Vì sao người Nhật "không thể lười biếng"?

Ai cũng có lúc lười biếng chẳng muốn làm gì. Nhưng người Nhật Bản, họ có bí quyết để vượt qua được chuyện đó.

Vì sao người Nhật "không thể lười biếng"? - 1

Hết lần này đến lần khác, bạn đặt ra cho mình những mục tiêu mới nhưng rồi cuối cùng lại thất bại. Đa phần là vì thói quen trì hoãn - bạn luôn tự nói rằng mình chưa sẵn sàng, chắc là sẽ làm việc đấy sau vậy.

Nhưng quả thực, tại sao khi nghĩ đến những kế hoạch mới thì lại rất hào hứng, trong khi vừa mới bắt đầu chúng ta lại bỏ cuộc dễ dàng? Thật ra câu trả lời rất đơn giản: bạn cố gắng đạt được quá nhiều mục tiêu trong khoảng thời gian quá ngắn.

Hơn nữa, cũng rất khó để thay đổi các thói quen cũ và thử làm điều gì mới. Kết quả là bạn chán nản và bỏ cuộc ngay lập tức.

Vậy làm thế nào để ngừng việc đình công vô thời hạn này lại? Hãy học người Nhật phương pháp thay đổi bản thân và đạt được những gì mình muốn. Và cái hay ho nhất là bạn chỉ cần dành ra vài phút mỗi ngày thôi.

Kaizen - nguyên tắc giúp bạn không bao giờ có thể lười biếng

"Kaizen", hay còn gọi là "nguyên tắc 1 phút", là một nguyên tắc người Nhật rất hay sử dụng để quản lý quỹ thời gian và kiểm soát hành động của bản thân. Trong đó, "Kai" là thay đổi, còn "Zen" là sáng suốt.

Như vậy Kaizen có nghĩa là thay đổi một cách sáng suốt. Hiểu đơn giản, bạn đừng tạo ra sự thay đổi một cách đột ngột, ngẫu nhiên, mà nên theo từng bước chậm rãi và khôn ngoan.

Khái niệm Kaizen được sáng tạo bởi Masaaki Imai. Theo ông, nó có thể được áp dụng trong bất kì lúc nào của cuộc sống: từ công việc cho đến đời sống cá nhân.

Làm sao để thực hiện nó?

Quy tắc duy nhất của Kaizen là bạn phải xác định được kế hoạch mà mình muốn làm. Tuy nhiên, mỗi ngày bạn chỉ dành ra 1 phút duy nhất để thực hiện nó, và trong một thời điểm nhất định mà thôi.

Ví dụ bạn muốn tập hít đất hoặc chạy bộ để cải thiện sức khỏe. Nhưng thay vì cố gắng chạy 2 vòng công viên, hít đất hàng chục cái thì bạn chỉ nên thực hiện chúng trong vòng 1 phút cố định mỗi ngày.

Vì sao ư? Vì nếu chỉ là 1 phút thì ngay cả người lười biếng nhất cũng khó lòng tìm ra lý do để trì hoãn. Trong khi đó, ý nghĩ phải chạy bộ trong vòng nửa tiếng có thể khiến nhiều người nản lòng.

Việc này nghe có vẻ thật là khó tin, nhất là với người phương Tây, bởi họ luôn cho rằng nếu muốn đạt được mục tiêu, nhất là thay đổi một thói quen cũ, phải cần đến ý chí mạnh mẽ.

Nhưng việc thử thách giới hạn bản thân, nếu lấy đi của bạn quá nhiều năng lượng và bắt bạn phải chịu đựng, sẽ làm bạn chán nản. Bạn sẽ chỉ làm việc đó cho xong thôi.

Tại sao Kaizen lại có tác dụng?

Hiệu quả của một phút mỗi ngày ấy là ở chỗ nó mang lại cảm giác hứng khởi khi bắt đầu nhìn thấy sự thay đổi của bản thân. Khi bạn có cảm giác mình đạt được chút thành tựu, động lực sẽ trở nên lớn hơn rất nhiều.

Nhưng tất nhiên, chỉ 1 phút mỗi ngày là không đủ, điều này chắc chắn đúng. Khi bạn không còn thấy nản chí nữa, hãy tăng dần thời lượng lên: 5 phút, 10 phút, dần dần lên nửa tiếng và hơn thế rất nhiều.

Theo Doanh nhân Sài gòn