1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vi phạm phổ biến trong XKLĐ: Tuyển nguồn qua trung gian

(Dân trí) - Mới đây, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH đã có quyết định xử phạt một loạt doanh nghiệp vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động (XKLĐ). Từ đó, có thể thấy việc quản lý XKLĐ hiện nay còn quá nhiều kẽ hở.

1001 vi phạm

 

Trong số những DN bị xử phạt, Liên hiệp sản xuất thương mại HTX VN bị Chánh Thanh tra Bộ “quy” là: “Lợi dụng danh nghĩa XKLĐ để tuyển, đào tạo và thu tiền của người lao động để đưa đi làm việc tại Hàn Quốc khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền”.

 

Trong khi đó, “tội” của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) là: “Đăng ký hợp đồng XKLĐ không đầy đủ số lượng lao động đưa đi; chưa thực hiện báo cáo đầy đủ, quản lý chưa chặt chẽ để cán bộ lợi dụng danh nghĩa XKLĐ thu tiền bất hợp pháp”. Còn Công ty Cổ phần Đông Hải (Hải Phòng) thì không có giấy phép XKLĐ vẫn tuyển lao động...

 

Theo Thanh tra Bộ, sai phạm chủ yếu trong công tác XKLĐ hiện nay chính là: Chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền vẫn  tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, không quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động trong thời gian làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài phù hợp với pháp luật VN và pháp luật nước sở tại; để cơ sở đào tạo lợi dụng danh nghĩa XKLĐ tổ chức tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng nhằm thu lời bất chính; đăng ký hợp đồng XKLĐ không đầy đủ số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài; thu tiền của NLĐ một cách bất hợp pháp...

 

Trong 5 năm từ 2001-2005, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý 101 vụ cò mồi, môi giới, lừa đảo trong XKLĐ, liên quan đến 114 đối tượng (48 vụ bị khởi tố).

 

Ngoài ra, tình trạng lừa đảo khá phổ biến và táo tợn của các DN là vi phạm về thực hiện giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Hợp đồng này không quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và các khoản chi phí mà họ phải thực hiện.

 

Đa số các hợp đồng mà người lao động ký với người sử dụng lao động ở nước ngoài thông qua DN XKLĐ ở VN không được dịch ra tiếng Việt. Điều này dẫn đến tình trạng người lao động không biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình với người sử dụng lao động trực tiếp. Hơn nữa, do phí đáp ứng yêu cầu về thời gian mà phía DN nước ngoài đưa ra nên các DN VN thường tìm biện pháp đưa người lao động sang nước ngoài trước khi đăng ký hợp đồng lao động với Cục QLLĐNN.

 

Hiện nay các DN khi đưa lao động xuất cảnh thường không đảm bảo thời gian đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động theo quy định. Do vậy, thực tế nhiều người lao động ra nước ngoài làm việc do bất đồng về ngôn ngữ, yếu kém về trình độ đã xảy ra những hiểu lầm và không dàn xếp được với chủ sử dụng lao động, bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, phải về nước trước thời hạn.

 

Bên cạnh đó, các DN thực hiện thu tiền đặt cọc của người lao động nhưng không quản lý số tiền đặt cọc đúng quy định; không chuyển vào tài khoản "tiền đặt cọc" mở tại ngân hàng thương mại nhà nước nơi DN đặt trụ sở chính...

 

Người lao động phải biết tự bảo vệ

 

Nguyên nhân của những sai phạm trên, theo Thanh tra Bộ LĐTBXH, là do cả DN, người lao động lẫn các cơ quan quản lý nhà nước về XKLĐ. Cuối năm, các Công ty XKLĐ đang tập trung quăng "những mẻ lưới cuối cùng" sang nước ngoài, đây cũng là "mùa làm ăn" của các DN nói trên. Vì vậy, để tránh những vi phạm đáng tiếc rất cần sự phối hợp với cơ quan công an để đấu tranh chống lại các hiện tượng cò mồi, môi giới bất hợp pháp, lừa người lao động để thu lợi bất chính...

 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh quản lý còn lỏng lẻo như hiện nay, người lao động tốt nhất vẫn phải tự bảo vệ mình bằng cách cập nhật kiến thức về XKLĐ. Ngoài ra, các DN vi phạm nên bị xử lý nặng hơn nữa...

 

Theo đánh, các quy định xử phạt DN hiện nay vẫn là nhẹ, thường là xử phạt hành chính, phạt tiền, cao nhất mới là thu hồi giấy phép.

 

Nguyễn Hiền