1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vận động lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước

(Dân trí) - Thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đang trong tình trạng tạm “đóng băng”. Bộ LĐ- TB&XH yêu cầu các địa phương thực hiện nhiều biện pháp tích cực để thiện tình hình.

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong thời gian gần đây, phía Hàn Quốc đã tạm dừng việc tiếp nhận lao động Việt Nam xuất khẩu sang nước này làm việc, với lý do số lượng người cư trú bất hợp pháp ngày càng gia tăng. Hiện còn một số lượng lao động Việt Nam đã tiến hoàn thành hồ sơ thi tuyển nhưng vẫn bị ứ đọng do quyết định dừng tiếp nhận từ phía Hàn Quốc.

Trước đó, theo thống kê đáng lo ngại từ Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ- TB &XH)), trong tổng số 55.608 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, có tới 8. 510, chiếm tỷ lệ 14,8%, đứng đầu trong số 15 quốc gia phái cử. Có tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc (tập trung chủ yếu vào những đối tượng gian lận trong khám sức khỏe ở trong nước hoặc đăng ký dự tuyển vào ngành nông nghiệp và ngư nghiệp với mục đích nhanh chóng được sang Hàn Quốc, nhưng đến sân bay là bỏ trốn ngay).

Tại Hàn Quốc, lao động Việt Nam cũng đang bị xếp vào top hay thay đổi công việc so với các lao động các nước khác,với tỷ lệ lên đến 32%. Một bộ phận lao động của ta chưa có ý thức chấp hành kỷ luật và luật lao động, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Hàn còn kém…

Bộ trưởng Bộ LĐ- TB &XH  Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tình trạng nêu trên đã tác động xấu đến việc giữ vững và phát triển thị trường lao động. Nếu không có những biện pháp nhanh chóng khắc phục những hạn chế trên thì cánh cửa sang thị trường lao động Hàn Quốc sẽ ngày càng bị thu hẹp, thậm chí bị đóng hẳn.

Vận động lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước - 1
Thị trường lao động Hàn Quốc đang "đóng băng" càng khiến ngành xuất khẩu thêm khó khăn. (Ảnh minh họa)
 
Trong kh đó, theo thống kê, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc có thu nhập bình quân từ 900 – 1.100 USD/người/tháng, hoặc cao hơn, cao hơn rất nhiều lần so với mức thu nhập trong nước. Qua 6 năm thực hiện chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (ESP), đến nay Việt Nam đã đưa gần 60.000 lao động đo theo chương trình này (đứng đầu trong số các quốc gia phái cử lao động sang Hàn Quốc). Hàng năm thu nhập của người Việt Nam gửi về nước khoảng 600 triệu USD, góp phần cải thiện đời sống cho gia đình và phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

 Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH đã gửi công văn đến các địa phương thông báo tình hình và cho biết: Bộ đã và đang nghiên cứu để áp dụng một số biện pháp như thay đổi cách thức tuyển chọn lao động đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp và ngư nghiệp; tăng cường ý thức chấp hành pháp luật đối với người lao động trước khi xuất cảnh; đào tạo bổ túc nâng cao trình độ tiếng Hàn; tăng cường giám sát chặt chẽ quá trình kiểm tra sức khỏe của người lao động ; tăng cường công tác tuyên truyền; hỗ trợ cung cấp thông tin để người lao động về nước sẽ tìm được việc làm bên cạnh đó sẽ tiến hành đàm phán với phía Hàn Quốc về một số chính sách nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nêu trên đồng thời yêu cầu phía bạn tiến hành có biện pháp phối hợp quản lý số lao động đang làm việc.

Cũng nhằm giữ vững hình ảnh tích cực về người lao động Việt Nam và giải quyết tình trạng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Bộ yêu cầu các địa phương cử cán bộ tăng cường vận động những gia đình có con em cư trú bất hợp pháp tại HQ khuyên nhủ người thân trở về nước, hưởng chính sách khoan hồng từ phía bạn.

Lãnh đạo Bộ cũng cho biết, để giải quyết tận gốc vấn đề,  Bộ đang nghiên cứu các biện pháp hành chính nhằm hạn chế lao động tại các xã phường tại các địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao trong việc đăng ký kiểm tra tiếng Hàn và dự tuyển đi làm việc tại HQ.

P. Thanh