Tuyển dụng qua khả năng diễn đạt ngôn ngữ

Nếu trong vài năm trở lại đây, người lao động đã quen dần với các thuật ngữ về IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc) hay kiểm tra kiến thức tổng quát... thì hiện nay, thị trường lao động đang xuất hiện một xu hướng tuyển dụng mới - đó là kiểm tra SQ.

SQ, viết tắt tiếng Anh là Speech Quotient, có nghĩa là khả năng, trình độ biểu đạt ngôn ngữ. Hầu như tất cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay đều áp dụng tiêu chí phỏng vấn này, đặc biệt để đánh giá tuyển chọn một nhà quản lý.

Các chuyên viên nhân sự cho rằng một nhà quản lý giỏi ngoài chuyên môn còn là người phải biết cách sử dụng ngôn ngữ để giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, họ còn khích lệ tinh thần mọi người, tạo môi trường làm việc tốt chỉ bằng khả năng ngôn ngữ “trời phú” của mình. Trong kinh doanh cũng vậy, người có chỉ số SQ cao dễ gây ấn tượng tốt, khiến người khác có cảm giác tin cậy.

Những người này ngoài thành công trong các cuộc thương thuyết, thảo luận với đối tác còn biết cách cư xử hợp lý, bình đẳng với đồng nghiệp. Đặc biệt trong môi trường làm việc mang tính cạnh tranh cao, người có năng lực biểu đạt luôn chiếm ưu thế, vượt trội. Lúc xảy ra xung đột, tranh luận gay gắt, họ biết cách giải quyết nhanh chóng, thuyết phục.

Theo ông Nguyễn Hòa An, Giám đốc Công ty Tư vấn Nguồn nhân lực A.Q.L, tại một số nước tiên tiến, việc kiểm tra SQ là điều kiện bắt buộc khi tuyển chọn ứng viên vào vị trí quan trọng. Tại Việt Nam, quá trình kiểm tra này hầu như còn quá mới mẻ và chưa được chú trọng. Thế nhưng trong tương lai, điều kiện này sẽ là bắt buộc.

Trong chương trình cung cấp nguồn nhân lực cao cấp thường xuyên của mình, Công ty Tư vấn Nguồn nhân lực Net Việt cũng áp dụng tiêu chí kiểm tra SQ này để tuyển chọn ứng viên.

Ông Dương Xuân Giao, giám đốc công ty, cho biết ở nước ngoài các kỹ năng môn học SQ đã được đưa vào chương trình giảng dạy ngay từ cấp tiểu học, còn tại Việt Nam trong đào tạo dài hạn ở cấp đại học hiện nay vẫn còn thiếu, mà cũng chưa đưa vào chương trình giảng dạy, trong khi lao động Việt Nam luôn bị “chê” là yếu về kỹ năng, diễn đạt.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, tố chất sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ của lao động Việt Nam là yếu tố mà các tập đoàn nước ngoài nhắm đến.

Theo Người Lao Động