ và nhiều nước khác đã chỉ trích người Nhật lạm dụng nhân công giá rẻ các nước khác thông qua các chương trình thực tập sinh kiểu này, dù phía Nhật vẫn khăng khăng giữ quan điểm rằng họ đang làm “từ thiện”.

Trên thực tế, việc tuyển dụng lao động không có visa hợp pháp vẫn diễn ra khá phổ biến ở Nhật. Trong những trường hợp đó, lương thường được thỏa thuận miệng và sau đó thanh toán bằng tiền mặt, tuy nhiên, những công việc được tuyển dụng theo kiểu này thuần túy chân tay, và bản thân người lao động thường phải sống cuộc sống chui lủi vất vả.

Chưa mấy thân thiện

Một thống kê của Bộ Lao động Nhật cho thấy tính đến cuối năm 2014, có khoảng 788 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc hợp pháp tại Nhật, tăng khoảng 15% so với hai năm trước đó. Con số này tương đương 1,4% tổng lực lượng lao động.

Vấn đề dân số già và ngày một giảm đang khiến chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe rất đau đầu. Một ước tính cho thấy từ nay cho đến năm 2060, dân số Nhật thuần chủng có thể giảm đến 30%. Ngoài ra, khi người Nhật trẻ ngày một ngại làm các việc chân tay, vấn đề nhân lực cho nhiều ngành này sẽ còn căng thẳng hơn nữa.

Có một điểm đáng chú ý là dù cần người làm, nhưng thái độ của người Nhật nói chung với lao động nước ngoài vẫn không thực sự cởi mở.

Kết quả một cuộc khảo sát do Chính phủ Nhật thực hiện cuối năm 2014 cho thấy, chỉ 12% số người được hỏi đồng ý với chính sách thu hút thêm lao động nhập cư, dù họ thừa nhận rằng Nhật đang thiếu nhân lực.

Nhiều trợ lý của Thủ tướng Abe đã đề xuất một số thay đổi nhỏ như nới lỏng điều kiện visa cho lao động có trình độ, cho phép sinh viên nước ngoài ở lại thêm hai năm sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng với áp lực từ dư luận, thông điệp chính sách mới nhất từ Thủ tướng Abe chưa phát đi tín hiệu về một xã hội dễ thở hơn với người nhập cư.

Theo VNeconomy.vn