Vì sao chỉ có 3/898 vụ TNLĐ chết người bị khởi tố hình sự?
(Dân trí) - Trong số 898 vụ tai nạn lao động làm chết 928 người (năm 2017), chỉ có 3 vụ có quyết định khởi tố của cơ quan công an. Con số trên liệu còn quá ít so với thực tế và chưa đủ tính răn đe đối với các vi phạm pháp luật an toàn vệ sinh lao động?
Theo Bộ LĐ-TB&XH, thống kê từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2017 cho thấy, cả nước có 8.956 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), số vụ TNLĐ làm chết người là 898 vụ, làm chết 928 người.
Số liệu người bị nạn như trên thuộc khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động.
Tuy nhiên trong số 898 vụ TNLĐ làm chết người, chỉ có 3 vụ bị cơ quan công an ra quyết định khởi tố hình sự.
Trả lời câu hỏi vì sao số lượng các vụ TNLĐ bị đề nghị khởi tố hình sự còn quá chênh lệch so với tổng số các vụ TNLĐ nói chung, ông Lê Hữu Long - Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Hiện nay việc điều tra tai nạn lao động đối với những vụ có từ 2 người chết trở lên, đã phân cấp thẩm quyền cho địa phương”.
Ngành xây dựng đứng đầu các vụ TNLĐ
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, lĩnh vực xây dựng chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7 % tổng số người chết; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,2 % tổng số vụ và 8,8 % tổng số người chết; lĩnh vực cơ khí, luyện kim chiếm 6,9 % tổng số vụ và 8,02 % tổng số người chết…
Cũng theo ông Lê Hữu Long, địa phương đã có các đoàn khảo sát phối hợp với cơ quan công an, viện kiểm sát thực hiện việc điều tra. Căn cứ vào kết quả điều tra, vụ nào có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Hà Tất Thắng Cục trưởng An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Phía Bộ LĐ-TB&XH cũng “sốt ruột”. Nhưng việc khởi tố hay không còn phụ thuộc vào kết quả điều tra từ phía cơ quan công an và viện kiểm sát. Số vụ khởi tố còn ít có thể do không có yếu tố hình sự”.
Đại diện Cục An toàn lao động cho biết thêm về quy trình xử lý khi có TNLĐ. Theo đó, việc điều tra tai nạn giao sẽ giao cho đoàn điều tra, gồm đại diện ngành LĐ-TB&XH, y tế, công đoàn. Ngoài ra cơ quan công an phối hợp điều tra và Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ giám sát.
Trên cơ sở điều kiện thực tế có đủ dấu hiệu hay không, cơ quan công an sẽ quyết định đề nghị hay không việc khởi tố. Quyết định khởi tố vụ tai nạn lao động các phụ thuộc vào cơ quan công an và Viện kiểm sát cấp tỉnh.
Về phía ngành LĐ-TB&XH, ông Hà Tất Thắng cho biết chỉ có thể thực hiện tổ chức điều tra kết luận về tai nạn lao động. Trong trường hợp đặc biệt, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự, ngành mới đề nghị khởi tố hình sự.
“Thực tế không ít đoàn điều tra TNLĐ đã kiến nghị nhiều vụ việc cần được chuyển sang khởi tố hình sự nhằm tăng tính răn đe. Nhưng phía cơ quan bảo vệ pháp luật xét thấy chưa đầy đủ yếu tố nên không thực hiện khởi tố” - ông Hà Tất Thắng cho biết.
Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng trong năm 2017
Vụ tai nạn ngạt khí xảy ra vào lúc 10h40 ngày 12/01/2017 tại Công ty Cổ phần Foodtech (liên doanh với Thái Lan), Chi nhánh Phú Yên làm 5 công nhân chết dưới hầm chứa nước hấp cá.
Vụ tai nạn đứt cáp cẩu xảy ra vào 15h00 ngày 19/6/2017 tại công trường xây dựng cầu Việt Trì- Ba Vì, thuộc địa phận xã Phú Cường, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội làm 2 người chết.
Vụ tai nạn rơi thang máy vào khoảng 12h00 ngày 22/8/2017 tại Chung cư Newlife Tower đang thi công xây dựng tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do Công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu Hà Nội làm chủ đầu tư, làm 3 người chết.
Vụ tai nạn sập giàn giáo vào khoảng 15h30 ngày 10/9/2017 tại thôn Ngoan A, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang làm 3 người chết, 6 người bị thương.
Vụ tai nạn nổ tàu lai dắt vào khoảng 16h00 ngày 12/11/2017, tại Công ty đóng tàu Phà Rừng (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) làm 4 người chết.
Vụ tai nạn sập giàn giáo vào khoảng 16h30 phút ngày 21/11/2017, tại số nhà 20, Lô B5, khu phố 11, Phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, làm 2 người chết.
(Nguồn: Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH)
Hoàng Mạnh